Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay

Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay

(ĐTCK) Với những diễn biến dữ dội của các thị trường tài chính hiện tại, có nhiều lý do để các thành viên thị trường nhớ tới cơn khủng hoảng gần nhất giai đoạn 2007 – 2008. Tuy cảm giác có thể giống nhau, nhưng về bản chất, cuộc khủng hoảng hiện tại và thời điểm 2007 – 2008 có nhiều khác biệt.

Nguyên nhân

Khủng hoảng tài chính 2007 - 2008: là “thảm hoạ” kinh tế lớn nhất kể từ Đại suy thoái 1929. Nguyên nhân xuất phát từ việc bong bóng giá nhà được hình thành từ năm 2006 vỡ tung, tạo nên những đống nợ xấu khổng lồ, đánh sập hoạt động của các nhà băng vốn đang ôm nhiều khoản vay được thế chấp bằng đất động sản.

Những vấn đề này đã tồn tại tại thị trường bất động sản và ngân hàng trong nhiều năm trước khi bùng nổ, tạo hiệu hứng domino lên hoạt động của toàn nền kinh tế.

Khủng hoảng 2020: Dịch Covid19 bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái trở thành cơn lốc xoáy lan rộng ra toàn cầu với sức công phá lớn. Hiện tại, châu Âu đang là ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc và khu vực này vẫn chưa thể hiện được khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Những tổn thất đầu tiên dễ nhận thấy nhất là ngành du lịch và dịch vụ, khi hàng triệu người tuân thủ các quy định cách ly, hạn chế đi lại, cũng như các quốc gia đóng cửa biên giới. Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất và cung ứng hàng hoá cũng bị định trệ, sẽ ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế.

Khác với giai đoạn 2007 - 2008 - cuộc khủng hoảng tài chính mang tính "truyền thống", những gì xảy ra đầu năm 2020 là sự kiện xuất phát từ yếu tố đại dịch toàn cầu, với những yếu tố không thể lường trước và kiểm soát.

Thị trường chứng khoán

Khủng hoảng 2007 – 2008: Ngày 9/10/2007, chỉ số Dow Jones đạt đỉnh trước khi bước vào thời kỳ suy thoái và đóng cửa ở mức 14.164,53 điểm. Tới ngày 5/3/2009, chỉ số này đã lao dốc hơn 50%, xuống còn 6.594,44 điểm. Mặc dù mức giảm này không phải lớn nhất trong lịch sử, nhưng cũng đủ sức “nhấn chìm” niềm tin của nhà đầu tư.

Trong đó, ngày 29/9/2008, Dow Jones giảm 777,68 điểm chỉ trong 1 ngày. Tính cho tới khi thị trường chứng khoán chao đảo năm 2020, đây là mức giảm giá mạnh nhất trong 1 ngày được ghi nhận.

Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay ảnh 1

Diễn biến chỉ số Dow Jones năm 2008

Khủng hoảng 2020: Thị trường chứng khoán đổ vỡ năm 2020 bắt đầu vào ngày 9/3/2020, với việc chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 2.013,76 điểm, tương đương 7,79%, mức mạnh nhất trong lịch sử. Diễn biến này được xem là sự kiện Black Monday 2020. Sau đó, thị trường có thêm 2 ngày giảm điểm đi vào lịch sử khác là 12/3 và 16/3, liên tiếp thiết lập kỷ lục mới.

Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay ảnh 2

10 phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones trong lịch sử

Kể từ đầu năm 2020 tới nay, Dow Jones đã giảm 34,85% (tính tới phiên giao dịch ngày 24/3).

Diễn biến chỉ số Dow Jones từ cuối năm 2019 tới nay

Sức khoẻ doanh nghiệp

Khủng hoảng 2007 – 2008: Các doanh nghiệp sở hữu khối nợ 5,8 nghìn tỷ USD tính tới ngày 31/3/2009, theo S&P Global Ratings. Chưa tới 2/3 số đó, tương đương 65% là các khoản nợ có khả năng thu hồi.

Một loạt doanh nghiệp, bao gồm các tổ chức tài chính, nhà sản xuất ô tô và nhà bán lẻ phá sản bởi doanh thu lao dốc.

Chẳng hạn, tại lĩnh vực ô tô, các nhà sản xuất đã cắt giảm khoảng 278.400 việc làm, tương đương 29% lực lượng lao động trong khoảng thời gian từ tháng 1/2008 – tháng 1/2010, theo thống kê của Cơ quan Thống kê lao động.

Khủng hoảng 2020: Khối nợ của các doanh nghiệp vào cuối năm 2019 ở mức 9,3 nghìn tỷ USD, theo S&P Global Ratings. Trong đó, khoảng 72% được đánh giá có khả năng thu hồi.

Theo Sudeep Kesh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tín dụng của S&P Global Rating: “Áp lực có thể gia tăng rất, rất nhanh chóng. Thêm vào đó, cần có sự đánh giá lại các khoản nợ khi bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với cuối năm ngoái”.

Hiện tại, nhóm các nhà sản xuất ô tô được đánh giá nhiều khả năng không đủ sức trả nợ, khi có 4 – 5 công ty vốn đã trong tình cảnh ngặt nghèo.

Một số lĩnh vực khác đối diện nhiều rủi ro là ngành bán lẻ, năng lượng. Giá dầu lao dốc được dự báo sẽ khiến ngành công nghiệp dầu mỏ bước vào khủng hoảng. Tính tới cuối năm 2019, có 31% công ty gas và khí đốt bị xếp hạng nợ ở mức khó có thể đi vay.

Chứng khoán Việt

Khủng hoảng tài chính 2007 - 2008: Từ tháng 2/2008 trở đi, thị trường chứng khoán bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động sử dụng đòn bẩy quá lớn trong thời kỳ tín dụng dễ dãi năm 2007.

Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm. Từ mức chỉ 300 điểm thời kỳ đầu năm 2006, thì chỉ hơn 1 năm sau, VN-Index đã gấp khoảng 3,9 lần. Nhưng sau đó là những tháng ngày giảm mạnh. Đến tháng 2/2009, VN-Index ở khoảng 240 điểm, tương đương giảm 79,5%.

Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay ảnh 4

Giai đoạn biến động dữ dội của VN-Index 2007 - 2008

Khủng hoảng 2020: Tính từ đầu năm 2020 tới nay, VN-Index đã giảm gần 300 điểm, tương đương 30% giá trị sau hơn 3 tháng. Trong đó, đà giảm chủ yếu đến trong 30 ngày gần nhất, giảm trên 28%. Lần gần đây nhất VN-Index giao dịch ở dưới vùng 700 điểm như hiện tại là vào tháng 12/2016.

Nét tương đồng không thú vị của khủng hoảng tài chính 2008 với ngày hôm nay ảnh 5

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 1 tháng qua

Tin bài liên quan