Ông Lưu Văn Kính

Ông Lưu Văn Kính

Mua nợ chỉ là bước ban đầu

(ĐTCK) Đó là ý kiến của ông Lưu Văn Kính, Trưởng phòng Mua bán nợ, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) về quá trình cơ cấu lại các DNNN.

> Tái cấu trúc DNNN: Đột phá thông qua xử lý nợ xấu

Ông Kính nói:

DATC đang tập trung ưu tiên xử lý nợ để cơ cấu lại các DNNN, tiếp theo đó là các DN cổ phần được chuyển đổi từ DNNN. Đối với những DN khác, chúng tôi vẫn vẫn triển khai mua nợ bình thường.

Trên thực tế, các DN nợ nần đều là con nợ của các ngân hàng. Thông qua hoạt động mua bán nợ, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa DATC - DN khách nợ - ngân hàng để tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, mua nợ chỉ là quá trình ban đầu, sau đó phải có lộ trình tái cơ cấu với những bước đi cụ thể là:

- Chủ động đến DN có nợ xấu để nắm bắt tìm hiểu, đánh giá toàn bộ tình hình DN, quan trọng là tồn tại tài chính, quản trị để biết phải xử lý cái gì.

- Sau đó, xây dựng phương án mua nợ, cơ cấu lại nợ và các nội dung khác liên quan đến việc chuyển đổi (đối với DNNN) trình cấp có thẩm quyền của DATC phê duyệt và nếu được thì đến khâu đàm phán với các ngân hàng về giá trị các khoản nợ.

- Tiếp theo, phối hợp với các DN trình cơ quan chủ quản của DN xây dựng lộ trình cơ cấu gồm: xác định giá trị DN, trình bộ chủ quản phương án chuyển đổi DN. Sau đó lựa chọn đơn vị xác định giá trị DN.

Trong hoạt động mua bán nợ, năng lực mua bán nợ không phải là vấn đề lớn nhất, vướng nhất là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ. Ví dụ, Thông tư 59/TT-BTC về chuyển đổi DNNN quy định: đối với các DN không còn vốn nhà nước thì bộ chủ quản của DN thỏa thuận với DATC về phương án tái cơ cấu, nhưng nội dung, điều khoản thỏa thuận như thế nào lại chưa có quy định. DATC đang đề nghị có văn bản hướng dẫn riêng đối với các đơn vị không còn vốn nhà nước sẽ tái cơ cấu qua mua bán nợ.

Thứ hai, trong quá trình triển khai cơ cấu lại DN, hiện còn vướng trong việc mua nợ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Có nhiều DN nợ cả NHTM lẫn VDB, mua được nợ ở các ngân NHTM nhưng lại tắc ở VDB.

Thứ ba, các NHTM nhà nước cần đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu theo chủ trương của Chính phủ, vì có đẩy nhanh việc này thì DATC mới có nguồn hàng hóa để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các ngân hàng thực tế có đặc tính là các khoản nợ của DN nhiều khi để ra ngoại bảng, nhưng khi làm việc với mua bán nợ lại muốn bán với giá cao.