Mục sở thị những CTCK hàng đầu tại ASEAN

Mục sở thị những CTCK hàng đầu tại ASEAN

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán ASEAN được đánh giá là ngôi sao mới nổi của thị trường tài chính toàn cầu. Trong đó, mối liên kết giữa 7 sở GDCK trong khối ASEAN, gồm Sở GDCK TP. HCM (HOSE); Sở GDCK Maylaysia (BM); Sở GDCK Hà Nội (HNX); Sở GDCK Indonesia (IDX); Sở GDCK Philippines (PSE); Sở GDCK Singapore (SGX) và Sở GDCK Thái Lan (SET) mang tên gọi ASEAN Exchange ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay, 7 sở GDCK ASEAN có tổng vốn hóa thị trường xấp xỉ 2.400 tỷ USD với hơn 3.000 công ty niêm yết tại 6 quốc gia. Mối liên kết này giúp các công ty chứng khoán trong khu vực mở rộng cánh cửa giúp các khách hàng dễ dàng thâm nhập vào mỗi thị trường.

Đây là cơ hội lớn giúp các CTCK trong khu vực nhanh chóng phát triển nhưng đồng thời cũng phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các tập đoàn quốc tế lớn mạn. Dưới đây là danh sách các CTCK tại một số quốc gia ASEAN đã nắm bắt được cơ hội, khẳng định vị thế của mình ngay trên sân nhà.

Malaysia: Affin Hwang Investment Bank

Affin Hwang Investment Bank là minh chứng sống động cho sức mạnh của hoạt động M&A trên thị trường tài chính. Công ty được tạo thành bởi việc sáp nhập Affin Investment Bank và Hwang DBS Investment Bank.

Tháng 1/2014, Affin Holdings Bhd, khi đó là ngân hàng nhỏ nhất Malaysia về giá trị trị trường, đã tiến hành mua lại phần lớn bộ phận ngân hàng đầu tư của Hwang DBS Bhd với giá 1,36 tỷ ringgit (409 triệu USD) vào ngày 22/1/2014.

Phát biểu tại Kuala Lumpur, Maimoonah Hussain, Giám đốc quản lý của Affin Investment bank Bhd cho biết: “Chúng tôi đã tìm kiếm và thu về một bộ phận kinh doanh chứng khoán lớn, có tên tuổi trên thị trường. Nhờ đó, chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa lĩnh vực hoạt động tại thị trường chứng khoán”.

Ngân hàng đầu tư đồng thời là nhà môi giới chứng khoán nhỏ tại Malaysia này buộc phải tiến hành M&A nhằm tăng tính cạnh tranh với các đối thủ lớn trong nước. Trước đó, K&N Kenanga Holdings Bhd đã mua lại ngân hàng đầu tư và bộ phận chứng khoán của ECM Libra Financial Group Bhd vào năm 2012; cùng năm đó, RHB Capital Bhd đã mua lại lĩnh vực đầu tư của OSK Holdings Bhd.

Việc sáp nhập của Affin Hwang Investment Bank tuy diễn ra chậm hơn nhưng lại mang tới thành quả ngọt ngào. Công ty nhanh chóng vượt qua CIMB Investment Bank và RHB Investment Bank, những công ty vốn nắm giữ vị trí dẫn đầu trong nhiều năm tại Malaysia.

Trong năm 2014, Affin Hwang đứng đầu cả về khối lượng giao dịch lẫn giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Malaysia, chiếm tương ứng 16,83% và 12,10%. Công ty vẫn duy trì vị trí dẫn đầu hiện nay, khi chiếm 15,28% khối lượng giao dịch và 11,13% giá trị giao dịch trên thị trường trong tháng 10/2015.

Singapore: KGI Fraser Securities Pte Ltd (KGI Fraser)

Ngày 30/1/2015, KGI Securities Co Ltd của Đài Loan (CTCK thuộc China Development Financial Holding Corp CDFH) đã hoàn thành việc mua lại AmFraser Securities Pte Ltd (AmFraser Securities) với mức giá 38 triệu đô la Sing.

AmFraser Securities là một trong những công ty lâu đời nhất trong lĩnh vực chứng khoán, khi đã đi vào hoạt động từ năm 1873. Công ty trở thành cái tên dẫn đầu trong ngành công nghiệp tài chính trong suốt thế kỷ XIX khi Singapore còn là thuộc địa của Anh. Trong giai đoạn đó, tuy thị trường chứng khoán Singapore chưa chính thức hoàn thiện nhưng AmFraser là một trong những tổ chức đầu tiên bắt đầu kinh doanh tại lĩnh vực này. Hiện tại, sau 140 năm, vị trí của AmFraser là không thể đánh bại tại thị trường nội địa.

Chính bởi vậy, việc KGI Securities thôn tính AmFraser là một thông tin khá nóng vào đầu năm 2015. Sau khi thương vụ hoàn tất, AmFraser Securities được đổi tên thành KGI Fraser Securities Pte Ltd (KGI Fraser), một công ty con thuộc sở hữu của KGI Asia Holdings.

Thái Lan: Bualuang Securities

Bualuang Securities được thành lập năm 2001, là CTCK số 1 trong số các thành viên của Sở GDCK Thái Lan và là một trong những CTCK hàng đầu tại đất nước này. Bualuang Securities là công ty con của Ngân hàng Bangkok.

Mới đây, Bualang Securities đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2015 với sự tăng trưởng ấn tượng. Tính tới hết ngày 30/6/2015, tổng doanh thu của Bualuang đạt 2.101,9 triệu bath, so với 1.230,212 triệu bath cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 919,351 triệu bath, so với 509,053 triệu bath năm ngoái.

Lý do chính giúp lợi nhuận nửa đầu năm 2015 tăng mạnh so với năm ngoái là bởi mức phí môi giới trên thị trường chứng khoán của Bualuang Securities đã tăng từ 669 triệu bath lên 1.030 triệu bath, tăng 54%, khi khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, phí và doanh thu từ dịch vụ của Bualuang tăng lên 530 triệu bath so với năm ngoái, tương đương 602%, kết quả từ hoạt động nâng vốn đầu tư tại một số lĩnh vực.

Tới cuối năm 2014, ROE và ROA của Bualuang Securities ở 16,82% và 12,31%, biên lợi nhuận ở 32,85%.

Indonesia: Millennium Danatama Sekuritas

Thị trường chứng khoán Indonesia tăng trưởng mạnh mẽ với việc Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) trở thành sàn chứng khoán có màn biểu diễn tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2010 khi tăng trưởng 44% so với năm trước đó. Sự lớn mạnh của Indonesia tiếp tục kéo dài tới năm 2014, khi tăng trưởng hơn 20% so với năm 2013, là một trong những thị trường có thành tích tốt nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Indonesia mang tính bất ổn bởi cách thức mà các công ty chứng khoán điều hành công việc, các quỹ đầu tư nước ngoài chiếm vai trò quan trọng trong định hình xu hướng thị trường. Cho tới hiện tại, giao dịch tại IDX chủ yếu vẫn thuộc về các nhà đầu tư quốc tế, với số lượng tài khoản chiếm tới hơn 63%. Thực tế, 9 trên 10 công ty chứng khoán lớn nhất về giá trị giao dịch tại Indonesia thuộc về các công ty quốc tế.

Công ty nội địa duy nhất lot vào Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất Indonesia dựa trên giá trị giao dịch là Millenium Danatama Skuritas (MDS).

Millennium Danatama Sekuritas được thành lập năm 1997 tại Jakarta, có quá trình trưởng thành song hành với sự phát triển nhanh chóng của TTCK Indonesia. Millenium Danatama là công ty chứng khoán thuộc MDI Corporation, chuyên cung cấp các dịch vụ trên thị trường chứng khoán và hoạt động tại sàn ISE.

So với các tên tuổi lừng danh năm trong Top 10 kể trên như Morgan Stanley Asia Indonesia, CLSA Indonesia, Credit Suisse Securities Indonesia…, quy mô của MDS khá khiêm tốn, với đội ngũ nhân viên và chuyên gia bao gồm 120 người. 

Tin bài liên quan