ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại họp tổ sáng 25/5

ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại họp tổ sáng 25/5

Một trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong một ngày

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây là con số đáng buồn.

Phát biểu thảo luận tại họp tổ sáng 25/5, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề cập vấn đề lao động việc làm đang hết sức khó khăn do tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Ông Vân cho hay, năm 2023, do tác động từ bên ngoài và vấn đề nội tại chưa khắc phục triệt để nên ngay từ đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, những tác động mạnh từ bên ngoài làm cho bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm trở nên ảm đạm.

Nhìn vào khu vực doanh nghiệp thì thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, cùng với đó, số lượng công nhân đăng ký thất nghiệp tăng cao.

"Chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Đây là con số đáng buồn", đại biểu thông tin và nhấn mạnh, Đồng Nai, Bình Dương là những cực tăng trưởng, là động lực phát triển công nghiệp phía Nam nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.

Phân tích nguyên nhân, vị đại biểu cho rằng, cả ba động lực tăng trưởng kinh tế đều đang gặp khó khăn. Xuất khẩu thì bị giảm đơn hàng. Đầu tư công thì tốc độ giải ngân chậm. Đầu tư nước ngoài hiện nay đang đối mặt luật chơi mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đó là thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu chúng ta không thích ứng thì hàng loạt doanh nghiệp FDI sẽ bỏ đi. Cần bắt tay ngay sửa đổi các đạo luật liên quan đến đầu tư, trước mắt là ban hành Luật thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Vị đại biểu đoàn Cà Mau nói rằng, nếu có giải pháp đồng bộ, thích hợp thì các quý còn lại của năm có thể bứt phá.

Cụ thể, vị đại biểu nêu 7 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt, trong đó giải pháp chính là giảm VAT.

Thứ hai, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt ban hành ngay Luật Thuế tối thiểu toàn cầu để "giữ chân" nhà đầu tư và thu hút thêm FDI.

Thứ ba, giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp start-up cần nuôi dưỡng. Cần phải xem xét khách quan để tạo ra lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ.

Thứ tư, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Thứ năm, cải cách thể chế, phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là giải pháp đột phá.

Thứ sáu, chỉnh đốn nội vụ cán bộ, nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước.

Thứ bảy, tăng lương, cơ cấu lại tiền lương bằng tinh giản biên chế.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn Bình Thuận phát biểu tại họp tổ sáng 25/5

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn Bình Thuận phát biểu tại họp tổ sáng 25/5

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cũng phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại.

Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử... là những ngành xuất khẩu chủ lực.

Dân đang phải "thắt lưng buộc bụng", xây tượng đài, cổng chào làm gì?

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong khi sức cầu giảm, việc làm không có, dân phải thắt lưng buộc bụng (có tiểu thương chợ Bến Thành cho biết cả tuần không bán được mặt hàng nào) thì ở nhiều nơi dự án cổng chào, tượng đài vẫn được triển khai.

"Trong lúc dân thì khó khăn, đặc biệt nơi vùng sâu, vùng xa, đói kém như vậy thì xây tượng đài, cổng chào để làm gì?", ông Vân nêu câu hỏi.

Phân tích các nguyên nhân, vị đại biểu cho rằng có vấn đề về chất lượng thể chế, chính sách pháp luật và chất lượng cán bộ. Thậm chí, có tình trạng, ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác lại thu hồi dự án. Trong khi doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỷ vào dự án, rồi trả lãi suất ngân hàng, thế là họ "chết".

"Chúng ta không xử lý những cán bộ như vậy thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, ông Vân nói.

Tin bài liên quan