Một giờ với Chủ tịch HOSE

(ĐTCK) Hay không bằng hên. Được ông đồng ý gặp thật mừng. Không phải vì ông hẹp hòi với báo chí, mà chỉ vì quá bận vào những ngày cuối năm. Gặp mặt, ông nói: “May mà chiều nay chưa có lịch, chứ sắp tới thì kẹt cứng”.
Một giờ với Chủ tịch HOSE

1. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ông dành phần lớn thời gian để nói về nỗi trăn trở của mình. Nền kinh tế vừa trải qua một năm đầy khó khăn, TTCK phải chứng kiến nhiều DN rời sàn, thành viên thị trường rơi rụng… Nghĩ trong đầu, đó hẳn là những gì mà người đứng đầu Sở GDCK này muốn đề cập. Không phải. Điều ông muốn nói hoàn toàn khác.

Nói chuyện DN rời sàn, ông giải thích: “Có DN rời sàn vì cho rằng TTCK không còn là kênh huy động vốn hữu dụng, có DN rời sàn vì kẹt cơ chế và cũng có DN rời sàn vì làm ăn yếu kém nên không còn đáp ứng được các điều kiện để ở lại. Mình phải tìm hiểu từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết, chứ không thể gom chung vào một rổ”.

Ngẫm nghĩ thấy đúng. Lý do rời sàn vì không huy động được vốn chưa thực sự chính đáng. DN đâu thể lúc nào cũng chỉ dựa vào vốn vay. Đến lúc cần huy động vốn cổ phần thì làm thế nào, không lẽ lên lại, và xong rồi thì lại… xuống?

Rời sàn do làm ăn thua lỗ thì đó là quy luật đào thải tất yếu. Phải có chọn lọc thì thị trường mới lớn mạnh. Chuyện nhiều thành viên thị trường “ốm yếu” phải rời cuộc chơi cũng tương tự, không thực sự đáng bàn.

Nhưng rời sàn do kẹt cơ chế thì khác, ông nói và nêu ví dụ: “Thuỷ sản Minh Phú (MPC) muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trên 49% thì buộc phải rời sàn, vì ở trên sàn thì không làm được. Pháp luật cần sửa đổi để tháo gỡ nhằm tránh lặp lại sau này”.

Tai vẫn nghe ông nói, đầu tự vấn không biết ông trăn trở điều gì. Ông nhấp miếng trà rồi nói: “Tôi cảm thấy áy náy vì thị trường không giúp gì nhiều cho nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn khó khăn vừa qua”.

Ông cho biết, mỗi tháng không dưới 10 đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến gặp ông để tìm hiểu về TTCK Việt Nam. Ông nói với giọng tiếc nuối: “Nếu thu hút được nguồn lực đó một cách hiệu quả sẽ giúp DN trong nước vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng và rủi ro cho hệ thống ngân hàng, giúp cấu trúc lại nền kinh tế tốt hơn”.

Tiếc nuối vì gặp họ nhưng ông cũng chẳng có gì nhiều để nói. “Thử hỏi trên sàn hiện nay có bao nhiêu cổ phiếu blue-chip, trong số này mấy cổ phiếu còn room, có cổ phiếu nào giao dịch trên 20 triệu USD mỗi ngày không, hay bao nhiêu cổ phiếu giao dịch từ 1 triệu USD trở lên mỗi ngày…”. Ngập ngừng một lúc, ông nói tiếp: “Người ta hỏi toàn những thứ mình chưa có. Cái gì cũng chưa thì họ đầu tư vào đâu”.

Ông cho biết, những quỹ đầu tư lớn, như Goldman Sachs chẳng hạn, đòi hỏi thị trường phải giao dịch từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD mỗi ngày thì họ mới vào. Muốn vào thì họ phải bỏ tiền thuê văn phòng, xây dựng bộ máy ở đây, có người phụ trách theo dõi hàng ngày…, nhưng không có chỗ để đầu tư, vào ngay làm gì?

“Thị trường còn quá bé!”, ông lặp đi lặp lại rất nhiều lần và thừa nhận, đó chính là điều khiến mình trăn trở nhất.

“Vốn hoá của HOSE khoảng 850.000 tỷ đồng, cộng với khoảng 100.000 tỷ đồng của Sở GDCK Hà Nội (HNX) thì cũng chưa đến 1 triệu tỷ đồng, mới chỉ khoảng 28% GDP. Nếu tính thêm cả trái phiếu thì quy mô thị trường mới bằng 1/10 TTCK Thái Lan”. Nhẩm tính xong, ông nói: “13 năm mới có từng ấy. Phát triển như thế là chậm. Tôi rất trăn trở”.

Thực tế, thị trường không những bé mà còn sơ khai. Những công cụ mà nhà đầu tư nước ngoài đã rất quen thuộc và rất cần để bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro như ETF, covered warrant (chứng quyền), các công cụ phái sinh khác…, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa có. Ông nói với giọng như than phiền: “Chính tôi đã đề xuất thành lập TTCK phái sinh từ năm 2007…”

Rồi ông mách nhỏ: “Để tăng quy mô, có những thứ bản thân Sở không làm được, Uỷ ban Chứng khoán không làm được, Bộ Tài chính cũng không làm được… Nó đòi hỏi sự quan tâm và quyết tâm ở những cấp cao hơn”.

2. Ông mang chiếc áo khoác vì không khí trong phòng hơi lạnh, có lẽ do nhiệt độ ngoài trời những ngày cuối năm cũng xuống thấp. Câu chuyện chuyển sang một chủ đề khác, nói về những điều ông “mong” sẽ diễn ra trong năm 2014.

“Tôi chỉ mong có 2 việc”, ông nói. “Thứ nhất, Nhà nước cần đẩy mạnh cổ phần hoá các tổng công ty, các tập đoàn lớn và đi kèm với đó là những chính sách phù hợp, ví dụ như ưu đãi thuế, để khuyến khích DN lên sàn”.

Ông chưa kịp nói đến điều thứ hai thì phải dừng lại để tranh luận, vì thực tế đã có ý kiến cho rằng, rất khó để cổ phần hoá hay bán bớt phần vốn Nhà nước tại các DN khi mà thị trường thời gian qua không thuận lợi.

“Nói thế chẳng khác nào chuyện con gà và quả trứng. Không muốn làm thì lúc nào cũng có lý do, nhưng đã muốn làm thì luôn có cách. Ví dụ, cứ cho bán bớt 5% hay 10% để chuyển các DNNN thành công ty cổ phần trước đã, thay đổi dần bộ máy quản trị. Phải làm dần, phải bắt đầu thì mới có. Chứ nói chuyện con gà quả trứng là bàn lùi”, ông nói.

Cuộc trò chuyện có phần nóng lên khi nói đến giải pháp tăng quy mô thị trường bằng cách ưu đãi thuế để khuyến khích DN lên sàn. Đầu tiên ông nói: “Các DN hiện nay đang chịu thuế suất thuế thu nhập DN 25%. Để khuyến khích DN lên sàn, có thể chỉ tính 20% thôi. Nhìn vào, DN thấy có động cơ ngay để lên sàn”.

Nhưng ngân sách đang căng thẳng. Hơn nữa, trước đây đã từng có chính sách miễn, giảm thuế cho DN niêm yết. Những chính sách ưu đãi như thế cũng cần có giới hạn… Nếu cơ quan thuế đưa ra lập luận, phản biện như thế thì đáp lại thế nào? Cũng với giọng bức xúc, ông nói: “Cứ tính thử xem, với mức chênh lệch thuế suất 5% giữa DN niêm yết và không niêm yết thì ngân sách hụt đi bao nhiêu? Khuyến khích phải dài hơi, không nên làm nửa chừng rồi bỏ. Đã tạo ra thị trường, khủng hoảng xảy ra mà không bị sụp đổ, thì cần tiếp tục chăm sóc nó, nuôi nấng để nó mau chóng trưởng thành chứ!”.

Ông tiếp tục giữ giọng cao trước tranh luận rằng, có thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép DN lên sàn. “Mệnh lệnh hành chính không phải lúc nào cũng hiệu quả. Hơn nữa, công bằng mà nói, các DN niêm yết phải tốn kém chi phí để tuân thủ các quy định về công bố thông tin, minh bạch hoạt động…, nên họ cũng cần được hỗ trợ để bù đắp. Bản thân DN cũng tự hỏi lên sàn thì được lợi gì chứ!”.

Ông lại nhấp miếng trà, ngả lưng vào ghế và không quên nói tiếp: “Thứ hai, tôi mong chính sách nới “room” sớm được ban hành và cùng với đó, các sản phẩm mới như ETF, chứng quyền (covered warrant), các công cụ phái sinh có tính bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro rất cần cho các nhà đầu tư, cũng sớm được triển khai. Hứa hẹn nhiều cũng khiến tôi thấy ngại”.

Ông kể, có lần đi họp với các sở GDCK khu vực, ông cảm thấy mặc cảm với bạn bè thế giới vì thị trường mình thua kém nhiều mặt. Bao nhiêu năm mà chưa có sản phẩm phái sinh, chưa có cổ phần không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài.

Không nói đến như một điều mong muốn, nhưng ông có đề cập đến việc sáp nhập 2 Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội trong năm 2014. “Thủ tướng đã quyết chủ trương. Trong năm 2014 phải xong. Người ta nhìn vào thấy quy mô thị trường được 950.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ hay hơn chỉ có 850.000 tỷ đồng”.

Lãnh đạo HOSE cùng các vị quan khách cắt băng khai trương bộ chỉ số chứng khoán mới

3. Nhìn đồng hồ, đã gần một tiếng trôi qua, tôi hỏi: “TTCK năm qua có điều gì khiến ông thấy vui?”. Có lẽ mọi người, đặc biệt là những người chịu nhiều áp lực công việc như ông, cũng cần có những niềm vui để động viên chứ!

Ông nói: “Tôi vui vì VN-Index tăng hơn 20%. Điều này rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư”. Cũng phải thôi, là người đứng đầu Sở GDCK chính của một nước mà thấy nhà đầu tư khấm khá hơn thì không vui sao được.

“Tôi vui vì biết nhiều DN làm ăn tốt hơn”, ông nói tiếp. “Biết” ở đây là biết trực tiếp, chứ không phải nghe người khác nói lại, vì hầu như chẳng có ngày nào ông không gặp gỡ lãnh đạo các DN, không chính thức thì cũng hẹn nhau ăn sáng, cà phê, ăn trưa… để chuyện trò, hỏi han.

Những việc khác ông nói rất chừng mực: “Các dự án lớn của Sở như xây dựng trụ sở mới, xây dựng trung tâm dữ liệu, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin… đang diễn ra khẩn trương và đúng tiến độ; công tác giám sát thị trường ngày càng tốt hơn và đi vào chiều sâu”. Nhưng đặc biệt, ông không những vui mà còn tự hào khoe: “HOSE đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các Sở GDCK Thế giới (WFE). Đây là niềm vinh dự cho TTCK Việt Nam, giúp nâng cao giá trị của các DN niêm yết trên Sở, tạo niềm tin cho nhà đầu tư”.

Cuối cùng, ông kể ra “một số việc có ý nghĩa” mà Sở giao dịch do ông đứng đầu đã làm trong năm 2013 như hoàn thiện bộ chỉ số mới bao gồm Mid Cap Index, Small Cap Index, VN70 Index… giúp nhà đầu tư và các thành viên nhận diện thị trường tốt hơn. Chỉ số VN30 Index đại diện cho khoảng 70% vốn hoá thị trường được đưa ra cách đây gần 2 năm đã được các chủ thể tham gia thị trường đón nhận một cách tích cực. Tuy nhiên, ông không quên nhắc lại nỗi trăn trở của mình: “Giá như quy mô thị trường lớn hơn thì những việc làm của mình sẽ có ý nghĩa hơn nhiều”.

Thầm nghĩ, nếu chứng khoán có chỉ số “Trăn trở Index”, có lẽ nỗi trăn trở của những nhà quản lý thị trường như ông sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số này!

Tin bài liên quan