VietinBank đã được NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn

VietinBank đã được NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn

Ngân hàng lo chuyện tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng vốn điều lệ là một trong những trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của các ngân hàng năm nay.

“Không tăng vốn không được”

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ như vậy khi nói về áp lực tăng vốn của ngân hàng mình trong năm 2024, do tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh trong năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng suy giảm xuống mức thấp nhất.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của hầu hết các ngân hàng chưa được công bố, do đó, con số nợ xấu cập nhật nhất của ngành dừng lại ở thời điểm cuối quý III/2023, với 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và là mức nợ xấu cao nhất từ năm 2015. Hầu như các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong quý III/2023. Trung bình, các ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước có mức tăng 0,4 điểm phần trăm so với đầu năm, con số này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 0,7 điểm phần trăm (loại trừ NVB ra khỏi thống kê).

Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận mức 93,8% (năm 2022 là 136,9%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối cao hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ đã giúp tỷ lệ nợ xấu và sự sụt giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm tốc. Nợ xấu toàn ngành tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% vào cuối quý II/2023, nhưng chỉ tăng 10 điểm cơ bản trong quý II/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm hơn 21% trong 6 tháng năm 2023 nhưng chỉ giảm 5,8% trong quý III/2023.

“Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản và đạt đỉnh trong quý IV/2023. Ngoài ra, việc sử dụng một lượng lớn trích lập dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2023 để xử lý nợ xấu cũng góp phần giúp nợ xấu các ngân hàng suy giảm”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) nêu quan điểm.

Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực (quý I/2023 tăng 16,1% so với cùng kỳ nhưng 9 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ) nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể.

Nguyên nhân, theo bà Hiền, đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan. Do đó, khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/6/2024 (đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc gia hạn), áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, do đó, sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, bà Hiền nói.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý I/2024 được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng dự báo tiếp tục tăng trong quý IV/2023 và quý I/2024, dù tốc độ tăng đang chậm dần lại. Đánh giá cả năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng đã tăng đáng kể so với năm 2022, hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng yếu tố này có thể giảm trong năm 2024.

Tính gần, tính xa

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố chấp thuận việc tăng vốn của NCB thêm tối đa 6.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Phương án này đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của NCB thông qua. Mục đích là nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của Ngân hàng.

Cụ thể, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. Theo kế hoạch, NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II/2024). Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, kể từ ngày hoàn thành chào bán.

Trước đó, vào ngày cuối cùng của năm 2023, LPBank công bố thông tin Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2486/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động LPBank. Theo đó, vốn điều lệ của LPBank được điều chỉnh từ hơn 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, Ngân hàng đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn, đề xuất này cũng áp dụng với giai đoạn 2024 - 2028 để Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Không đề cập trực tiếp vào việc tăng vốn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ: “Hết năm 2023, Agribank hoàn thành các chỉ tiêu như huy động vốn với gần 1,89 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó trên 60% dành cho “tam nông”, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức Ngân hàng Nhà nước giao, lợi nhuận nộp ngân sách thực hiện đúng cam kết, đảm bảo để Agribank được tăng vốn điều lệ 17.100 tỷ đồng theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5”.

Ngân hàng UOB Việt Nam công bố tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại

Singapore vào ngày cuối năm 2023. Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết: “Với mức vốn tăng thêm, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững, tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng. Điều này sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ và ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam”.

Thực tế cho thấy, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, nhưng tăng vốn vẫn chưa thể dễ dàng trong bối cảnh kinh tế dự báo đối mặt nhiều khó khăn.

“Tiền ở đâu tăng vốn, đặc biệt là “tiền tươi, tóc thật” vẫn là nỗi trăn trở thường trực của chúng tôi”, vị tổng giám đốc trên nói.

Tin bài liên quan