Luật sửa đổi,bổ sung Luật Các TCTD - luật hóa Nghị quyết 42 - vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025

Luật sửa đổi,bổ sung Luật Các TCTD - luật hóa Nghị quyết 42 - vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025

Chất lượng tài sản: Mối quan tâm hàng đầu của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mặc dù lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, song việc kiểm soát nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của các ngân hàng trong năm 2025.

Nợ xấu đi lên

Theo dữ liệu ngành của Wichart, trong quý đầu năm 2025, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ tăng thêm gần 17% so với cuối năm 2024, lên 265.549 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy, số dư nợ xấu của 24/27 nhà băng đã tăng so với cuối năm 2024. Trong đó, nếu xét về giá trị tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhiều nhất trong kỳ, tăng thêm 10.873 tỷ đồng (tương ứng tăng 37,45%) so với cuối năm 2024. Tiếp đến là VietinBank tăng thêm 6.498 tỷ đồng (tương ứng tăng 30,26%). Nhìn chung trên số liệu toàn ngành, có thể thấy nợ xấu gia tăng chủ yếu ở các khoản nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5. Trong khi đó, SeABank, VietABank và NCB là ba ngân hàng đi ngược chiều khi có số dư nợ xấu giảm trong ba tháng đầu của năm 2025.

Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nguyên nhân chính khiến nợ xấu gia tăng là những khó khăn kinh tế hiện tại, đồng thời Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối năm 2024, khiến các khoản nợ không còn được cơ cấu hay giãn nợ, buộc phải ghi nhận vào nội bảng ngân hàng, từ đó đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng. Dự báo về diễn biến nợ xấu, ông Huân cho rằng, tình hình sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố bên ngoài hơn là yếu tố nội địa. Tùy theo diễn biến địa chính trị và kết quả các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ, nợ xấu có thể biến động theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

“Nếu kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ tích cực, tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng giảm. Ngược lại, nếu bất lợi, tỷ lệ này sẽ khó giảm trong thời gian tới”, ông Huân nói và cho rằng, bên cạnh thuế quan, những lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu đi kèm với lạm phát cao (tình trạng đình lạm) ở nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có thể tác động ít nhiều đến xuất khẩu - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, kéo theo rủi ro gia tăng trong hệ thống tín dụng.

Trong báo cáo xu hướng kinh doanh quý II/2025, về chất lượng tài sản, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ nợ xấu giảm mạnh hơn trong quý II/2025. Tuy nhiên, mặt bằng rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định vẫn "tăng nhẹ" trong quý I và được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý II. Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại hơn nhiều so với năm 2024 và kỳ vọng xu hướng giảm dần rủi ro trong năm 2026.

Còn theo đánh giá của VIS Rating, tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành có thể giảm xuống 2,2% trong năm 2025, nhờ vào sự thận trọng trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh (Big 4) và một số nhà băng lớn cũng hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.

Theo FiinRatings, giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2024, tốc độ tăng trưởng cho vay trong ngành ngân hàng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng nợ xấu, bao gồm cả nợ nhóm 3 - 5 và nợ xấu chuyển giao cho VAMC. Điều này cho thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang chịu áp lực lớn. FiinRatings dự báo, năm 2025, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu và nợ có vấn đề, cũng như tỷ lệ nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn mức trung bình ngành, sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản.

Tăng cường kiểm soát

Trong quý đầu năm 2025, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ tăng thêm gần 17% so với cuối năm 2024, lên 265.549 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng.

(Nguồn Wichart)

Năm 2025, VietinBank đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và cố gắng nỗ lực kiểm soát ở mức 1,2 - 1,3%. Thực tế, VietinBank đã chủ động kiểm soát chất lượng tài sản với mức trích lập dự phòng rất lớn trong năm ngoái, tới 27.600 tỷ đồng, thể hiện sự chủ động và cũng là tiềm năng sinh lời trong tương lai. Thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Năm vừa qua, ngân hàng này thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank, về quản trị rủi ro tín dụng, Ngân hàng có “khẩu vị” tín dụng rất chặt chẽ. VietinBank phân tích từng ngành, xem xét kỹ lưỡng dựa vào rất nhiều thông tin để hoạch định danh mục cấp tín dụng phù hợp.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cũng cho rằng, chất lượng tài sản là vấn đề được Ngân hàng luôn quan tâm, nhất là trước áp lực chính sách thuế quan của Mỹ năm nay. Một khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ ngân hàng sẽ chậm lại, khiến chất lượng tín dụng giảm sút, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, BIDV sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khách hàng truyền thống gặp khó khăn.

Thời gian qua, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do Nghị quyết 42 của Quốc hội đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng chưa có hành lang pháp lý thay thế, khiến quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm và xử lý tranh chấp phát sinh gặp nhiều vướng mắc.

Ông Cao Việt Hùng, CFA, Giám đốc Phân tích ngành Tài chính ACBS nhận định, dù vẫn tăng nhẹ trong hai quý liên tiếp cuối năm 2024, song có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Theo ông Hùng, thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023 - 2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao.

Tương tự, Agribank cho biết, dù Ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu song nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Việc thực hiện mục tiêu đưa đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% của Agribank gặp rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank.

VIS Rating cho rằng, tác động lên chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ có thể kiểm soát được nhờ vào sự cải thiện dòng tiền của khách hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cao hơn có thể phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, chủ yếu liên quan đến các khách hàng lớn và các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng phải đối mặt với chi phí tín dụng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa các ngân hàng để giành thị phần tín dụng.

Một tin vui lớn với ngành ngân hàng nói chung và công tác xử lý nợ xấu nói riêng là ngày 27/6/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 42, cho phép ngân hàng được chủ động xử lý tài sản đảm bảo và một số quy định quan trọng khác có liên quan. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp quá trình xử lý nợ xấu được minh bạch, đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan