Bảo hiểm sức khoẻ cá nhân được dự báo tiếp tục bùng nổ trong năm 2023

Bảo hiểm sức khoẻ cá nhân được dự báo tiếp tục bùng nổ trong năm 2023

Năm 2023, bảo hiểm sức khoẻ vẫn là “điểm nổ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là dự báo của ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM, là đại lý tổ chức phân phối cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ lẫn nhân thọ.

Ông dự báo gì về thị trường bảo hiểm năm 2023?

Năm 2023, thị trường bảo hiểm sẽ có sự biến động lớn về bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khoẻ. Bởi lẽ, 2021 là một năm đặc biệt, các thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, nhiều người dân không thể đi khám bệnh, dẫn đến tỷ lệ bồi thường của 2 nghiệp vụ lớn nhất thị trường giảm mạnh. Nhiều công ty bảo hiểm dựa vào dữ liệu năm 2021 để giảm mạnh phí bảo hiểm xe và sức khỏe tổ chức cho năm 2022. Nhưng trong năm 2022, điều này sẽ không thể tiếp diễn khi không còn phải giãn cách. Do đó, tỷ lệ bồi thường 2 nghiệp vụ này chắc chắn sẽ tăng cao. Các công ty bảo hiểm sẽ không thể gồng lỗ và tăng phí 2 nghiệp vụ chủ đạo này.

Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng dự kiến mảng bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe con người năm 2022 sẽ có tỷ lệ bồi thường cao, nên việc cân nhắc tăng/giảm phí trong 2023 sẽ là bài toán khá đau đầu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh 2 mảng nghiệp vụ này.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022.

Theo ông, đâu là điểm sáng và thách thức trong hoạt động bán bảo hiểm ở cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ năm 2023?

Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM

Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM

Năm 2023 sẽ là năm các kênh phân phối phát triển mạnh. Các công ty bảo hiểm sẽ chú trọng hơn trong việc hợp tác với kênh phân phối mới như đại lý tổ chức, tổng đại lý, các công ty công nghệ…, bên cạnh các kênh truyền thống như bancassurance, đại lý cá nhân...

Tuy nhiên, thách thức đặt ra khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có nhiều sự thay đổi. Điều này có thể tác động rất lớn đến các kênh phân phối sản phẩm.

Nghiệp vụ nào có cơ hội phát triển nhất trong năm 2023?

Theo suy nghĩ thông thường, mảng bảo hiểm du lịch sẽ có sự tăng trưởng mạnh khi các nước trên thế giới gần như không còn giới hạn về du lịch. Lượng người đi du lịch sẽ tăng đột biến so với các năm 2021 và 2022, kéo theo mảng bảo hiểm du lịch tăng trưởng cao. Tuy nhiên, đây là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu không quá cao trong cơ cấu doanh thu của công ty bảo hiểm.

Do đó, tôi cho rằng, “điểm nổ” trong năm 2023 sẽ vẫn thuộc về bảo hiểm sức khoẻ cá nhân. Đây là một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu phí cao nhất, thậm chí tổng doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe đã vượt qua nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong 2 năm gần nhất. Trong các năm trước đó, đã có những công ty nếm phải “trái đắng” khi triển khai mảng bảo hiểm sức khoẻ cá nhân do mở rộng điều khoản quá nhiều. Điều này sẽ khiến nhiều công ty thận trọng hơn khi triển khai hoặc dừng triển khai. Song, đây lại là cơ hội cho những công ty quản trị tốt rủi ro nghiệp vụ này, vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Hiện tại, tuy dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng việc các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải là yếu tố khiến người dân quan tâm hơn đến bảo hiểm sức khoẻ.

Thực tế, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và thị phần mảng bảo hiểm sức khỏe cũng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua, bên cạnh việc các công ty bảo hiểm có thời gian “thử lửa” nhiều hơn với nghiệp vụ này thời gian qua.

Việc triển khai ứng dụng VSSID - Bảo hiểm xã hội số đã phần nào giúp lành mạnh thị trường bảo hiểm sức khoẻ khi các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng kiểm tra việc khai báo của người tham gia bảo hiểm. Điều này càng chứng tỏ việc có một cơ sở dữ liệu chung là điều cực kỳ cần thiết để đánh giá rủi ro chính xác, tránh việc khai báo không trung thực, tạo công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm.

Ý tưởng xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm xe cơ giới xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa được hiện thực hóa, cho dù việc thu thập, lưu trữ, tra cứu dữ liệu không quá khó khăn (như phía ngân hàng đã áp dụng và triển khai nhiều năm nay). Đã đến lúc thị trường bảo hiểm cần có cơ sở dữ liệu về xe cơ giới, sức khoẻ... để phát triển một cách lành mạnh hơn.

Hiện tại, đâu là điểm hạn chế chính trong hoạt động bán bảo hiểm cần ưu tiên giải quyết?

Việc giao kết hợp đồng truyền thống (bằng giấy) đã không còn phù hợp trong thời đại số. Rất nhiều ngành nghề kinh doanh đã cho phép số hóa các hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm chưa theo kịp thời đại khi vướng mắc từ cả hành lang pháp lý lẫn nhận thức của người dân.

Theo Điều 18 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm phải lập thành văn bản, nhưng là dạng văn bản giấy thông thường hay chấp nhận cả văn bản điện tử thì hiện chưa có hướng dẫn. Nếu tháo gỡ được nút thắt này, việc kinh doanh bảo hiểm qua hệ thống mạng internet mới thực sự được cởi trói và bùng nổ.

Ông vừa đề cập tới việc bán bảo hiểm trực tuyến, theo ông, đâu là khó khăn và thuận lợi của kênh này?

Việc bán hàng trực tuyến đã len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, nên việc bán bảo hiểm trực tuyến không còn quá xa lạ với các kênh bán như qua website của công ty bảo hiểm gốc, đại lý, qua các fanpage, các sàn thương mại điện tử…, hay đơn giản hơn qua chính những “status” của các đại lý, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Mỗi kênh đều có những ưu - nhược điểm riêng và theo ý kiến cá nhân của tôi, kênh bán hàng trực tiếp qua hệ thống website đang chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là từ các fanpage, sàn thương mại điện tử. Kênh bán hàng trực tiếp qua website chiếm tỷ trọng lớn cũng là điều dễ hiểu vì qua kênh này, khách hàng tìm được những website uy tín và điều quan trọng là “đánh trúng” nhu cầu của khách hàng.

Thương mại điện tử đã và đang bùng nổ ở mọi ngành nghề, lĩnh vực và bảo hiểm cũng không là ngoại lệ. Do đó, kênh bán dự báo có sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới là kênh mạng xã hội khi số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện lên tới hàng chục triệu. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển kênh này là một thách thức không nhỏ, cần tầm nhìn dài hạn, bởi bán hàng trên nền tảng trực tuyến không thể “sáng gieo hạt, chiều hái quả”.

Hiện nay, trên thị trường rất đa dạng website, fanpage, tài khoản mạng xã hội từ cá nhân đến doanh nghiệp, nên việc đầu tiên là khách hàng cần lựa chọn những kênh/website có thương hiệu uy tín, lâu đời và chuyên nghiệp. Một số điểm nhận diện của những kênh uy tín này là thống nhất nhận diện thương hiệu từ website đến các trang mạng xã hội, có các chứng chỉ an toàn an ninh mạng và có “tuổi đời” tương đối dài.

Để bảo vệ mình, khách hàng cần tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm qua các kênh thông tin chính thống của các đại lý, nhãn hàng và chỉ chuyển tiền phí bảo hiểm vào những tài khoản do đại lý, công ty bảo hiểm mở tại ngân hàng và mang tên thương hiệu của đại lý, công ty bảo hiểm đó, tránh chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân.

Tin bài liên quan