Việc cho phép ứng dụng cộng nghệ số vào các hoạt động kinh doanh bảo hiểm hứa hẹn giúp kênh bảo hiểm số tăng trưởng tích cực hơn

Việc cho phép ứng dụng cộng nghệ số vào các hoạt động kinh doanh bảo hiểm hứa hẹn giúp kênh bảo hiểm số tăng trưởng tích cực hơn

Lạc quan thị trường bảo hiểm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm được dự báo tăng khoảng 15% so với năm 2022.

Dự báo lạc quan

Số liệu lạc quan này được Bộ Tài chính đưa ra trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 vừa diễn ra. Theo đó, năm 2023, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm. Công tác quản lý, giám sát cũng sẽ tiếp tục thực hiện theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.

Mục tiêu doanh thu, tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, dự phòng nghiệp vụ, nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 15%/năm cũng có trong Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 mà Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây. Năm 2023 là năm kỷ niệm 30 năm Ngày Thị trường bảo hiểm Việt Nam, thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò là “tấm lá chắn” vững chắc trước các rủi ro, giúp bên được bảo hiểm nhanh chóng ổn định sản xuất - kinh doanh và cuộc sống, là kênh huy động vốn dài hạn, hữu hiệu của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động…

Còn tại lễ kỷ niệm ngày thị trường bảo hiểm Việt Nam cuối tuần qua, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2022, vượt lên những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế sau dịch, các doanh nghiệp bảo hiểm đã linh hoạt và chủ động thích ứng các giải pháp để phát triển ổn định, giúp thị trường duy trì được mức tăng trưởng khá.

“Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được ban hành có nhiều thay đổi phù hợp hơn với xu thế phát triển của thị trường và tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Hiện tại, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để có thể bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây sẽ là nền tảng pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển hơn nữa của các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian tới”, ông Trung nói.

Trao đổi bên lề lễ kỷ niệm, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm tin tưởng vào năm 2023 với nhiều cơ hội khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chính thức có hiệu lực. Chẳng hạn, việc thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản trị rủi ro theo đặc thù của từng doanh nghiệp (không cào bằng như trước đây), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quản trị lành mạnh phát triển hơn, kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện kém tích cực trong quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường cũng trở nên minh bạch hơn nhờ các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và tăng khả năng tiếp cận bảo hiểm cho người dân. Việc đầu tư lớn hơn cho hệ thống công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc cho phép ứng dụng cộng nghệ số vào các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ sản phẩm, kênh phân phối, bán bảo hiểm, thu phí, đến chăm sóc khách hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm… hứa hẹn giúp kênh bảo hiểm số tăng trưởng tích cực. Kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ hành lang pháp lý được hoàn thiện.

Đại diện Bảo hiểm PVI chia sẻ, Công ty tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2022 (dự kiến đạt 10.622 tỷ đồng) đề ra khi đã hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu 9 tháng đầu năm. Năm 2021, Bảo hiểm PVI đã vượt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng và là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt lợi nhuận cao nhất thị trường (790 tỷ đồng).

Còn ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh cho hay, năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 6% và lợi nhuận trước thuế là 10%, tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt khâu bồi thường, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Những tồn tại cần chung tay giải quyết

Bên cạnh những thành tựu, theo ông Ngô Việt Trung, thị trường bảo hiểm còn tồn tại những vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm, cơ sở dữ liệu thị trường, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và sự minh bạch. Bởi vậy, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải rà soát lại để đáp ứng các quy định mới, góp phần giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững, phát huy vai trò “bà đỡ” nền kinh tế.

Một mặt bày tỏ sự lạc quan, nhưng mặt khác, giới quan sát cũng băn khoăn về việc chi trả bảo hiểm tăng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2022, tuy doanh thu tăng trưởng (tăng thấp hơn dự báo), các chỉ tiêu tài chính cơ bản như tổng tài sản, đầu tư trở lại nền kinh tế… đều tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp nhiều áp lực hơn khi chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng khá mạnh trong bối cảnh rủi ro của khách hàng gia tăng. Tất nhiên, điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, góp phần tích cực vào việc phục hồi nền kinh tế sau dịch.

“Với thành quả đạt được cũng như tiềm năng phát triển, những tồn tại trên thực tế sẽ vừa là thách thức cần nỗ lực hoàn thiện, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng về quy mô, cải thiện về chất lượng, hướng tới phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai. Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế cao, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ..., nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về lượng và chất”, ông Trung nói.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng, hệ sinh thái số không còn là khái niệm quá “lạ lẫm” với khách hàng bảo hiểm thời đại 4.0. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục tập trung để tiến đến hoàn thiện quy trình tự động hóa các nghiệp vụ bảo hiểm như quản lý khách hàng tiềm năng, nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến, giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến, cổng thông tin khách hàng trực tuyến, số hóa các kênh thanh toán…

“Nhiều doanh nghiệp nỗ lực cải tiến mạnh mẽ trong các văn bản và tài liệu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm để nội dung đơn giản và ngôn ngữ thân thiện hơn. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã nghiên cứu và rà soát lại toàn bộ các nội dung, chỉnh sửa, cải tiến và sắp xếp lại để phù hợp với thói quen và xu hướng đọc thông tin của số đông khách hàng, giúp khách hàng dễ nắm rõ quyền lợi của mình”, ông Việt nói, đồng thời chia sẻ thêm, trong năm 2022, IAV phối hợp với Tập đoàn FPT để cùng đưa ra các giải pháp công nghệ, cập nhật thêm các ứng dụng hiện đại, phù hợp… nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động thị trường bảo hiểm.

Tính đến ngày 12/12/2022, thị trường bảo hiểm có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Ước tính cả năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 68.201 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đạt 183.105 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021, trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, khối nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng

Tin bài liên quan