Các doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động cần được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Các doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động cần được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Ngân hàng và doanh nghiệp: Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lại nổi lên các ý kiến về việc ngân hàng báo lãi cao trong khi doanh nghiệp vừa vượt khó Covid-19 lại phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng nhanh.

Lợi nhuận ngân hàng: Bức tranh sáng

Các tổ chức tín dụng ước tính, tín dụng quý I/2022 tăng 5,3% và cả năm tăng 14,1%. Thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 10/3/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 3,11%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng ghi nhận vào ngày 25/2/2022.

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận xét, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm 2022, dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá tích cực.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng cao đồng nghĩa mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng, bởi phần lớn lợi nhuận ngân hàng đến từ hoạt động cho vay. Thực tế, những thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhóm ngân hàng cho thấy các con số ấn tượng.

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 16/3/2022, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của Ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24 - 25% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương 21% kế hoạch cả năm.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư giữa tháng 3/2022, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, lợi nhuận quý I/2022 của Ngân hàng dự kiến đạt khoảng 5.500 tỷ đồng và 2 tháng gần đây đã bám sát mục tiêu này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc tài chính MSB chia sẻ, lợi nhuận trước thuế tháng 1/2022 đạt 577 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của SSI công bố cuối tuần qua cho biết, ước tính tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 sẽ có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu (CTG, BID, VCB, VPB, MBB, HDB, LPB, SHB, TPB, MSB…). Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân ước đạt 9 - 11%, phần lớn là do CTG (chưa tính kênh banca) và VCB có khả năng suy giảm lợi nhuận từ nền so sánh cao của quý I/2021. Không tính CTG và VCB thì các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 25 - 27%. Con số này cao hơn kỳ vọng trước đây của SSI do VPB đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp Ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý I/2022. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được kỳ vọng tại SHB, STB, MSB, VPB và LPB.

Thực tế, lãnh đạo các ngân hàng đều bày tỏ lạc quan rằng, kế hoạch kinh doanh đặt ra cho quý I/2022 và cả năm sẽ đạt được. Tuy nhiên, từ phía các doanh nghiệp, đối tượng khách vay chính tại các ngân hàng đang có những câu chuyện đáng quan ngại.

Bão giá đè nặng khách hàng doanh nghiệp

Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Việt Âu chia sẻ, theo tính toán của cá nhân, lạm phát hiện đã tăng đến 300%, bởi giá xăng, dầu tăng vọt và với ngành nghề của Công ty, nguyên vật liệu chủ yếu phải nhập khẩu thì một số loại hóa chất có mức tăng phổ biến là 300%. Giá cả đầu vào tăng nên giá đầu ra đương nhiên tăng. Riêng trong quý I/2022, Công ty điều chỉnh giá 2 - 3 lần, chi phí “đổ” lên người nông dân, trong khi nông sản của người dân khó tiêu thụ, nên doanh nghiệp tạm dừng sản xuất một số sản phẩm để tránh khó xử.

Các ngân hàng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro, mà được phép thực hiện dần trong 3 năm, nên giảm được chi phí, dẫn đến lợi nhuận vẫn cao.

“Mặc dù các ngân hàng chào mức lãi suất mà theo họ là chưa khi nào thấp đến thế, nhưng chúng tôi là những doanh nghiệp sản xuất, chứ không phải là doanh nghiệp đầu cơ hay doanh nghiệp bất động sản, nên không thể “tải” được lãi suất này trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Co kéo tiền trong nhà có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, chứ không có ý định hay dám có chiến lược dài hạn để bắt tay với ngân hàng”, ông Tịnh nói.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm đến rủi ro lạm phát, vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng, chứ không chỉ xoay quanh câu chuyện nhiên liệu.

Năm ngoái, sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, gần 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18%; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1% so với năm 2020. Bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể chống chọi trước đại dịch Covid-19.

Do vậy, nỗi lo của các doanh nghiệp không phải là không có căn cứ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng. Cụ thể, giá xăng dầu tháng 2/2022 tăng 5,8% so với tháng 1 và tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhận định, lạm phát có thể sẽ là một mối quan ngại mà Việt Nam phải đối mặt trong năm nay. Khía cạnh nguồn cung (giá cả hàng hóa tăng cao, bắt nguồn từ vấn đề dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị) sẽ là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong ngắn hạn. Áp lực lạm phát từ phía nguồn cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh. Một đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài cũng có thể dẫn đến rủi ro lạm phát xuất phát từ nguồn cung.

“Chúng tôi dự báo, lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% trong năm 2022 và 5,5% trong năm 2023. Các gói kích thích quá mạnh hoặc việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ có thể sẽ không xảy ra. Việt Nam đã công bố gói kích thích cho năm nay và năm sau nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quy mô của gói kích thích (khoảng 15,3 tỷ USD, tương đương 6% GDP) chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đưa ra ban đầu, có thể do các mối quan ngại liên quan đến lạm phát”, bà Michele Wee nói.

Lợi ích phân bổ bất cân xứng?

Một chuyên gia kinh tế phân tích, NHNN đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5 - 2%/năm) trong năm 2020 và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Phần giảm lãi suất đầu vào, người gửi tiết kiệm bị thiệt hại, trong khi lãi suất cho vay giảm không tương xứng, đó là một trong những lý do giúp lợi nhuận khối ngân hàng tăng lên nhiều.

“Lợi ích đang phân bổ bất cân xứng. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao, trong khi doanh nghiệp nào sắp “chết” cuối cùng vẫn “chết”. Do đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động cần được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. NHNN không nên giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất đầu vào, mà nên đi theo hướng “ép” các ngân hàng giảm lợi nhuận trên cơ sở giảm lãi suất đầu ra”, vị chuyên gia kinh tế nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ông vẫn giữ quan điểm, lợi nhuận các ngân hàng cao chủ yếu do thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Điều này giúp các ngân hàng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro, mà trải dài trong 3 năm, nên giảm được chi phí và con số lợi nhuận cao các ngân hàng công bố đó chính là lãi dự thu (lợi nhuận dự kiến). Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

“Tôi mới đọc bảng cân đối tài sản của 5 ngân hàng thương mại đã cho thấy, phần lớn lợi nhuận đến từ cho vay doanh nghiệp và các hoạt động tài chính. Trong khi đó, không chuyển nhóm nợ thì không phải trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng riêng lĩnh vực cho vay bán lẻ, các tổ chức tín dụng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cao theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nên lợi nhuận mang lại không đáng kể”, TS. Nghĩa chia sẻ.

Đáng chú ý, theo số liệu từ NHNN, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 1,9%, tăng 0,21 điểm phần trăm so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) là 7,31%, tăng mạnh so với mức 5,1% cuối năm 2020 và gần bằng con số cuối năm 2017 (7,4%).

Trong văn bản gửi trả lời cử tri tỉnh Bạc Liêu về chính sách giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, NHNN cho hay, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và giảm 0,82%/năm trong năm 2021.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan