Nga muốn áp thuế 3,6 tỷ USD lên các doanh nghiệp lớn

Nga muốn áp thuế 3,6 tỷ USD lên các doanh nghiệp lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine gây sức ép lên ngân sách của điện Kremlin.

Chính phủ Nga vừa công bố kế hoạch đánh thuế một lần nhằm vào các doanh nghiệp lớn của nước này để thu về cho ngân sách quốc gia số tiền ước tính khoảng 300 tỷ Rúp, tương đương khoảng 3,6 tỷ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine gây sức ép lên ngân sách của điện Kremlin.

Tờ Financial Times cho biết, kế hoạch đánh thuế nói trên được đưa ra trong một dự luật công bố ngày 13/6. Theo đó, những doanh nghiệp Nga có lợi nhuận hàng năm hơn 1 tỷ Rúp trong thời gian từ năm 2021 đến nay sẽ phải đóng thuế một lần tương đương tối đa 10% số lợi nhuận đó.

Đây là một loạt trong các biện pháp được công bố gần đây nhằm cải thiện tình hình tài chính của Chính phủ Nga, giữa lúc thu ngân sách từ xuất khẩu dầu suy giảm dưới sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và chi ngân sách gia tăng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ Nga đã phải chứng kiến khoản thâm hụt ngân sách khoảng 3.410 tỷ Rúp.

Kế hoạch đánh thuế mới cho thấy Chính phủ Nga đang có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp lớn và đang củng cố quyền kiểm soát đối với nền kinh tế.

Vào năm 2018, các công ty kim loại, khai khoáng và hoá chất lớn nhất của Nga đã thoát khỏi một kế hoạch đánh thuế một lần tương tự, sau khi giá cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh. Nếu được triển khai, kế hoạch đó đã thu về cho ngân sách của Nga khoảng 7,5 tỷ USD.

Phó thủ tướng Nga Andrei Belousov, một nhân vật quan trọng phía sau hai sáng kiến đánh thuế nói trên, cho rằng chính các công ty lớn của Nga đã tự nguyện hy sinh lợi nhuận vì tinh thần yêu nước.

Ông Belousov nói với tờ báo Nga RBC rằng: Tôi xin kể với các bạn một bí mật lớn là ý tưởng thuế 300 tỷ Rúp này đến từ các doanh nghiệp chứ không phải từ phía nhà nước. Họ rất thông thái và hiểu biết. Họ hiểu rằng họ đã lãi quá mức trong năm 2021 và 2022.

Nhưng các kế hoạch nói trên đã gây tranh cãi trong các doanh nghiệp lớn của Nga, những người đã vận động hành lang trong nhiều tháng để giảm bớt biện pháp này. Một doanh nghiệp lớn có khả năng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch trên nói với tờ báo Financial Times rằng: "Tôi không hiểu nổi ý tưởng này. Nếu Chính phủ cần tiền, họ cứ việc tăng thuế hay sao".

Nga đã bắt đầu thảo luận về loại thuế mới nói trên mà các chuyên gia phân tích cho rằng có khả năng ảnh hưởng nặng nề nhất đến ngành kim loại và phân bón vào đầu năm nay sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu làm giảm doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Sberbank, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và lớn nhất của Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch đánh thuế mới. Hồi tháng 4 vừa qua, Giám đốc điều hành Herman Gref của Sberbank ước tính khoản đóng góp tiềm năng của ngân hàng này cho kế hoạch trên là 10 tỷ Rúp, chiếm hơn 3% tổng số tiền dự kiến thu được.

Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Nga đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nhiều tập đoàn công nghiệp và nông nghiệp của họ đã thoát khỏi các hạn chế nhờ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Timur Nigmatullin, một chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Nga Finam, bày tỏ hy vọng rằng, kế hoạch đánh thuế này của Chính phủ Nga sẽ thiếu sự rõ ràng đối với các nhà quan sát bên ngoài, nhằm giảm thiểu rủi ro mà ở đó các công ty có thể bị trừng phạt.

Trong một nỗ lực rõ ràng để tránh điều đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nước này sẽ dùng số tiền thuế thu được từ kế hoạch trên để hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em.

Nga rất muốn khai thác phần lợi nhuận mà nhiều nhà xuất khẩu hàng hóa của nước này đã kiếm được trước khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. Đó là những khoản lợi nhuận đã giúp ổn định nền kinh tế Nga nhưng chưa được phản ánh đầy đủ trong nền tài chính công của nước này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu dầu khí Nga, lực lượng chiếm khoảng 45% thu ngân sách của Nga, đã phải đối mặt với các loại thuế bổ sung để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách. Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của Nga cho biết, đã trả cổ tức một lần trị giá 21 tỷ USD vào năm ngoái trong bối cảnh lợi nhuận kỷ lục và dự kiến sẽ nộp thêm 1.800 tỷ Rúp tiền thuế mới trong vòng ba năm tới.

Tin bài liên quan