Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam

Nên có nhiều hơn một hiệp hội trong ngành bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam, trực thuộc GAMA International Hoa Kỳ - tổ chức quy tụ các nhà lãnh đạo quản lý và chuyên gia đầu ngành bảo hiểm Hoa Kỳ và thế giới, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Lâu nay, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là đơn vị quản lý các đại lý bảo hiểm. Điều này có gì khác biệt so với các hiệp hội bảo hiểm trên thế giới?

Ở các thị trường bảo hiểm phát triển không có khái niệm “quản lý đại lý bảo hiểm” thông qua hiệp hội. Đại lý bảo hiểm được quản lý bởi công ty bảo hiểm hoặc đại lý tổ chức nếu là cá nhân, được tự quản lý nếu là đại lý/môi giới bảo hiểm độc lập. Hiệp hội là tổ chức tự nguyện do các bên (cùng ngành nghề, tổ chức...) có chung sứ mạng, mục đích tự lập ra để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công việc, chứ không phải để “quản lý” ai cả.

Ví dụ, ở Mỹ, ngành bảo hiểm có các hiệp hội MDRT, GAMA Global, AALU... dành cho tất cả những ai thỏa tiêu chí, điều kiện gia nhập. Họ tập trung vào việc vinh danh, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm xây dựng các đại lý, đề cao tính chuyên nghiệp, chuẩn mực đạo đức cho các thành viên. Bên cạnh đó, còn có các hiệp hội dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm như AIA (Hiệp hội Bảo hiểm Mỹ), ACLI (Hội đồng Bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ)..., là nơi tạo ra các diễn đàn để các nhà bảo hiểm cùng nhau thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, vận động hành lang cho các vấn đề liên quan đến luật bảo hiểm... Ở nhiều thị trường bảo hiểm phát triển khác cũng có các mô hình hiệp hội tương tự.

Nghĩa là ở các nước phát triển không chỉ có một mà nhiều hiệp hội để các nhà bảo hiểm cùng tham gia?

Đúng vậy. Ở các nước phát triển, hiệp hội ngành nghề khá nhiều, họ tôn trọng quyền tự do lập hội và gia nhập hội, quan trọng là hiệp hội ấy có thu hút được nhiều người tham gia và đem lại quyền lợi cho các thành viên hay không mà thôi. Hầu hết ngành nghề đều có hiệp hội và không hề có khái niệm “quản lý thành viên”, tất cả dựa trên yếu tố tự nguyện: gia nhập, sinh hoạt, cống hiến. Tại các nước này, việc quản lý đại lý sẽ do cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm (Insurance Regulator) thực hiện, các hiệp hội không có quyền này.

Vậy cơ quan nào kiểm soát “danh sách đen” đại lý bảo hiểm vi phạm?

Tại Mỹ, ngành bảo hiểm không có bất cứ hệ thống nào tương tự “danh sách đen” như của Việt Nam. Tất cả dựa trên pháp luật và dùng hệ thống pháp luật xử lý. Khách hàng có thể kiểm tra xem đại lý bảo hiểm có chứng chỉ hay không thông qua cơ quan giám sát bảo hiểm của mỗi bang. Công ty bảo hiểm khi tuyển dụng đại lý mới có thể kiểm tra đại lý này có đang nợ tài chính với công ty bảo hiểm cũ hay không thông qua một nền tảng kiểm tra tín dụng gọi là VECTOR CREDIT do Công ty Vector Credit xây dựng (thành lập ngày 19/11/2019).

Chỉ duy nhất lĩnh vực chứng khoán là có dạng kiểm soát giống như “danh sách đen” thông qua FINRA, tổ chức độc lập - phi chính phủ, được Quốc hội Mỹ ủy quyền bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, giúp kiểm tra tư cách đạo đức nghề nghiệp người môi giới chứng khoán.

Tương tự, sau khi kiểm tra thông tin từ GAMA Hy Lạp, tôi được biết, tại các nước châu Âu cũng không có bất cứ hệ thống “blacklist” (danh sách đen) nào như tại Việt Nam. Người đại lý bảo hiểm sau khi được cấp chứng chỉ của cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ phải đăng ký làm việc với một doanh nghiệp bảo hiểm/đại lý tổ chức và chịu sự quản lý của tổ chức đó. Cơ quan nhà nước chỉ có một hệ thống cho phép người dân được tìm kiếm mã số đại lý để kiểm tra đại lý đó có hợp pháp theo quy định pháp luật hay không, còn các vi phạm khác đều xử lý theo luật hình sự, tước chứng chỉ hành nghề bởi tòa án.

Khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua, việc xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm sẽ do Bộ Tài chính (đại diện là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) thực hiện, thay cho IAV như hiện tại. Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi này?

Tôi nghĩ để Bộ Tài chính thực hiện công tác này sẽ khách quan hơn, vì dù sao IAV cũng là tổ chức do các doanh nghiệp bảo hiểm lập nên, dĩ nhiên sẽ nghiêng nhiều hơn về phía các doanh nghiệp bảo hiểm và điều đó không đảm bảo tính khách quan khi bảo vệ quyền lợi của đại lý bảo hiểm.

Theo ông, Việt Nam nên có nhiều hơn một hiệp hội để quản lý lực lượng đại lý bảo hiểm?

Tôi ủng hộ việc lập ra các hiệp hội nghề nghiệp để giúp xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực chuyên môn, chứ không phải lập ra để “quản lý”.

Theo tôi, đã là hiệp hội nghề nghiệp thì không có quyền “quản lý”, bởi đây là chức năng của cơ quan nhà nước. Vì thế, đã đến lúc nên thành lập Hiệp hội Các nhà đại lý bảo hiểm hoạt động độc lập bên cạnh IAV nhằm nâng cao công tác đào tạo đội ngũ đại lý bảo hiểm, hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong việc quản lý hiệu quả lực lượng này.

Tin bài liên quan