Moody's cảnh báo về rủi ro hệ thống tín dụng giữa ngân hàng và các quỹ tư nhân

Moody's cảnh báo về rủi ro hệ thống tín dụng giữa ngân hàng và các quỹ tư nhân

(ĐTCK) Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s cảnh báo về một “cuộc đua xuống đáy” giữa ngân hàng và các quỹ tín dụng tư nhân trong việc cấp vốn cho các thương vụ mua lại bằng đòn bẩy rủi ro.

Đây là một cuộc cạnh tranh mà họ tin rằng sẽ làm tăng rủi ro hệ thống trên toàn hệ thống tài chính Mỹ.

Theo cảnh báo của Moody’s, việc các ngân hàng quay trở lại cho vay đối với các giao dịch như vậy cùng sự cạnh tranh lớn hơn từ khu vực nợ tư nhân đang phát triển nhanh, đồng nghĩa ngày càng nhiều tiền được đổ vào các giao dịch chất lượng thấp hơn trong bối cảnh điều kiện kinh tế chung đang xấu đi.

"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng lớn trong thị trường cho vay hợp vốn đại chúng, những người đã để mất đáng kể thị phần cho vay có đòn bẩy vào tay các đối thủ tín dụng tư nhân trong những năm gần đây, sẽ cạnh tranh gay gắt khi các thương vụ mua lại có đòn bẩy mới xuất hiện", Christina Padgett, Giám đốc nghiên cứu về hoạt động cho vay doanh nghiệp rủi ro của Moody’s nói và cho biết thêm, điều này sẽ khiến giá cả, các điều khoản và chất lượng tín dụng bị giảm xuống, gây ra rủi ro hệ thống tín dụng.

Moody’s đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh khu vực cổ phần tư nhân đang dần tìm được chỗ đứng sau khi Cục dự trữ liên bang Fed tăng lãi suất các đợt liên tiếp từ năm ngoái, làm rung chuyển thị trường tài chính và làm giảm đáng kể các thương vụ.

Tuy nhiên, thị trường gần đây bắt đầu chứng kiến những thương vụ mua lại có quy mô lớn khi sự biến động trên thị trường và mối lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đang lắng xuống. Các chủ ngân hàng và giám đốc điều hành tín dụng tư nhân cho biết họ đã nhận được nhiều lời kêu gọi cho vay đối với ngành này.

Nhiều công ty cổ phần tư nhân đã tìm tới vay vốn trên thị trường tín dụng tư nhân trị giá khoảng 1,5 ngàn tỷ USD để thực hiện các giao dịch trong suốt hai năm qua. Trong đó phải kể tới Thoma Bravo, công ty đã tìm tới các quỹ tín dụng tư nhân để tài trợ việc mua nhà cung cấp phần mềm kinh doanh Coupa Software trong thương vụ trị giá 8 tỷ USD. Hellman & Friedman và Permira cũng đã ký khoản vay khoảng 5 tỷ USD từ nhóm chủ nợ do Blackstone dẫn đầu để mua lại nhà sản xuất phần mềm Zendesk trong thương vụ 10,2 tỷ USD.

Sau một thời gian để mất khoản phí bảo lãnh hấp dẫn trong các thương vụ mua lại, ngành ngân hàng đang kỳ vọng có thể quay trở lại hoạt động kinh doanh mà họ đã thống trị từ lâu. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quỹ tín dụng tư nhân.

Nhiều ngân hàng lớn nhất tại Phố Wall chỉ mới bắt đầu trở lại thị trường sau năm 2022 bết bát, khi họ mắc kẹt với những khoản vay tài trợ cho các thương vụ mua lại có đòn bẩy rủi ro, như của nhà sản xuất phần mềm Citrix, nhà cung cấp xếp hạng truyền hình Nielsen, nhà sản xuất phụ tùng ô tô Tenneco và công ty truyền thông xã hội X trước đây gọi là Twitter.

Những ngân hàng như Bank of America, Barclays, Credit Suisse và Goldman Sachs đã mất tổng cộng hàng tỷ USD khi cuối cùng họ phải bán khoản nợ rủi ro đó cho nhà đầu tư khác. Những ngân hàng cho vay đối với Elon Musk, người đã mua X vào năm ngoái, cho đến nay vẫn không thể bán khoản nợ tài trợ thương vụ đó.

Nhưng sự khát khao của họ đã quay trở lại khi chi phí cho vay tăng lên, các nhà quản lý quỹ đua nhau mua trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay được xếp hạng thấp, theo dữ liệu từ LSEG.

Bà Padgett nhận định: Bất kỳ cuộc đua xuống đáy nào liên quan tới các thương vụ mua lại có sử dụng đòn bẩy đều gây ra những tác động rủi ro hệ thống lớn, đặc biệt trong môi trường mà nền kinh tế đang suy yếu. Ngoài ra, tín dụng tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường cho vay có đòn bẩy, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Tin bài liên quan