Mobile payment ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng

Mobile payment ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng

Ngân hàng Việt đang bỏ ngỏ “miếng bánh” tỷ đô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở Việt Nam, mua trước trả sau là lĩnh vực mới phát triển và còn manh mún. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử phát triển ở các thị trường tài chính lớn, nếu không nhanh chân, các ngân hàng có thể bị mất “miếng bánh” tỷ đô.

Đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Hình thức cho vay qua kênh số (digital lending), trong đó bao gồm cả Buy now pay later - Mua trước trả sau (BNPL), bắt đầu phát triển tại Việt Nam trong một vài năm gần đây nhờ sự nở rộ của mua sắm trực tuyến, cũng như thanh toán điện tử.

Theo ước tính của Google, quy mô thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam hiện đạt khoảng 14 tỷ USD và sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đang trải nghiệm nhiều hình thức thanh toán số khác nhau như thanh toán qua thẻ, ví điện tử…, song thanh toán qua điện thoại (mobile payment) đang vươn lên trở thành một hình thức thanh toán chủ đạo, được người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng. Đây là hai tiền đề quan trọng cho sự phát triển của BNPL tại Việt Nam, mô hình cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và có thể thực hiện chủ yếu qua điện thoại.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Điểm hấp dẫn của mô hình này còn nằm ở chỗ cho phép các khách hàng chưa đủ tiêu chuẩn sử dụng thẻ tín dụng và vay ngân hàng như thế hệ gen Z chưa có thu nhập ổn định có thể tiếp cận được. Với tỷ lệ khách hàng sở hữu thẻ tín dụng tại Việt Nam hiện chỉ ở mức 5 - 6%, rõ ràng BNPL có thể tận dụng phát triển mạnh mẽ ở phân khúc còn bỏ trống của thẻ tín dụng.

Theo báo cáo của Reasearch & Markets, thị trường BNPL tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 45% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2028 và có thể đạt quy mô 4,7 tỷ USD vào năm 2028. Khảo sát năm 2022 của Mastercard cho thấy, 35% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi sẽ lựa chọn hình thức BNPL và 49% lựa chọn khi mua các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Ai đang dẫn dắt sân chơi BNPL tại Việt Nam?

Theo báo cáo của Research & Markets, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 45% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2028 và có thể đạt quy mô 4,7 tỷ USD vào năm 2028.

Mảnh đất BNPL tại Việt Nam còn khá phân mảnh với sự tham gia của nhiều công ty quy mô nhỏ và được phân loại thành 3 nhóm chính, nhưng chưa có nhóm nào dẫn dắt cuộc chơi.

Nhóm thứ nhất là các công ty cho vay tiêu dùng như LotteFinance, Home Credit, FE Credit… Nhóm này chủ yếu liên kết với các đơn vị ví điện tử để gia nhập sân chơi. Chẳng hạn, FE Credit liên kết với Viettel Pay để cấp hạn mức chi tiêu cho khách hàng. Sau khi được phê duyệt, khách hàng chỉ mất chưa đến 2 phút để ký hợp đồng điện tử và nhận ngay hạn mức 2 triệu đồng, chi tiêu ngay cho nhiều dịch vụ như nạp tiền điện thoại, đóng tiền Internet, truyền hình, tiền điện… Home Credit cũng đã đầu tư 200 tỷ đồng vào Home Pay Later và liên kết với Tiki.

Nhóm thứ hai là các công ty khởi nghiệp (start-up) chuyên về lĩnh vực BNPL như Atome, Kredivo, Fundiin, Ree-pay, Kaypay… Trong đó, Atome (Singapore) và Kredivo (Indonesia) hiện là 2 start-up nổi bật cung cấp dịch vụ tín dụng trực tuyến trong khu vực, được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư như Softbank, Warburg Pincus… Còn Fundiin, Ree-pay hay gần đây là Kaypay, đều là những start-up được thành lập trong nước.

Nhóm thứ ba là các sàn thương mại điện tử, cũng không muốn bỏ qua sân chơi hấp dẫn này. Đây là các đối thủ đáng gờm nhất với nền tảng khách hàng lớn, cũng như sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Gần đây, Shopee, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, đã cung cấp dịch vụ BNPL “S Pay Later” tại Việt Nam, cho phép người dùng thanh toán trả góp các sản phẩm với kỳ hạn linh hoạt.

Cơ hội hay thách thức đối với các ngân hàng thương mại truyền thống?

Do quy mô của BNPL còn khá nhỏ so với mảng thẻ tín dụng, nên trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã để ngỏ sân chơi này cho các Fintech. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của BNPL cũng đang tạo ra thách thức cho các ngân hàng khi mất lượng khách hàng thuộc thế hệ Y và Z - những người bị thu hút bởi hình thức tín dụng nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhìn vào lịch sử phát triển của các thị trường tài chính lớn như Mỹ hay châu Âu, thì dần dà cơ sở khách hàng của BNPL cũng sẽ lan tỏa đến cả các nhóm khách hàng có thu nhập tốt hơn, hay những người có thể sở hữu thẻ tín dụng truyền thống, song vẫn muốn sử dụng BNPL nhờ sự tiện dụng và nhanh chóng của nó.

Tại Ấn Độ, các ngân hàng thương mại đã ngó lơ thị trường BNPL do không muốn để mất lợi ích từ mảng thẻ tín dụng, đến khi BNPL bùng nổ ở đất nước tỷ dân này trong thời gian đại dịch Covid-19, sân chơi đã thuộc về các Fintech như LazyPay, Simpl.

Tại Việt Nam, với lịch sử từ các thị trường tài chính khác, việc thị phần BPNL hiện còn manh mún là cơ hội với các ngân hàng thương mại để đa dạng hóa cơ sở khách hàng, hướng tới nhóm khách hàng tiềm năng như thế hệ gen Z, những người sẽ có thu nhập cao hơn trong tương lai. Hiện một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú ý đến phân khúc này, chẳng hạn như TPBank liên kết với Spay Laler (Shopee), hay CIMB liên kết với SmartPay.

Ngoài việc liên kết với các Fintech, sàn thương mại điện tử như TPBank đang thực hiện, các ngân hàng có thể tham gia cuộc chơi bằng cách tự xây dựng nền tảng riêng như cách Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang thực hiện khi khi xây dựng StepPay, có phí giao dịch thấp hơn, hoặc mua một đơn vị Fintech trong lĩnh vực BNPL như cách Ngân hàng Truist Financial Corporation (Mỹ) đã làm khi mua lại công ty tài chính dịch vụ để đẩy nhanh việc mở rộng sang lĩnh vực tài chính POS.

Với quy mô, khả năng tài chính và kinh nghiệm hoạt động trong các thị trường được điều tiết và cung cấp các mô hình thanh toán chi phí thấp, các ngân hàng có nhiều lợi thế hơn các đối thủ Fintech trong việc hạ chi phí để cạnh tranh khách hàng trong lĩnh vực BNPL. Ngoài ra, các ngân hàng có thể tăng cường các tùy chọn thẻ tín dụng hiện có để cung cấp một số loại tài chính linh hoạt, giúp BNPL trở nên hấp dẫn, chẳng hạn như gói để quản lý nhiều khoản trả góp trong các tài khoản hiện có. Citibank đã thực hiện điều này, ra mắt Citi Flex Pay, cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng mua và thanh toán các khoản thanh toán cố định hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định.

Nói tóm lại, các ngân hàng thương mại cần sớm hành động để tham gia vào lĩnh vực BNPL nếu không muốn bị mất doanh thu và thị phần vào tay các Fintech và start-up.

BNPL - “mua trước trả sau” là mô hình cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ mong muốn trước, thanh toán hóa đơn sau thành nhiều khoản nhỏ.

Hình thức này gần giống với việc trả góp qua thẻ tín dụng, song tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn nhờ ít yêu cầu về thủ tục cũng như thu nhập.

Dịch vụ mua trước trả sau rất phổ biến tại nước ngoài với các thương hiệu như Afterpay, Affirm…

Tin bài liên quan