Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

Mỹ sẽ đi xa đến đâu để lấp “lỗ hổng” trừng phạt Nga?

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ sẽ đi xa đến đâu để lấp lỗ hổng trừng phạt Nga khi năng lượng Nga là “gót chân Achilles” của các đồng minh châu Âu và chính những biện pháp trừng phạt này cũng đang tác động đến Washington?

Khi Nga đáp trả trừng phạt bằng cách áp lệnh hạn chế với các quan chức Mỹ vào tháng trước, chính phủ nước này đã nhắm vào Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu Nhà Trắng cùng với ông Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Mặc dù những biện pháp hạn chế trên chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng điều đó đã cho thấy Bộ Tài chính Mỹ đang đóng vai trò thiết kế và thực thi những biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề nhất mà Mỹ từng áp đặt lên một cường quốc kinh tế.

Những hạn chế này không khác gì một cuộc chiến kinh tế chống lại Nga, vốn đang bước vào giai đoạn quan trọng khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục leo thang và chính phủ Nga đang tìm kiếm những cách thức để tránh hoặc làm giảm nhẹ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong nỗ lực ngăn chặn Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Adeyemo - một cựu quan chức dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama tuần qua đã tăng cường kêu gọi châu Âu hợp tác để lên kế hoạch cho những biện pháp trừng phạt trong tương lai nhằm vào Moscow.

Tại cuộc gặp với những người đồng cấp, ông Adeyemo đã thảo luận về các kế hoạch được chính phủ các nước châu Âu vạch ra nhằm vào chuỗi cung ứng của các công ty quốc phòng Nga, đồng thời trao đổi về cách thức Mỹ có thể hỗ trợ năng lượng để châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga.

Ngày 6/4, 5 ngày sau khi ông Adeyemo trở về Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo các lệnh trừng phạt bổ sung nhắm vào các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước của Nga và người thân của Tổng thống Putin.

Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ những biện pháp trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế Nga có thực sự hiệu quả hay không.

"Lỗ hổng khổng lồ” trong lệnh trừng phạt Nga

Trong 6 tuần qua, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á đã áp lệnh trừng phạt lên các tổ chức tài chính, ngân hàng Trung ương và chuỗi cung ứng quân sự - công nghiệp của Nga.

Mỹ cũng đã cấm nhập khẩu dầu Nga trong khi châu Âu đang lên kế hoạch để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt và than đá Nga, dù quá trình này diễn ra chậm chạp.

Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ cấm Nga thực hiện thanh toán các khoản nợ chính phủ bằng đồng USD tại các ngân hàng Mỹ, điều có thể đẩy Nga đến nguy cơ bị vỡ nợ ngoại tệ lần đầu tiên trong 1 thế kỷ.

Dù vậy, cho tới nay, Nga vẫn đủ khả năng thanh toán các khoản nợ của mình. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ mà Tổng thống Putin thực hiện với ngân hàng Trung ương Nga, vốn hạn chế người Nga sử dụng đồng rúp mua USD hoặc các đồng tiền khác, cùng với việc tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang châu Âu và những nơi khác đã giúp ổn định đồng rúp và bổ sung ngày càng nhiều đồng USD và euro.

Điều này đã đặt câu hỏi về việc liệu những biện pháp trừng phạt trên của phương Tây có thực sự hiệu quả hay không.

Không giống như châu Âu, Mỹ - quốc gia không phụ thuộc vào năng lượng Nga cũng đang đau đầu tính toán tiến hành những biện pháp trừng phạt đi xa đến đâu.

Trong Bộ Tài chính, các quan chức đang tranh luận về việc làm thế nào để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mà không gây ra những hậu quả không mong muốn đe dọa đến hệ thống tài chính và làm tăng lạm phát, điều vốn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga sẽ gây ra sự sụp đổ của các tổ chức quốc tế.

Tại Mỹ, tác động của các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế nước này đang là vấn đề được ưu tiên thảo luận hàng đầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cũng thể hiện mối lo ngại về việc những biện pháp trên sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Lệnh trừng phạt Nga đang đẩy giá xăng ở Mỹ tăng cao và các quan chức bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng chúng có thể làm tăng giá thực phẩm và ô tô khi xuất khẩu lúa mì và khoáng sản Nga bị gián đoạn.

"Mục tiêu của chúng tôi ngay từ đầu là áp đặt hình phạt tối đa lên Nga trong khi cố gắng hết sức để Mỹ và các đối tác tránh được những tổn thất về kinh tế không mong muốn", bà Yellen cho hay.

Tại phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ tuần này, đảng Cộng hòa đã chỉ trích những "lỗ hổng khổng lồ" trong các lệnh trừng phạt cho phép Nga kiếm hàng trăm triệu USD mỗi ngày thông qua việc bán dầu mỏ và khí đốt.

Mỹ sẽ tiến xa đến đâu?

Các nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế trong một nghiên cứu công bố tuần này nhận định, thị trường trong nước của Nga dường như đang dần ổn định trở lại nhờ chính sách tiền tệ nghiêm ngặt, các biện pháp kiểm soát vốn và thặng dư cán cân vãng lai.

"Các biện pháp trừng phạt sẽ cần điều chỉnh qua thời gian để duy trì hiệu quả", các chuyên gia trên cho hay.

Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đi quá xa trong các lệnh trừng phạt chống Nga. Nhiều biện pháp trong số những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mà chính quyền Tổng thống Biden từng áp lên Iran nhằm ngăn chặn nước này hưởng lợi từ xuất khẩu năng lượng vẫn chưa được áp dụng với Nga. Một số ngân hàng lớn của Nga vẫn chưa bị hạn chế hoặc loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ cũng đang thận trọng trong việc gây sức ép với châu Âu để các nước này dừng mua năng lượng Nga.

Tuy nhiên, Juan C. Zarate, cựu cố vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt cần thời gian để phát huy hết toàn bộ hiệu quả của nó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nhận định, bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhắm vào ngành năng lượng Nga đều cần hợp tác chặt chẽ với châu Âu, vốn phụ thuộc lớn vào Nga về dầu mỏ và khí đốt. Việc tiến hành bước đi này có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

"Chúng ta có thể chứng kiến giá khí đốt tăng theo chiều thẳng đứng nếu chúng tôi thực hiện lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ", bà Yellen đánh giá.

Tin bài liên quan