Cần đảm bảo dòng vốn được luân chuyển liên tục.

Cần đảm bảo dòng vốn được luân chuyển liên tục.

Nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các thành viên thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển hài hoà hơn giữa quy mô và chất lượng đối với thị trường trái phiếu, trong đó điểm quan trọng nhất là nâng cao tính minh bạch và tự chịu trách nhiệm của tất cả các thành viên tham gia thị trường. 

Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm tới nay, nhất là trong bối cảnh thị trường có xu hướng giảm tốc?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 có một số xu hướng thay đổi chính như sau: Bối cảnh thị trường, nền kinh tế quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp. Tác động của đại dịch toàn cầu kéo dài hơn 2 năm, cộng với xung đột Nga - Ukraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã làm đứt gãy, ngưng trệ nhiều hoạt động đầu tư, thương mại và làm cho nhiều nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam yếu đi đáng kể.

Nguyên nhân là nhu cầu thị trường suy giảm, thậm chí biến mất, trong khi chi phí duy trì hoạt động vẫn phát sinh, thậm chí tăng cao do giá nhiên liệu, lạm phát tăng, ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất…

Bên cạnh bối cảnh chung quốc tế nêu trên, ở thị trường Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã đánh tiếng ngay từ đầu năm về việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng lành mạnh hoá, nâng cao chất lượng thị trường thông qua các chính sách hướng đến nâng cao tiêu chí đối với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, chuẩn hoá quy trình - hồ sơ phát hành, cùng với bổ sung các nghĩa vụ làm tăng tính minh bạch thông tin của tổ chức phát hành và các thành phần tham gia thị trường, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã xử lý một số vụ vi phạm trong lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Với các diễn biến nêu trên, hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có xu hướng giảm dần về quy mô phát hành thành công, thanh khoản thứ cấp sụt giảm nhanh, lãi suất trái phiếu ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng mạnh, các loại hình nhà đầu tư có xu hướng thu hẹp nhanh và tăng nhu cầu bán trái phiếu doanh nghiệp trước hạn để thu hồi vốn vì e ngại rủi ro…

Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành vẫn tập trung chủ yếu vào các tổ chức tín dụng, công ty bất động sản và chủ yếu sử dụng phương thức phát hành riêng lẻ thay vì phát hành ra công chúng.

Hiện tại, thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu hoạt động theo hướng một chiều, chủ yếu chỉ có các tổ chức trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán, kể cả các tổ chức phát hành mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư. Việc phát hành mới trên thị trường của các doanh nghiệp hầu như không thể triển khai được.

Nhiều doanh nghiệp đang mua lại trái phiếu trước hạn, theo ông, diễn biến này phản ánh điều gì?

Cần nhấn mạnh, việc mua lại trái phiếu là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Khi huy động vốn để triển khai các hoạt động kinh doanh, nếu như giữa phân tích, dự báo và diễn biến thị trường không khớp vì bất cứ lý do gì dẫn tới chi phí huy động vốn tăng, hoặc phát sinh lỗ, gây rủi ro cho doanh nghiệp, thì họ hoàn toàn có thể và cần chủ động điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Chẳng hạn, huy động vốn về nhưng hoạt động kinh doanh chậm, không triển khai ngay được do nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoặc xuất hiện cơ hội có thể thu xếp dòng tiền khác hiệu quả hơn, thì việc mua lại trái phiếu là rất bình thường. Đây cũng là điều thể hiện đẳng cấp và trình độ của người hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, trong từng thời giai đoạn, có thêm những lý do khiến hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp có diễn biến khác nhau. Trong giai đoạn vừa qua, việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên đột biến chủ yếu có thể do một số các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do nhu cầu bán lại trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn của nhà đầu tư tăng lên vì tâm lý e ngại rủi ro, khi nhận thấy các rủi ro pháp lý liên quan đến một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như rủi ro kinh doanh khó khăn sau đại dịch làm bộc lộ dấu hiệu suy yếu khả năng thanh toán của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thứ hai, trong bối cảnh khung pháp lý thị trường trái phiếu đang tiếp tục được hoàn thiện, cơ quan quản lý thực hiện các giải pháp lành mạnh hoá thị trường, tâm lý thị trường có nhiều diễn biến chưa tích cực, giá giao dịch trên thị trường thứ cấp của trái phiếu doanh nghiệp giảm thấp, rủi ro pháp lý tăng, nên nhiều doanh nghiệp chọn phương án chủ động mua lại sớm trái phiếu đã phát hành khi còn khả năng xử lý dòng tiền nhằm tối ưu hoá chi phí vốn hoặc tránh trường hợp không kiểm soát được rủi ro pháp lý, làm ảnh hưởng tới khách hàng, cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Vậy theo ông, chúng ta cần có các giải pháp nào để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới đây?

Thanh khoản đến từ niềm tin, mà niềm tin lại đến từ sự minh bạch và từ sức khoẻ thực sự của nền kinh tế, của doanh nghiệp phát hành để đảm bảo khả năng chi trả gốc, lãi cho nhà đầu tư. Vì vậy, theo tôi, cần có một số nhóm giải pháp hướng đến cải thiện tính minh bạch và nâng cao uy tín, hiệu quả kinh doanh và khả năng chi trả của chủ thể phát hành.

Có thể trước mắt ưu tiên xem xét tăng cường truyền thông đa chiều, ở mọi cấp độ, mọi vị trí (cả từ Chính phủ, cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, nhà đầu tư…) để xã hội, nhà đầu tư hiểu bối cảnh chung của nền kinh tế và doanh nghiệp sau đại dịch, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Cung cấp các thông tin chính thống, rõ ràng để xã hội và nhà đầu tư không bị dẫn dắt bởi tin đồn.

Cần ưu tiên hạn mức tín dụng giải ngân cho các doanh nghiệp đã có hàng hoá đủ điều kiện bán và có khách hàng đặt cọc nhưng ngân hàng hết room cho vay nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Có thể xem xét sửa Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại xem xét mua trái phiếu gồm cả trái phiếu có mục đích tăng vốn và cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống mà ngân hàng đã hiểu rõ về rủi ro và đáp ứng các điều kiện về uy tín, tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thanh khoản trong giai đoạn này.

Ngoài ra, có thể xem xét lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã thực hiện, nhưng cần sự hợp tác tự nguyện của các doanh nghiệp phát hành đang có trái phiếu lưu hành trong việc chủ động minh bạch hoá thông tin.

Có thể xem xét sử dụng 2 công ty định hạng tín nhiệm đã được cấp phép kết hợp với Quỹ bình ổn thực hiện đánh giá các tổ chức phát hành tự nguyện để minh bạch hoá thông tin và có phương án bơm thanh khoản mua lại trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về tín nhiệm và tài sản đảm bảo để hỗ trợ thanh khoản.

Trước khi nói đến niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, thì các tổ chức nhà đầu tư chuyên nghiệp phải hợp tác, chia sẻ, tin tưởng và giao dịch với nhau trước. Vì vậy, rất cần tìm cách thúc đẩy hoạt động của thị trường liên ngân hàng, tạo cơ chế và chính sách giúp các tổ chức trung gian tài chính tin tưởng hợp tác cho nhau vay để hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau, từ đó hỗ trợ thanh khoản của khách hàng doanh nghiệp tốt hơn.

Chức năng của thị trường tài chính là dẫn vốn từ người có nguồn vốn nhàn rỗi sang người có nhu cầu sử dụng vốn, làm sao cho dòng vốn trong nền kinh tế luân chuyển liên tục, nhưng phải luân chuyển một cách tối ưu, có chất lượng, hiệu quả.

Vậy nên, các giải pháp hay chính sách kiến tạo, quản lý hoạt động của các kênh dẫn vốn nói chung trong nền kinh tế và các kênh dẫn vốn như ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu nói riêng, đều cần hướng tới việc tạo ra một môi trường hoạt động minh bạch và phải có cạnh tranh, chọn lọc một cách thông minh, nhằm dẫn vốn tới đúng những người có nhu cầu sử dụng vốn thực sự và có năng lực, uy tín sử dụng vốn hiệu quả nhất, tối ưu nhất, giúp nền kinh tế, giúp xã hội phát triển.

Những doanh nghiệp hoạt động càng minh bạch, uy tín và hiệu quả sẽ càng thuận lợi trong việc huy động vốn, phát hành trái phiếu và ngược lại.

Tuy nhiên, nếu ví nền kinh tế như một cơ thể sống thì thị trường tài chính nói chung, thị trường tín dụng ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu nói riêng có thể được coi là trái tim, lá phổi với chức năng đảm bảo máu không ngừng lưu thông và hơi thở luôn được duy trì.

Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần duy trì hoạt động liên tục của thị trường tài chính như duy trì nhịp đập của trái tim và nhịp thở của cơ thể. Nếu để tim ngừng đập và phổi ngừng thở là nền kinh tế không còn sự sống.

Tin bài liên quan