Nga đang xuất khẩu dầu kỷ lục tới châu Á trước khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực

Nga đang xuất khẩu dầu kỷ lục tới châu Á trước khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nga đang nỗ lực xuất khẩu nhiều dầu thô hơn trước khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu có hiệu lực và quốc gia này hiện đang vận chuyển khối lượng dầu kỷ lục đến châu Á.

Theo Bloomberg, dòng dầu thô của Nga đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - cũng như các chuyến hàng dầu thô chưa được dán nhãn điểm đến cuối cùng - đã tăng lên 2,39 triệu thùng/ngày trong tháng tính đến ngày 11/11. Trong khi đó, vào tuần trước, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần khi chỉ xuất khẩu 2,9 triệu thùng/ngày.

Đó là dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng cường bán dầu thô cho các quốc gia châu Á trước khi lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ của Nga có hiệu lực hoàn toàn vào ngày 5/12 và EU dự kiến ​​sẽ hỗ trợ cho kế hoạch áp trần lên giá dầu của Nga.

Nếu thành công, các biện pháp này dự kiến ​​sẽ làm giảm đáng kể doanh thu xuất khẩu của Nga và một số tác động đã được nhìn thấy. Doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô vừa chạm mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.

Cụ thể, theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần là 700.000 thùng/ngày trong tháng tính đến ngày 11/11 và xuất khẩu dầu sang châu Âu giảm 11% so với giai đoạn một tháng trước đó.

Mặc dù Nga cho biết sẽ bán thêm dầu cho châu Á nếu các quốc gia phương Tây áp đặt giá trần, nhưng các cảng của Nga đang gặp vấn đề về bảo hiểm và vận chuyển với lệnh trừng phạt, và thời hạn lệnh cấm vận sắp tới khiến các nhà xuất khẩu chạy đua để giao dầu thô cho khách hàng ở châu Á.

Tại thời điểm này, bất kỳ con tàu nào chở dầu của Nga ở vùng Baltic sẽ không kịp đến Trung Quốc hoặc Ấn Độ trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, điều này có thể khiến các chuyến hàng chở dầu không được bảo hiểm giữa hành trình. Các cảng của Nga ở Thái Bình Dương cũng khó có thể thực hiện chuyến đi tới Ấn Độ do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, vì chuyến đi kéo dài vài tuần.

Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng lớn mua dầu thô của Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, và có thời điểm chiếm tới 50% doanh số bán dầu thô của Nga. Việc ngăn chặn các hoạt động bán hàng đó thông qua các biện pháp trừng phạt có thể khiến doanh thu dầu thô của Nga giảm mạnh và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nước này.

Mặt khác, châu Âu cũng có thể bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt, khi lục địa này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng và giá dầu tăng vọt khi nguồn cung của Nga bị cắt giảm từ thị trường giao ngay.

Giám đốc hàng hóa của Goldman Sachs, Jeff Currie cảnh báo rằng, châu Âu sẽ chứng kiến ​​một đợt tăng giá dầu khác trong mùa đông này, và giá dầu Brent có thể chạm mốc 115 USD/thùng.

Chiến lược gia Livia Gallarati của Energy Aspects cũng có quan điểm tương tự về giá dầu vì nguồn cung đang có xu hướng thắt chặt trong khi nhu cầu không có dấu hiệu chậm lại.

Tin bài liên quan