Thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thị trường bán lẻ Việt Nam.

Mua sắm nhu yếu phẩm hiện đại - nhu cầu lớn chưa được đáp ứng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo thống kê của Euromonitor, tỷ lệ bao phủ của kênh bán lẻ hiện đại hiện nay đang ở mức 8%. Dù chỉ mới chiếm một tỉ lệ nhỏ, song tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại trong những năm qua là rất ấn tượng. Ước tính trong giai đoạn 2017 – 2019, số lượng cửa hàng tạp hóa và tiện lợi đã tăng gần gấp đôi.

Ngành bán lẻ hiện đại phân mảnh

Cũng theo Euromonitor, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất về hàng tạp hóa hiện đại trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 26% cho lĩnh vực này trong 5 năm tới.

Trong khi đó, bán lẻ truyền thống gần như không tăng trưởng, các chợ ẩm thực và các cửa hàng tạp hóa truyền thống gần như không thay đổi trong 10 năm qua. Điều này được dự báo sẽ nhanh chóng làm thay đổi cán cân giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại được hậu thuẫn bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo thu nhập bình quân hộ gia đình và gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự chuyển đổi sang xu hướng bán lẻ hiện đại. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua hàng tại nhà, giao hàng tận nơi. Ý thức cao về sức khỏe cũng khiến khách hàng lựa chọn các cửa hàng hiện đại, uy tín, bảo đảm vệ sinh, hay chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Giàu tiềm năng, song bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chủ yếu ở thành thị và gần như vắng bóng ở khu vực nông thôn. Thương mại điện tử - lĩnh vực được đặt nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2% thị phần, không có chuỗi cung ứng đến được nông thôn và cũng chỉ có thể tìm được chỗ đứng ở nhóm sản phẩm không thiết yếu. Phần lớn các mặt hàng được đặt mua qua thương mại điện tử hiện nay như quần áo thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm, đặt vé du lịch… không phải là nhu cầu thiết yếu và có tần suất sử dụng mỗi ngày.

Phần lớn các chuỗi bán lẻ khi tập trung cạnh tranh với nhau trong các thành phố chỉ xây dựng được các mô hình quy mô nhỏ, và buộc phải chấp nhận chi phí cao để thu hút người tiêu dùng.

Sự phân mảnh của thị trường khiến hoạt động logistics kém hiệu quả và đẩy chi phí phân phối tăng lên từ 15 – 20%. Tương ứng với đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang phải trả thêm từ 15 – 20% cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày.

Không chỉ riêng chuỗi cung ứng, việc các chuỗi bán lẻ hiện đại không “mặn mà” với thị trường nông thôn còn đến từ sự thiếu vắng các sản phẩm tài chính. Hiện tại, trong mỗi 3 người tiêu dùng ở nông thôn thì có 2 người không có tài khoản ngân hàng. Việc các ngân hàng không thể vươn đến nhiều khu vực nông thôn cũng là một lý do khách quan khiến bán lẻ hiện đại chưa thể phát triển.

Cuộc đua của các doanh nghiệp bán lẻ

Dù thị trường nông thôn vẫn còn cần nhiều điều kiện để phát triển, song hầu hết các nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam đều xác định đây sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai, khi các thành phố lớn đang ngày càng trở nên “chật chội”.

Đầu năm nay, sau khi đổi tên và tái định vị thương hiệu BigC thành Go!, lãnh đạo Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) cho biết ngoài các đại siêu thị Go! trong 5 năm tới chuỗi bán lẻ này sẽ phát triển hơn 134 siêu thị mini Go! hướng tới khu vực nông thôn.

Đối với chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh, Công ty Thế Giới Di Động đã tích cực thử nghiệm mô hình cửa hàng diện tích lớn 500 m2 và cung cấp 6.000 - 8.000 lựa chọn hàng hóa, phần lớn nâng cấp từ các cửa hàng hiện hữu đang kinh doanh tốt.

Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng này là 2,5 tỷ đồng/tháng và 2/3 trong số đó được đặt bên ngoài TP.HCM, phân bổ khắp khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhờ chiến lược này mảng kinh doanh của chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận mức doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng.

Sau thời gian thử nghiệm, Công ty Thế Giới Di Động tự tin khẳng định đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu cho chuỗi Bách Hoá Xanh trong nhiều năm tiếp theo. Doanh nghiệp đặt mục tiêu cuối năm 2021 sẽ có hơn 500 cửa hàng Bách Hoá Xanh diện tích lớn.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ đang lựa chọn con đường khác để phát triển với một tầm nhìn rộng lớn hơn rất nhiều. Đó là mô hình bán lẻ tích hợp offline đến online

Tận dụng khả năng tiếp cận người tiêu dùng của hệ thống cửa hàng hiện hữu (offline) dẫn đầu về số lượng, VinMart/VinMart+ tích hợp mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm trực tuyến (online) để gia tăng lợi ích cho khách hàng.

Con đường này có nhiều tương đồng với nhà bán lẻ số 1 thế giới là Walmart tại Mỹ. Được thành lập năm 1962, Walmart đã phát triển thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm số 1 tại Mỹ với mạng lưới rộng 5.000 cửa hàng trên toàn quốc, phục vụ hơn 150 triệu người.

Sau khi xây dựng một nền tảng bán nhu yếu phẩm offline vững chắc, Walmart mới xây dựng nền tảng tích hợp offline to online cho nhu yếu phẩm và nhanh chóng chiếm vị trí số 1 về bán lẻ nhu yếu phẩm online.

Chỉ đến khi đó, Walmart mới bước sang giai đoạn 2 xây dựng mô hình “tất cả trong một” cho người tiêu dùng, bao gồm hoạt động hỗ trợ bán hàng, quảng cáo đa kênh, sản phẩm tài chính cho tới sự tham gia của các fintech cho người không sử dụng ngân hàng.

Tin bài liên quan