Nếu chỉ muốn bán được hàng, thì doanh nghiệp không cần chuyển đổi số

Nếu chỉ muốn bán được hàng, thì doanh nghiệp không cần chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Dù được coi là xu hướng tất yếu, nhưng bài toán chuyển đổi số không phải chỉ để bán hàng hay để cải thiện công tác quản lý.

Nhận được những câu hỏi tư vấn nên làm gì để chuyển đổi số từ một số doanh nhân trẻ, nhiều doanh nhân có kinh nghiệm thẳng thắn, nếu không tự hiểu rõ cần gì thì không nên làm.

Hội thảo Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư do Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh và Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam chiều 14/4 trở thành một phiên tư vấn đặc biệt, với một bên là các doanh nhân – diễn giả giàu kinh nghiệm thương trường và một bên là các doanh nhân trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chuyến đổi số không phải để bán được nhiều hàng hơn

Câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi số hay ứng dụng chuyển đổi số thế nào để có được cơ hội kinh doanh mới từ một số doanh nhân trẻ khiến các vị diễn giả cảm thấy cần phải cùng làm rõ bản chất của chuyển đổi số.

“Nếu các doanh nghiệp không thực sự hiểu rõ mình, rõ nhu cầu và hiểu rõ chuyển đổi số thì không nên làm. Vì chuyển đổi số không phải là một phong trào, không phải là một xu hướng và càng không phải là mốt thời thượng”, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện Trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ.

Cụ thể, ông Giang cho rằng, nếu các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các câu hỏi làm sao để bán được hàng, làm sao để chăm sóc khách hàng tốt hơn, làm sao để cải thiện công tác quản lý tốt hơn thì không cần chuyển đổi số.

“Các câu hỏi trên có thể giải quyết bằng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Giang thẳng thắn.

Còn tiến trình chuyển đổi số là để đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp bán hàng thế nào để có giá trị gia tăng tốt nhất, khai thác được các giá trị từ khách hàng tốt hơn hay để đạt được mục tiêu là tối ưu hóa được các nguồn lực.

“Vì chuyển đổi số là số hóa, chuyển mọi thứ từ không đo được sang đo được, từ không đếm được sang đếm được, từ không tính được sang tính được. Lâu nay nhiều doanh nghiệp than phiền khó tiếp cận tín dụng, nhưng nếu các doanh nghiệp này có hệ thống dữ liệu tốt thì mọi việc sẽ đơn giản, vì có thể đo đếm được năng lực của doanh nghiệp. Hay trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện tại, nếu đo đếm được nguồn lực hiện có của doanh nghiệp, sẽ có giải pháp sử dụng hiệu quả”, ông Giang chia sẻ kinh nghiệm.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần bắt đầu tiến trình chuyển đổi số bằng cách thiết lập hệ thống thông tin doanh nghiệp hiệu quả, thực hiện nối kết các trang thiết bị trong doanh nghiệp thành một hệ thống và cho phép việc kết nối trong – ngoài doanh nghiệp thuận lợi. Trên cơ sở đó, lộ trình thực hiện bắt đầu từ thiết lập cơ chế ra quyết định dựa trên hoặc tuân theo dữ liệu, tiếp sau là thiết lập chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp và hình thành hệ sinh thái. Sau đó là chuyển đổi hình thái tổ chức doanh nghiệp thành nền tảng...

Phiên bán hàng livestream diễn ra tại Triễn lãm Xúc tiến thương mại và đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam tối ngày 14/4

Phiên bán hàng livestream diễn ra tại Triễn lãm Xúc tiến thương mại và đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam tối ngày 14/4

Trong hình thái tổ chức nền tảng, không còn cần cửa hàng mặt tiền mới dễ bán hàng. Không gian, thời gian đã bị xóa nhòa, không còn giờ mở hay đóng cửa hàng nữa khi thực hiện bán hàng trên các nền tảng. Chi phí kinh doanh sẽ giảm rất nhiều, từ chi phí mặt bằng, chi phí quản lý kho hàng...

“Nhưng điều đầu tiên cần làm trong tiến trình chuyển đổi số là đào tạo năng lực cho toàn thể doanh nghiệp và người đầu tiên cần được đào tạo là lãnh đạo, vì đó là người có quyền quyết định”, ông Giang thẳng thắn khuyến nghị.

Người đầu tiên cần học về chuyển đổi số là lãnh đạo doanh nghiệp

Chia sẻ quan điếm này, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho biết, ông là người học đầu tiên và cũng là người tham gia thiết kế hệ thống phần mềm ứng dụng cùng các anh em chuyên môn.

“Vì tôi biết cần tính toán gì. Như khi việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến, việc tính toán lợi nhuận không còn như truyền thống, không phải cứ xuất hóa đơn là ghi doanh thu, vì các nghĩa vụ sau bán hàng rất lớn, tôi cần phải có công cụ để tính được lợi nhuận, nên đặt đầu bài cho công nghệ", ông Phú viện dẫn chính thực tiễn của Sunhouse.

Với quan điểm công nghệ là phương tiện, ông Phú khuyến nghị các doanh nghiệp tùy mô hình của doanh nghiệp, nhu cầu để quyết định ứng dụng đến đâu, như thế nào. Thực tế, đã có tình trạng doanh nghiệp bỏ đống tiền để đầu tư phần mềm quản lý nhưng lại làm rối loạn doanh nghiệp vì không hiểu rõ nhu cầu của mình.

"Với hệ thống quản lý doanh nghiệp ERP, tôi phải là người học đầu tiên, hiểu dữ liệu luân chuyển thế nào, để cùng anh em thực hiện”, ông Phú chia sẻ kinh nghiệm.

Thậm chí, ông Phú cho rằng, doanh nghiệp quy mô quá nhỏ, người chủ có thể tự tính toán được thì không cần chuyển đổi số mà chỉ cần máy tính, phần mềm hỗ trợ.

Ở góc độ quản trị, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings khuyến nghị, các doanh nghiệp tái cấu trúc thường xuyên hơn và cần có chiến lược đi cùng với các doanh nghiệp lớn hơn, mạnh hơn. Nhưng để làm được sự kết hợp, liên kết, doanh nghiệp phải đủ điều kiện để có thể đo đếm, đánh giá được...

Tin bài liên quan