Các doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu thế “chuyển đổi xanh”

Các doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu thế “chuyển đổi xanh”

Net Zero: Hành động từ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới chuyển dịch xanh bằng những hành động cụ thể.

Chuyển dịch xanh

Cuối năm 2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 (Net Zero). Cam kết này trở thành dấu mốc lịch sử, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Nhìn vào thực tiễn và những mối đe dọa trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam càng thôi thúc hành động để hướng tới Net Zero.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Intech Energy chia sẻ, mẹ thiên nhiên đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tác động tiêu cực về môi trường do con người gây ra. Intech Energy chọn phát triển năng lượng xanh, với mục tiêu kép là bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), sau khi hoàn thành kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh, Công ty triển khai trồng cây để trung hòa các-bon với mục tiêu cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035. Doanh nghiệp này kỳ vọng có thể trồng được 2 - 3 triệu cây xanh trong 5 năm tới.

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG), doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng rất chú trọng đến phát triển bền vững. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời cho biết, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ tạo ra 120 triệu tấn khí thải các-bon, trong đó trồng lúa chiếm tới một nửa lượng khí thải này. Lộc Trời và bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa gạo lớn nhất cả nước, phải hành động để góp phần giảm khí phát thải nhà kính. Hiện Tập đoàn đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu ha, với 1 triệu hộ nông dân đang làm việc trong hệ thống quản lý nông nghiệp của Công ty.

Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của tập đoàn nông nghiệp này dựa trên 3 hoạt động chính, gồm cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Mục tiêu của Lộc Trời là tạo ra 10 triệu chứng chỉ các-bon ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lĩnh vực dệt may, ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức rõ tầm quan trọng của sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU…

Từ năm 2017, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (R&D), đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến để ứng dụng nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường vào sản xuất sợi vải như mật mía, bắp, tảo biển, chai nhựa, quần áo cũ, sản phẩm tái chế có nguồn gốc từ gỗ và bột giấy bền vững…

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, phát triển bền vững là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty luôn tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Chuyển dịch xanh mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu. Ngày 5/7/2023, Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất sửa đổi có mục tiêu Chỉ thị Khung về chất thải. Bản đề xuất sửa đổi đưa ra các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) bắt buộc đối với hàng dệt may ở tất cả các quốc gia thành viên EU. Các nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí quản lý chất thải dệt may, điều này cũng sẽ khuyến khích họ giảm chất thải và tăng tính tuần hoàn của các sản phẩm dệt may, thiết kế các sản phẩm tốt hơn ngay từ đầu. Số tiền mà các nhà sản xuất sẽ trả cho chương trình EPR sẽ được điều chỉnh dựa trên hiệu suất môi trường của hàng dệt may, một nguyên tắc được gọi là “điều chế sinh thái”.

Để đảm bảo việc xử lý hàng dệt may phù hợp với hệ thống phân cấp chất thải được quy định trong Chỉ thị 2008/98/EC, nhà sản xuất phải đảm bảo rằng tất cả hàng dệt may và giày dép được thu gom riêng biệt phải tuân theo các hoạt động phân loại để tái sử dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường nguyên liệu dệt may cũ và tái chế trong Liên minh toàn cầu.

Để xuất được hàng vào thị trường EU, các doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ các quy định này, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn được định hình bởi nguyên lý 3R (Reduce- giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng và Recycle- Tái chế) cần được áp dụng trong cả chu trình sản xuất, tiêu dùng, tái hồi nguồn tài nguyên.

Cơ hội từ “xanh hóa”

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco cho biết, chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đến nay, Công ty đã chủ động xây dựng nhà máy thông minh, nhà máy xanh, đạt các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường khi xuất khẩu.

“Nếu chúng tôi không thay đổi, không xanh hóa sản xuất, chúng tôi sẽ mất đơn hàng từ các khách hàng hiện tại và không thể tiếp cận được khách hàng mới”, ông Quân cho hay.

Việt Nam đang mong muốn là trung tâm sản xuất của khu vực, thúc đẩy xuất khẩu trong khi xuất khẩu phải tìm kiếm đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tại các thị trường này, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững. Ngay trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), cũng có nhiều nội dung tích hợp các vấn đề về môi trường trong quy định nhập khẩu hàng hóa.

Hiện các nhãn hàng trên thế giới đang chạy đua trở thành nhãn hàng xanh, họ cũng mong muốn các nhà cung ứng trở nên “xanh hóa”. Chủ tịch Thagaco cho rằng, việc “xanh hóa” chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023, nhưng nó sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường phát triển trên thế giới.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, “xanh hóa” là xu thế tất yếu trên toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển mình để thích ứng. Mới đây, ngành dệt may thế giới đã đưa ra yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi không được phép tiêu hủy mà phải tái chế.

Ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh và có thể bị quốc gia này lấy lại vị trí xuất khẩu dệt may số 2 trên thế giới trong năm 2023, trong đó có nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh. Đây là bài học cho dệt may nói riêng và nhiều ngành khác, bởi chưa bao giờ câu chuyện kinh tế xanh được nhắc nhiều như thế.

“Chuyển đổi xanh” không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành mệnh lệnh từ thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp hành động mạnh mẽ hơn để có cơ hội tốt cho tăng trường, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Tin bài liên quan