Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 6 từ trái qua) và lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình Hội quán Cùng nhau làm du lịch

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 6 từ trái qua) và lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình Hội quán Cùng nhau làm du lịch

Mô hình hội quán tại Đồng Tháp: Đồng hành phát triển kinh tế - xã hội Đất Sen hồng

0:00 / 0:00
0:00
Trong 2 ngày 18-19/11/2023, lần đầu tiên tại TP. Cao Lãnh sẽ diễn ra 'Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng', đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đặc trưng của Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Ban Tổ chức Ngày hội cho biết, sự kiện được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, có chủ đề “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển”. Nhằm nhìn lại chặng đường 7 năm hình thành và phát triển mô hình Hội quán, tổng kết quá trình phát triển của mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp; tạo điều kiện cho các Hội quán của Đồng Tháp giao lưu, chia sẻ, liên kết hợp tác, phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trong Ngày hội như Hội thảo Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán; Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”; Tổ chức đoàn Famstrip, giao lưu các hội quán; Trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP từ các Hội quán; Triển lãm thành tựu Hội quán; Hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”; Hội thi ẩm thực và Lễ bế mạc Ngày hội… Trong đó, nổi bật là cuộc thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất sen hồng” nhằm chọn lựa, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế thừa, có am hiểu chuyên môn quản lý, dẫn dắt Hội quán đi đúng hướng trong tương lai của tỉnh Đồng Tháp. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 10 phút ngày 18/11/2023, tại sân khấu chính của Quảng trường Văn Miếu (TP. Cao Lãnh) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp.

Theo Ban Tổ chức, Ngày hội nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành Trung ương; của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chuyển tư duy kinh tế từ đơn ngành sang đa ngành, đa lĩnh vực

Từ Hội quán đầu tiên được thành lập với trên 100 thành viên vào năm 2016, đến nay, toàn tỉnh có 144 hội quán, với 7.556 hội viên, trong đó có 38 hợp tác xã được thành lập trên mô hình Hội quán, tham gia tích cực trong các chương trình kinh tế của tỉnh trên tinh thần “chăm chỉ - tự lực - hợp tác”; phát triển các sản phẩm ngành hàng, nông sản chủ lực địa phương, đẩy mạnh truyền thông các hàng hóa thế mạnh, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực quản trị cộng đồng gắn với thiết chế cộng đồng tự lực, tự chủ, tự quản...

Các hội quán của tỉnh Đồng Tháp hoạt động ở 11 nhóm lĩnh vực chính: chăn nuôi, sản xuất khô mắm, sản xuất sản phẩm từ tre gỗ, kinh doanh mua bán, hoa kiểng, sản xuất nông nghiệp, sản xuất bột, du lịch, trồng cây có múi…

“Qua các buổi sinh hoạt, thành viên của hội quán cũng tiếp cận được xu hướng sản xuất xanh, sạch và an toàn, thúc đẩy hợp tác, liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần giảm bớt đi câu chuyện trúng mùa, rớt giá”, ông Công nói.

Các hội quán hội quán sản xuất xoài và lúa đều tham gia ký kết đầu tư của doanh nghiệp, ngoài ra, hội quán còn là nơi phát triển tích hợp đa giá trị du lịch nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và hướng đến hội quán xây dựng mô hình "làng thông minh", "làng hạnh phúc"…

Đặc biệt, thành viên của hội quán tham gia tích cực vào việc tự nguyện hiến đất làm đường, vật kiến trúc, trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, giữ gìn an ninh trật tự…

Nổi bật có Hội quán Cùng nhau làm du lịch, (khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc), từ khi thành lập đến nay, hàng năm đều đạt “Hội quán Tiêu biểu” và nhiều năm liền được cấp tỉnh, thành phố tuyên dương.

Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch cho biết thêm, Hội quán thành lập ngày 5/3/2019, với ngành dịch vụ du lịch gắn với sản xuất - kinh doanh hoa kiểng, điểm tham quan du lịch và trò chơi miệt vườn, trải nghiệm, homestay, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ xe điện...

Mô hình Hội quán nông dân là một tổ chức xã hội dân lập phù hợp với người dân có tâm huyết, muốn phát triển làng nghề theo hướng bền vững, hoạt động theo tiêu chí 3 cùng “Cùng nhau xây dựng, Cùng nhau quản trị, Cùng nhau thụ hưởng”. Cổ vũ động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp, phát triển du lịch homestay. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với yêu cầu, thực tế tại địa phương; tạo mọi điều kiện cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Hội quán đã xây dựng thành công tiêu biểu về kinh doanh homestay như Hoa Ếch, Ngôi Nhà Tre, Mộc Miên…

Phát triển có hiệu quả các loại hình dịch vụ, du lịch và gắn với sản xuất - kinh doanh hoa kiểng ở các nhà vườn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch như Cánh Đồng Hoa Hồng, Đài Ngắm Hoa Ngọc Lan, Khu du lịch Miệt Vườn Happy Land Hùng Thy…

Thành viên của Hội Quán đã thành lập Công ty TNHH Cùng nhau đầu tư và phát triển du lịch Đồng Tháp để đầu tư xe điện đưa rước khách du lịch tham quan làng hoa, tàu du lịch phục vụ khách trải nghiệm sông nước và tham quan làng bè nuôi cá trên sông Tiền.

Trong thời gian qua, Hội quán được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và TP. Sa Đéc đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại Hà Nội, Ba Vì, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An, Đà Lạt… đồng thời, tiếp đón nhiều đoàn trong và ngoài nước đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm.

Theo đánh giá, chất lượng sinh hoạt Hội quán Cùng nhau làm du lịch ngày một phong phú, bước đầu thay đổi được nhận thức của thành viên trong việc thay đổi từ sản xuất hoa kiểng truyền thống gắn với kết hợp làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, hình thành khu homestay và các dịch vụ du lịch khác ngày một đa dạng, phong phú, thu hút nhiều du khách đến với làng hoa trăm tuổi.

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Mô hình hội quán xuất phát từ ý tưởng của nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành với tên gọi Canh Tân hội quán tháng 7/2016, với 105 hội viên. Sau đó, ông Lê Minh Hoan (nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hoạt động phát triển mô hình.

Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Tháp đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai và nhân rộng mô hình tập hợp người dân tự nguyện vào tổ chức. Hội quán nhằm phát huy vai trò chủ thể của người nông dân dựa trên quan điểm: giúp đỡ của Chính phủ trở nên vô nghĩa, nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình. Khuyến khích sự hợp tác của người dân trong cuộc sống, từ đó, hướng đến sự hợp tác trong sản xuất - kinh doanh theo cách tiếp cận mới, người nông dân cần thể hiện hết mức, nhằm phát huy vai trò chủ thể, tinh thần chủ động.

Nhân chuyến thăm hai Hội quán của xã Tân Thuận Tây (TP. Cao Lãnh) vào ngày 13/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp, mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước”.

Có thể nói, hội quán là mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp. Đây là một mô hình mở, dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất - kinh doanh và hợp tác, tương trợ cộng đồng.

Hội quán là trung tâm kết nối cộng đồng, phát huy tính dân chủ, tính tự quản, tinh thần trách nhiệm của những “Thủ lĩnh cộng đồng”, khắc phục tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thông qua mô hình hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; chuyển dần từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được phát huy.

Phương châm hoạt động của hội quán gồm: 3 không (không tổ chức bộ máy - không kinh phí từ ngân sách - không cơ sở vật chất); 3 cùng (cùng nghĩ - cùng làm - cùng hưởng) và 3 tự (tự nguyện - tự quản - tự quyết định).

Để hội quán tham gia chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, tạo bứt phá cho kinh tế của địa phương, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về phát huy vai trò hội quán đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay, đồng lòng của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cả cộng đồng; huy động cả nguồn lực công và tư, trong và ngoài nước.

Ban Tổ chức kỳ vọng đây sẽ là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và tư, là nơi kết nối, hợp tác, thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với các mô hình sản xuất - kinh doanh truyền thống của tỉnh để tạo ra các lợi thế cho thành viên các hội quán chuyển biến nhận thức sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học…

Người dân Đồng Tháp luôn mang trong mình những khát khao, ước vọng đổi đời và Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” mang đến cơ hội để cụ thể hóa những ước vọng đó và đã đến lúc, mô hình hội quán cần được nhìn nhận về giá trị lý luận cũng như thực tiễn, phục vụ vì lợi ích của cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Ngày hội, đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch. Một số công việc như rà soát, cập nhật tiến độ các đơn vị được phân công; họp Ban Tổ chức Hội thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen hồng”; ban hành kế hoạch tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”; tham dự vòng thi sơ loại cấp huyện Hội thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen hồng”…

Tin bài liên quan