Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trở lại, áp lực tỷ giá tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền trở lại trong ngày 2/4, sau 3 tuần hút ròng qua kênh tín phiếu. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục tăng trong sáng 3/4. 
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trở lại, áp lực tỷ giá tăng

Cụ thể, ngày 2/4, NHNN đã bơm tiền trở lại khi cho một thành viên vay 5.952 tỷ đồng thông qua kênh thị OMO (nghiệp vụ thị trường mở), với lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần giao dịch đầu tiên trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá kể từ cuối tháng 2/2024.

Trước đó, trong 3 tuần liên tiếp kể từ giữa tháng 3, NHNN đã hút về hơn 170.000 tỷ đồng. Dự kiến, lô tín phiếu đầu tiên sẽ đáo hạn vào ngày 8/4, trả lại 15.000 tỷ đồng thanh khoản cho thị trường, nhưng điểm khác biệt là kỳ hạn của đợt bơm tiền ra ngắn hơn so với những lần hút tiền về trước đó của NHNN, lãi suất cũng cao hơn từ 1,5 - 2,6%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh từ 1-2% so với cách đây khoảng 1 tháng, trong đó lãi suất qua đêm trong phiên 1/4 đã tăng lên 3,45%/năm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2024. Ngoài ra, lãi suất các kỳ hạn dài hơn như một tuần và một tháng cũng nhích lên đáng kể so với mức thấp trong những tuần vừa qua. Cụ thể, lãi suất 1 tuần là 3,78%/năm, 2 tuần 3,52%/năm, 1 tháng 3,66%/năm, 3 tháng 3,97%/năm, 6 tháng 4,41%/năm.

Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng là do tín dụng có dấu hiệu hồi phục khi tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3/2024 với lũy kế từ đầu năm đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế tăng 0,25%. Cầu vốn trở lại một số ngân hàng cũng bắt đầu tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhằm tăng thanh khoản đón cầu tín dụng...

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối VIB cho rằng, hiện lãi suất tiết kiệm đang ở mức "đáy". NHNN đưa ra mục tiêu lạm phát dưới 4%. Trong quý I/2024, lạm phát ở mức 3,7%, tín dụng đối với nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng dương trở lại, trong khi huy động giảm 0,7%.

Hiện có khoảng 4 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ. Lãi suất huy động quanh 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay từ 5,6-7%/năm. Tín dụng đã quay trở lại, các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động để phù hợp với lợi ích cho người gửi tiết kiệm. NIM quanh mức 2,5-3%.

"Mọi người cũng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và do đó, tỷ giá VND/USD sẽ mất giá khoảng 3%. Nếu lãi suất Việt Nam càng giảm sâu, thì áp lực tỷ giá tăng, khả năng mặt bằng lãi suất sẽ giữ ở mức hiện tại khó giảm sâu", ông Trung nói.

Với động thái bơm tiền của NHNN trong phiên 2/4, tỷ giá tại nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt vượt mốc 25.000 đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất bán ra tại Vietcombank đã tăng lên 25.050 VND/USD được niêm yết trong chiều ngày 2/4 và duy trì trong sáng 3/4, còn chiều mua vào là 24.680 VND/USD (tiềm mặt) và 24.710 VND/USD (chuyển khoản). Tại ACB, tỷ giá niêm yết là 25.080VND/USD (bán ra) và 24.780 VND/USD (mua vào).

Tỷ giá USD tăng trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY) vượt mốc 105 điểm lên cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023. DXY tăng cao sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định, ngân hàng trung ương Mỹ không vội điều chỉnh lãi suất.

Trước đó, động thái phát hành tín phiếu của NHNN được cho là nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, qua đó hạn chế tình trạng đầu cơ USD, hỗ trợ tỷ giá.

Tin bài liên quan