Ngân quỹ dù tồn dư lớn, vẫn phải phát hành trái phiếu chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
Quý I/2024, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành 127.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. “Ngân quỹ nhà nước dù có khoản tạm thời nhàn rỗi, nhưng vẫn phải phát hành TPCP”, bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết.
Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước.

Bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước.

Năm 2023, tổng số ngân quỹ nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại lên tới 959.891 tỷ đồng, nhưng vẫn phát hành 298.476 tỷ đồng TPCP. Thưa bà, vì sao ngân quỹ thừa mà vẫn phải đi vay nợ?

Trước hết, tôi khẳng định, không có khái niệm ngân quỹ nhà nước thừa hay không tiêu hết, mà tất cả các khoản thu, chi, vay nợ, trả nợ đều có trong kế hoạch đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mọi khoản chi từ ngân quỹ nhà nước đều có địa chỉ cụ thể, thời điểm chi tiêu cụ thể. Trong thời gian chưa chi đến, nên ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, chứ không phải là thừa hay ngân quỹ nhà nước không tiêu hết tiền, có tiền nhưng không biết tiêu vào đâu như nhiều chuyên gia kinh tế hay nói.

Khái niệm “tạm thời nhàn rỗi” ở đây là gì, thưa bà?

Có thể hiểu, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi là phần ngân quỹ chênh lệch dương giữa dự báo thu và dự báo chi trong kỳ và phần chênh lệch giữa định mức tồn ngân quỹ nhà nước đầu kỳ và tồn ngân quỹ nhà nước cuối kỳ.

Khoản tạm thời nhàn rỗi này ưu tiên tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh tạm thời bị thiếu hụt; gửi có kỳ hạn tối đa không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước. Các khoản chi đã có kế hoạch, có địa chỉ cụ thể, nhưng chưa chi đến, nên tạm thời nhàn rỗi. Ngược lại, các khoản trả nợ gốc và lãi TPCP đến hạn, chi đầu tư phát triển vẫn phải vay nợ để thanh toán, đầu tư do thu ngân sách nhà nước chưa đủ để thanh toán các khoản này cũng như chi đầu tư phát triển.

Nhưng số tiền 959.891 tỷ đồng được Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại là quá lớn, “gây sốc” cho nhiều chuyên gia kinh tế cũng như đại biểu Quốc hội?

Không phải lúc nào, ngân quỹ nhà nước cũng có số dư nhàn rỗi lớn như vậy và số dư này không cố định, mà luôn biến động, có lúc tăng, lúc giảm, có lúc nhiều, lúc ít, thậm chí có thời điểm ngân quỹ nhà nước bị tạm thời thiếu hụt với rất nhiều lý do khách quan khác nhau. Trong trường hợp thiếu hụt, được bù đắp bằng cách phát hành tín phiếu kho bạc; thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

Rất mừng là trong nhiều năm nay, ngân quỹ nhà nước không rơi vào hoàn cảnh bị thiếu hụt, nên từ năm 2019 trở lại đây, Kho bạc Nhà nước thường xuyên gửi có kỳ hạn tiền ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại.

Kết quả sử dụng khoản tiền này thế nào?

Ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời tất cả các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tại mọi thời điểm; thanh toán đầy đủ, đúng hạn mọi khoản nợ trong và ngoài nước. Khoản ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi được sử dụng đúng mục đích, thu hồi đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi khi đáo hạn.

Kể từ năm 2019 (thời điểm bắt đầu thực hiện nghiệp vụ gửi có kỳ hạn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại) đến nay, Kho bạc Nhà nước đã thu về cho ngân sách nhà nước trên 23.000 tỷ đồng tiền lãi; trong đó, riêng năm 2023 thu về cho ngân sách nhà nước 6.815 tỷ đồng tiền lãi, gấp 5,7 lần năm 2022 (trên 1.200 tỷ đồng). Vì vậy, mặc dù hiện tại ngân quỹ nhà nước vẫn có khoản tạm thời nhàn rỗi, vẫn gửi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước cung cấp, nhưng Kho bạc Nhà nước vẫn được giao phát hành TPCP.

Thưa bà, năm 2024, Kho bạc Nhà nước dự kiến khối lượng TPCP phát hành là bao nhiêu?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 59.998 tỷ đồng, tương đương 8,7% kế hoạch, bằng 9,13% nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao), tồn kho ngân quỹ nhà nước ở mức cao, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp để triển khai công tác huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý, duy trì thị trường TPCP hoạt động thường xuyên, bền vững; góp phần quản lý nợ công an toàn và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tùy thuộc vào thực tế thu chi của ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công và thị trường tài chính - tiền tệ, Kho bạc Nhà nước sẽ trình Bộ Tài chính kế hoạch phát hành TPCP từng quý trên cơ sở tăng cường gắn kết giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.

Bà có thể nói rõ hơn tình hình phát hành TPCP trong quý I năm nay?

Quý I năm nay, Kho bạc Nhà nước dự kiến huy động 127.000 tỷ đồng thông qua phát hành TPCP, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dự kiến phát hành 25.000 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm; 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm; 30.000 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm; 50.000 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm; 9.000 tỷ đồng kỳ hạn 20 năm và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 30 năm. Như vậy, tất cả các khoản vay nợ trong nước đều có thời hạn dài, trong đó, thời hạn từ 10 năm trở lên chiếm đến 18% tổng khối lượng dự kiến phát hành (99.000 tỷ đồng), bảo đảm cho ngân sách nhà nước an toàn, hiệu quả. Trong tháng 1/2024, chúng tôi đã phát hành TPCP được 16.500 tỷ đồng với kỳ hạn bình quân 13,35 năm, lãi suất bình quân 2,19%/năm. Cả kỳ hạn và lãi suất đều tốt hơn bình quân năm 2023 (thời hạn phát hành bình quân 12,58 năm; lãi suất bình quân 3,21%/năm).

Tin bài liên quan