Mới có 39 CTCK tách bạch tiền gửi NĐT

Mới có 39 CTCK tách bạch tiền gửi NĐT

(ĐTCK) Chỉ còn hơn 7 tháng nữa để các CTCK thực hiện tách bạch quản lý tài khoản tiền gửi khách hàng theo quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK. Các CTCK đã bước vào giai đoạn nước rút thực hiện việc tách bạch để hoàn tất trước ngày 15/1/2014.

39 CTCK tách bạch tận chân tài khoản NĐT

Đầu năm 2013, số liệu từ UBCK cho thấy, mới chỉ có 25 CTCK thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT tận chân tài khoản tại ngân hàng. Nhưng đến thời điểm này, số liệu từ UBCK cho thấy, con số này đã lên 39 CTCK. Đây là diễn biến khá tích cực của các CTCK, trước sức ép từ cơ quan quản lý: hoặc minh bạch, hoặc ngừng môi giới. Thêm 14 CTCK thực hiện tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT cho thấy, những vướng mắc mà các CTCK nêu ra trong giai đoạn trước kia để trì hoãn việc tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT có vẻ đã không còn hợp lý.

Mới có 39 CTCK tách bạch tiền gửi NĐT ảnh 1

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc CTCK Á Âu (AAS), đơn vị vừa thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT cho biết, từ 15/5/2013, Công ty bắt đầu thực hiện 2 hệ thống quản lý tài khoản tiền gửi của khách hàng: quản lý tách bạch theo tài khoản tiền gửi tại ngân hàng mang tên khách hàng hoặc theo tài khoản tổng của CTCK tách biệt với tài khoản riêng của CTCK.

“Á Âu đã kết nối offline với ngân hàng VIB và online với ACB. Theo đó, nếu NĐT lựa chọn mở tài khoản tiền gửi tại VIB, thì mỗi đầu ngày giao dịch, Ngân hàng sẽ báo số dư tại CTCK và khóa trạng thái tiền gửi này đến 3 giờ chiều. Sau 3 giờ chiều, CTCK sẽ báo kết quả giao dịch của khách hàng và ngân hàng sẽ chuyển tiền thanh toán trên cơ sở kết quả khớp lệnh mua. Đối với khách hàng mở tài khoản tiền gửi tại ACB, Ngân hàng sẽ thực hiện khóa trạng thái tiền gửi bất kỳ khi nào có giao dịch, sau đó, đến 3 giờ chiều sẽ chuyển khoản thanh toán. Đối với giao dịch bán thì ngược lại”, ông Chung nói.

Tại CTCK Tân Việt (TVSI), đơn vị đầu tiên trên TTCK Việt Nam mạnh dạn đầu tư cả triệu USD để mua hệ thống phần mềm cho CTCK đã thực hiện tách bạch quản lý tài khoản tổng từ lâu cũng đang tích cực chuẩn bị các thủ tục phục vụ cho việc tăng lựa chọn cho khách hàng trong việc sử dụng tài khoản tổng hay tách tận chân tài khoản NĐT.

“Sắp tới, Công ty vẫn sẽ thực hiện thêm việc tách tận chân tài khoản tiền gửi NĐT để cho khách hàng lựa chọn”, một lãnh đạo của TVSI cho biết.

 

CTCK lớn: Vì sao chưa tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT?

Theo quy định tại Thông tư 120, CTCK có quyền lựa chọn tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT dưới dạng tài khoản tổng hoặc từng tài khoản riêng biệt. Nhưng rõ ràng, tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT sẽ có nhiều ưu điểm hơn cho khác hàng. Vậy nhưng, trong danh sách 39 CTCK tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT, hầu hết là các CTCK nhỏ, thị phần môi giới không cao. Theo dữ liệu cập nhật của UBCK, ngoại trừ CTCK Bảo Việt, CTCK Ngân hàng Công thương, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, CTCK Ngân hàng Á Châu, CTCK Ngân hàng Đông Á, CTCK Maybank Kim Eng… đã tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT, thì SSI, FPTS, HSC, VNDirect, VCBS vẫn chỉ tách bạch tài khoản NĐT dưới dạng tài khoản tổng. Tại sao lại thiếu hầu hết bóng dáng các ông lớn trong vấn đề này?

Nếu như trước kia, các CTCK không thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi theo từng NĐT cá nhân vì chi phí đầu tư một hệ thống phần mềm giao dịch đầy đủ các tiện ích là khá đắt đỏ, thì nay, đầu tư một phần mềm do nhà cung cấp trong nước không phải là quá khó khăn với CTCK. “Như tại Á Âu, chúng tôi mua phần mềm của Goline với tổng chi phí 1,2 tỷ đồng, bao gồm cả các tiện ích kết nối đi kèm”, ông Chung cho biết.

Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo một CTCK giấu tên bình luận: có 2 khả năng dẫn đến tình trạng này, hoặc CTCK đã bị vướng mắc nhất định tài khoản tiền gửi của khách hàng, hoặc là do đặc trưng sử dụng phần mềm, khách hàng dùng nhiều dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin), nên nếu tách bạch tận chân tài khoản sẽ gây khó cho giao dịch của khách hàng.

Vị này cho hay, dù không phổ biến, nhưng có một vài CTCK (quy mô nhỏ) rơi vào tình trạng không thể cân đối được chính xác tài khoản tiền gửi của khách hàng với tài khoản tổng. Trong khi đó, ở các CTCK khác đang cung cấp dich vụ margin cho khách hàng thì buộc phải sử dụng tài khoản tổng, nếu không sẽ rất khó thu hồi vốn đã cho vay, vị này nói.