Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ bên lề sự kiện

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ bên lề sự kiện

Trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải carbon tại Việt Nam, doanh nghiệp nông nghiệp làm gì để tiến tới Net Zero?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam không chỉ giảm phát thải carbon mà còn có khả năng cung cấp 10 triệu chứng chỉ carbon mỗi năm cho thị trường.

Ngày 16/11, Báo Đầu tư - Vietnam Investment Review tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, năm 2030, Việt Nam dự báo tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải.

“Vai trò của Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long là phải hành động, vì chúng tôi biết rằng mình sẽ đóng góp rất nhiều vào phát thải khí nhà kính của Việt Nam”, ông Thuận cho biết.

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời phát biểu tại Hội nghị

Xét về quy mô, Lộc Trời hiện đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu hecta, với 1 triệu hộ nông dân đang làm việc trong hệ thống quản lý nông nghiệp của Công ty. Cùng với đó, Lộc Trời có 5 đơn vị kinh doanh bao gồm viện nghiên cứu nông nghiệp; các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giống để cung cấp đầu vào cho nông dân; các đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc mùa màng; một đơn vị làm giống và cung cấp khoảng 50% giống cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; công ty lương thực sản xuất khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm.

“Để có thể giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi dựa vào 3 hoạt động chính: Cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Mục tiêu của Lộc Trời là tạo ra 10 triệu chứng chỉ carbon ở Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Thuận chia sẻ.

Về sinh học, Lộc Trời đưa ra cam kết với Bộ Nông nghiệp sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ.

Về áp dụng kinh tế tuần hoàn, Công ty có thể tạo ra nguyên liệu tro trấu, là đầu vào cho hoạt động sản xuất các sản phẩm hạt nhựa sinh học, hoặc tro trấu trộn xi măng để làm thành nguyên liệu nhẹ cho các nhà cao tầng.

Về phát triển xanh, Công ty tập trung nhiều hoạt động giảm khí thải nhà kính, trong đó có giảm nitơ và metan, các loại khí thường phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp lớn vào việc tạo ra khí thải nhà kính.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực thi chính sách phát triển bền vững, ông Thuận cho biết, điểm mấu chốt là các chương trình của Lộc Trời phải đảm bảo người nông dân là đối tượng đầu tiên nhận được các lợi ích tài chính khi tham gia cùng Công ty.

“Điều này tạo động lực để bà con theo mình, đồng hành thay đổi thói quen trong canh tác, chỉ có thay đổi thói quen mới có thể giảm phát thải. Thứ hai là phải đầu tư để đưa các sản phẩm đầu vào tới tay người nông dân miễn phí. Bên cạnh đó, chúng tôi có các sáng kiến như nếu người nông dân đưa lại rác thải và bao bì thì sẽ tặng vàng, có cơ chế thưởng và thi đua để tạo động cơ giúp người dân giảm các hoạt động tác động tới môi trường”, ông Thuận cho biết.

Đây là lý do cho tới nay, Lộc Trời không chỉ là đơn vị có khả năng giảm khí thải carbon, mà còn đủ sức để cung ứng ra thị trường 10 triệu chứng chỉ carbon mỗi năm.

Tin bài liên quan