Tàu du lịch cao cấp chở hơn 2.000 du khách châu Âu cập cảng Nha Trang Ảnh: Nguyễn Phát

Tàu du lịch cao cấp chở hơn 2.000 du khách châu Âu cập cảng Nha Trang Ảnh: Nguyễn Phát

Miền Trung hút khách du lịch tàu biển

0:00 / 0:00
0:00
Lượng khách quốc tế đến các thành phố biển ở miền Trung bằng tàu biển tăng nhanh. Các địa phương cũng đang tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế, tăng đầu tư, quảng bá để thu hút hiệu quả dòng khách cao cấp này.

Những con số “bùng nổ”

Thay vì chọn đường bộ, đường hàng không, thời gian gần đây, nhiều khách quốc tế hạng sang chọn tàu biển trong hành trình du lịch đến với các thành phố biển của Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) liên tiếp đón 15 chuyến tàu biển, với hàng ngàn du khách, trong đó có những siêu tàu biển quốc tế, sức chứa lên đến 4.000 khách.

Mới đây nhất, vào ngày 13/3/2024, tàu du lịch Arcadia (quốc tịch Bermuda) đã chở hơn 1.700 du khách đến Nha Trang trên hành trình vòng quanh châu Á. Sau khi tham quan các di tích, danh thắng, điểm du lịch của Thành phố, tàu Arcadia rời Nha Trang đến Malaysia.

Để khai thác dòng khách cao cấp đi du lịch bằng tàu biển, việc đầu tư, cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch là hết sức cần thiết.

Lượng lớn du khách quốc tế “đổ bộ” vào Nha Trang bằng đường biển đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của thành phố biển này.

Trong năm 2024, Khánh Hòa dự kiến đón 45 chuyến tàu biển, với hàng chục ngàn lượt du khách đến từ các nước trên thế giới (chủ yếu là các nước châu Âu). Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, các chuyến du lịch tàu biển đã hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang, Khánh Hòa đến với bạn bè thế giới. Đồng thời, các công ty du lịch cũng có cơ hội giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới tại địa phương…

Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, theo dự báo của Sở Du lịch tỉnh này, trong năm 2024, số lượng tàu biển du lịch cập cảng Chân Mây có thể tăng gấp đôi so với năm 2023, hoặc nhiều hơn. Cùng với đó, lượng du khách quốc tế đến Huế sẽ tăng mạnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách này, qua đó nâng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 40 lượt tàu đăng ký cập cảng Chân Mây vào năm 2024, mỗi chuyến tàu có hàng ngàn hành khách và thuyền viên. Khách tàu biển đến Việt Nam được giới chuyên môn dự báo khá sôi động, trong đó đa phần là tầng lớp trung và thượng lưu, mức chi tiêu cho du lịch khá cao.

Tăng cường quảng bá, đầu tư hạ tầng

Để khai thác dòng khách cao cấp đi du lịch bằng tàu biển, việc đầu tư, cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch là hết sức cần thiết, cần phải chú trọng và đẩy nhanh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với các tập đoàn tàu biển; đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch tàu biển… để thu hút du khách đến Huế.

Mới đây, tại buổi làm việc với Tập đoàn Royal Caribbean về thúc đẩy du lịch tàu biển tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Royal Caribbean đưa cảng Chân Mây vào danh sách các điểm đến định tuyến của Hãng trong năm 2024 và những năm tiếp theo; hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh trong việc kết nối hoạt động du lịch tàu biển với phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch tàu biển gắn với thế mạnh đặc trưng của tỉnh về di sản văn hóa, ẩm thực và cảnh quan.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Royal Caribbean phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế đến với các thị trường khách du lịch tàu biển trên thế giới.

Bà Wendy Yamazaki, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, khu vực châu Á của Tập đoàn Royal Caribbean đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển. Tập đoàn Royal Caribbean mong muốn tăng cường hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế để đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn, có bản sắc văn hóa, nhằm thu hút khách lên bờ và chi tiêu nhiều hơn khi đến Thừa Thiên Huế.

Khẳng định, Tập đoàn Royal Caribbean sẽ tiếp tục lựa chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến định tuyến cũng như đồng hành với tỉnh phát triển du lịch tàu biển, bà Wendy Yamazaki đề nghị tỉnh và các ngành liên quan báo cáo, đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về chính sách thị thực, mở rộng đối tượng được miễn thị thực, tạo điều kiện ưu đãi cho thủy thủ đoàn lên bờ, linh hoạt và tăng cường ứng dụng công nghệ trong thủ tục xuất, nhập cảnh…

Còn tại Khánh Hòa, xác định du lịch từ tàu biển là nguồn khách chủ lực quan trọng, ngành du lịch tỉnh đã đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đặc trưng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kết hợp khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương… để đáp ứng nhu cầu du lịch của dòng khách này.

Hiện nay, khách du lịch tàu biển tới Khánh Hòa chủ yếu qua cảng Nha Trang. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại đây chưa đảm bảo để đón khách khi thời tiết xấu; tàu đến phải neo đậu ngoài khơi, rồi trung chuyển khách vào bờ tham quan du lịch. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa lên phương án đón khách du lịch tàu biển tại cảng quốc tế Cam Ranh, với mục tiêu không bỏ lỡ nguồn thu rất lớn từ nguồn khách này.

Tin bài liên quan