Ngân hàng cấp tập tăng vốn phòng thủ rủi ro, ứng phó các biến cố

0:00 / 0:00
0:00
Hệ số An toàn vốn (CAR) còn khá mỏng, trong khi rủi ro của kinh tế trong nước và thế giới đang tăng nhanh khiến các ngân hàng thương mại đang khẩn trương tăng vốn để tăng sức chống chịu, sẵn sàng đối phó với các biến cố.
BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ để tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ để tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

CAR quá mỏng, Big 4 sắp tăng vốn khủng

Nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ sụp đổ và hàng chục ngân hàng khác đứng trước nguy cơ đổ vỡ là hồi chuông cảnh báo với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tại Việt Nam, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng đã khỏe hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, song CAR còn thấp.

Theo ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối quản lý tài sản VNDirect, CAR của các ngân hàng khá mỏng so với khu vực. CAR của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước mỏng hơn ngân hàng TMCP tư nhân do thường phải chia một phần cổ tức tiền mặt, thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn như ngân hàng TMCP tư nhân.

Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (big 4), CAR mỏng nhất là Agribank. Dư nợ cho vay lớn và tăng khá mạnh hàng năm kéo theo tổng tài sản tăng, trong khi vốn điều lệ gần như “đứng im” nhiều năm, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng này sụt giảm mạnh. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, Agribank đang rất khát vốn, nếu chậm một nhịp nữa, Ngân hàng sẽ rất khó khăn trong đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

Trước nguy cơ “thủng” lưới an toàn vốn của Agribank, tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét chủ trương cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

CAR của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Đây cũng là là một trong những thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Không đến mức căng thẳng như Agribank, song CAR của Vietcombank, VietinBank và BIDV đang khá thấp và đang thấp thỏm chờ các cơ quan chức năng phê duyệt tăng vốn.

Chưa có số liệu cập nhật hệ số CAR của các ngân hàng TMCP tại thời điểm hiện nay. Theo số liệu mới nhất, tại thời điểm cuối năm 2022, CAR tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là 9,04% và của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 12,29%. Tại nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan…, CAR trung bình dao động 17-22%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho Vietcombank, BIDV, VietinBank. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong tháng 5/2023, Vietcombank sẽ chia cổ tức 18,1% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 55.891 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang chờ các cơ quan chức năng thông qua phương án tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã khởi động ở bước thuê tổ chức tư vấn.

Trong năm nay, BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Năm nay, VietinBank cũng lên kế hoạch tăng vốn lên 66.030 tỷ đồng.

Số liệu của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 2/2023, nhóm big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) chiếm hơn 50% thị phần tín dụng của cả nước. Tuy nhiên, vốn điều lệ của nhóm này chỉ bằng 38% vốn điều lệ của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.

Nếu các phương án tăng vốn sớm được phê duyệt, vốn điều lệ của nhóm big 4 sẽ tăng mạnh, cải thiện CAR cũng như tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn, hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng tư nhân chấp nhận giảm tốc, gia cố nệm tài chính

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, CAR của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Theo chuyên gia này, áp lực tăng vốn với các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng lớn trong bối cảnh rủi ro, bất ổn trên thế giới gia tăng và sức khỏe doanh nghiệp trong nước xấu đi.

Do vậy, việc bảo đảm CAR, cùng chuyện tăng vốn đang trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm nay.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho hay, năm ngoái, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng là 34%, song năm nay đa phần các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11-15%. Cùng với việc chấp nhận giảm tốc lợi nhuận, năm nay, hàng loạt ngân hàng TMCP vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ.

VPBank dự kiến tăng thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 79.339 tỷ đồng; TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng, MB đặt mục tiêu tăng vốn thêm 9.023,5 tỷ đồng lên mức 53.683 tỷ đồng…

Nếu các phương án tăng vốn được thực hiện thành công, năm nay, bộ đệm tài chính của các ngân hàng sẽ tiếp tục được nâng cao, giúp ngân hàng có thêm tiềm lực để chống đỡ với khó khăn.

“Khi rủi ro tăng cao, việc các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản hơn là chạy theo tăng trưởng là chiến lược hợp lý”, ông Thành nhận định.

Tin bài liên quan