Ngành cảng biển: Tiềm năng còn ở phía trước

Ngành cảng biển: Tiềm năng còn ở phía trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại hội thảo định kỳ C2C do Công ty Chứng khoán HSC tổ chức ngày 29/9 với chủ đề “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept”, nhà đầu tư được cập nhật các thông tin mới nhất về ngành cảng biển từ các chuyên gia HSC cũng như “người trong ngành”.

Ngành cảng biển, tiềm năng dài hạn

Bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng Phân tích, ngành hàng công nghiệp, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, Việt Nam có nhiều ưu thế để trở thành công xưởng thế giới, giúp thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng. Trong vòng 10 năm qua, tốc độ xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng, đạt 14%/năm. Các doanh nghiệp cảng biển được hưởng lợi đầu tiên vì nguyên vật liệu và thành phẩm xuất nhập khẩu đều phải thông qua cảng biển. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, sản lượng container ở Việt Nam tăng trưởng bình quân 13%/năm nhờ tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu rất cao của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept (mã GMD), doanh nghiệp lớn và giàu kinh nghiệm trong ngành cảng biển chia sẻ, năm 2021 - 2022, sản lượng container thông qua các cảng biển tại Việt Nam khoảng 24 triệu TEU, riêng 8 tháng đầu năm 2022 là 17,1 triệu TEU, còn cao hơn Nhật Bản (23 triệu TEU). Bên cạnh đó, Việt Nam đang có 260 tuyến dịch vụ trên toàn quốc; phía Nam là gần 180 tuyến dịch vụ và phía Bắc trên 80 tuyến dịch vụ.

Đánh giá về rủi ro của ngành cảng biển, chuyên gia HSC cho rằng, trong ngắn hạn, rủi ro đang gia tăng vì vấn đề lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động từ chiến sự Nga – Ukraine, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có dấu hiệu sụt giảm và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam có dấu hiệu chậm lại. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đã giảm tốc xuống 16% so với mức 32% cùng kỳ năm ngoái cho thấy, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển bị ảnh hưởng.

“Rủi ro này sẽ tiếp tục hiện hữu trong quý IV cũng như nửa đầu năm 2023, khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng container thấp hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên về dài hạn, các yếu tố thuận lợi về địa chính trị giúp Việt Nam tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên nhìn dài hạn cảng biển vẫn là ngành có mức tăng trưởng tốt”, bà Trang phân tích.

Bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng Phân tích, ngành hàng công nghiệp, Công ty Chứng khoán HSC
Bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng Phân tích, ngành hàng công nghiệp, Công ty Chứng khoán HSC

Theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển trong 10 năm, đến năm 2030 lượng hàng hóa thông qua cảng là 38 – 47 triệu TEU, tương ứng tăng trưởng 7 – 10%/năm. Về cơ bản, hệ thống cảng biển Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu của cả nước, bà Trang đánh giá.

Khu vực được tập trung phát triển cảng nước sâu bao gồm Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép (Vũng Tàu), được đánh giá tăng trưởng tốt nhất vì các hãng tàu đang tăng kích cỡ tàu để giảm chi phí vận chuyển, đồng thời vị trí cảng cũng gần các khu công nghiệp trọng điểm Việt Nam. Đặc biệt, Cái Mép đứng thứ 13 thế giới trong các cảng hoạt động hiệu quả nhất do World Bank bình chọn.

Ông Nguyễn Thanh Bình chỉ ra ba điểm quan ngại trong phát triển của ngành là tránh tắc nghẽn về cở sở hạ tầng không thúc đẩy được tăng trưởng xuất nhập khẩu, cảng biển là tài sản cần có thời gian đầu tư lâu, nên thông thường phải có sự đón đầu đầu tư và cảng biển là tài nguyên đặc biệt vì vậy cần có sự khai thác hiệu quả và lâu dài.

“Quy hoạch cảng biển đến 2030 và tầm nhìn 2050 đã đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng chúng ta cần thực hiện đúng tiến độ tránh chậm trễ. Hoạt động của cảng phụ thuộc vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nó có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng với tiềm năng và với các hiệp định đã ký, tiềm năng phát triển cảng biển chưa phải đạt đỉnh mà vẫn từ từ đi lên. Về lâu dài thì đỉnh còn đang ở phía trước”, ông Bình nhấn mạnh.

Gemadept, tăng trưởng cao hơn ngành

Hiện tại, chuỗi dịch vụ logistics của GMD gồm 6 lĩnh vực: trung tâm phân phối hàng hóa; cảng hàng hóa hàng không; vận tải hàng siêu trường, siêu trọng; vận tải đường biển – thủy; vận tải hàng lạnh và logistic. GMD đang tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đối tác hàng đầu, từ đó đem lại năng lực cạnh tranh tốt nhất.

Chia sẻ về một số lợi thế của GMD ông Bình nói: “Hệ thống cảng của GMD sở hữu các vị trí đắc địa và tốt nhất ở các khu vực chiến lược, là chuỗi liên hoàn các cảng. Bên cạnh đó, các cảng được đầu tư trang thiết bị hiện đại , theo xu hướng thân thiện môi trường, công nghệ vận hành tiên tiến. Đặc biệt, GMD có hệ thống khách hàng, đối tác lớn, giàu tiềm năng”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept chia sẻ về một số lợi thế của Gemadept.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept chia sẻ về một số lợi thế của Gemadept.

Hiện nay, các cảng ở TP.HCM quá công suất nên phải di dời và trong quy hoạch cần có cảng nước sâu để đón các tàu lớn nên xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ TP.HCM về khu vực Vũng Tàu là lợi thế của GMD vì công ty có cảng Gemalink ở khu vực này.

GMD hướng tới triển khai chiến lược bao gồm: tăng trưởng, hiệu quả và dẫn đầu. Công ty dùng hệ sinh thái làm đòn bẩy, tiếp tục đầu tư cảng, công ty phân phối, trang thiết bị, phương tiện vận tải. Ngoài ra, GMD sẽ tái cấu trúc doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác thoái vốn ở một số lĩnh vực không hiệu quả, đảm bảo tốc độ tăng trưởng thông qua doanh thu và lợi nhuận trên từng container.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính GMD cho biết, với các lợi thế, GMD đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp 3 lần cho tầm nhìn 2020 đến 2025, tức bình quân tăng trưởng 25%/năm. Lợi nhuận năm 2025 đạt 1.500 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty vượt kế hoạch lợi nhuận và 9 tháng đầu năm nay khả quan nên khả năng hoàn thành kế hoạch 1.200 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Mặc dù tăng trưởng chung của ngành chậm lại nhưng tốc độ tăng trưởng của GMD tốt hơn nhờ hệ sinh thái trải rộng ở cả 3 miền.

Tuy nhiên, với dự báo nền kinh tế toàn cầu giảm phát Ban điều hành GMD đã trăn trở xây dựng kế hoạch năm tới để tìm giải pháp đạt hiệu quả và sớm đạt được mục tiêu lợi nhuận của 2025.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh hiện nay, để đảm bảo vốn cho công tác đầu tư, Công ty đang cắt giảm chi phí, quản lý dòng tiền để tối ưu hóa lợi nhuận. Đồng thời đẩy mạnh thanh lý tài sản không hiệu quả, tập trung phát triển hoạt động cốt lõi để đạt mục tiêu, chiến lược dài hạn. Việc thoái vốn vườn cao su, bà Hương cho biết đang làm việc với một số đối tác nhưng chưa chốt được và kỳ vọng có thể thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. GMD đã xây dựng các kịch bản trong ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo thực hiện chiến lược kinh doanh.

Về tác động của tỷ giá khi đồng USD tăng, bà Trang nhất trí với nhận định của chuyên gia HSC, do nguồn thu của GMD có tỷ trọng thu tiền USD với hãng tàu nước ngoài nên tác động của tỷ giá giảm thiểu hơn. Nhưng GMD có khoản vay USD đầu tư cho Gemalink, được hưởng lãi suất thời gian qua nhưng hiện nay GMD tìm cách thu hồi khoản thu USD để trả trước hạn khoản vay USD (theo đàm phán ban đầu không mất phí) để giảm thiểu rủi ro.

Về kế hoạch tăng vốn, bà Hương cho biết, Công ty đã có nghị quyết triển khai kế hoạch phát hành 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 4.000 tỷ đồng. Thủ tục tăng vốn đang được thực hiện và Công ty hy vọng sớm được chấp thuận hồ sơ tăng vốn để các dự án được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả hơn khi sử dụng vốn vay.

Bà Trang đánh giá, sự suy giảm hàng hóa do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế Mỹ và EU là một rủi ro trong ngắn hạn với ngành cảng biển, nhưng nếu cuối năm nay, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế thì tình hình sẽ khả quan hơn. Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị xuất nhập khẩu với Việt Nam nên đây sẽ là yếu tố hỗ trợ với ngành cảng biển. GMD là doanh nghiệp có hệ sinh thái khép kín có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ đầy đủ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng, biên lợi nhuận tốt hơn ngành.

Ông Bình chia sẻ chi tiết hơn, thị trường Trung Quốc có một số hãng tàu đang là bạn hàng của GMD, đặc biệt ở phía Bắc thì hãng tàu Trung Quốc có tỷ trọng khá lớn, nên nếu nước này bỏ chính sách zero Covid-19 từ nửa cuối tháng 10, đầu tháng 11, thì tăng trưởng sản lượng khu vực phía Bắc sẽ mạnh, nhanh hơn. Còn cảng phía Nam của GMD không có các tuyến tàu nội Á, chỉ có cảng Gemalink đi châu Âu, châu Mỹ, khi Trung Quốc bỏ zero Covid, nhu cầu hàng hóa tăng thì các chuyến tàu không bị bỏ chuyến, cảng Gemalink sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Theo kế hoạch của GMD, dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 được khởi công năm 2021 sẽ được đưa vào hoạt động trong quý I/2023, đúng tiến độ đề ra. Dự án Gemalink giai đoạn 2 hiện đang trong quá trình hoàn thiện giấy phép xây dựng kỳ vọng , dự kiến triển khai đầu năm 2023.

Tin bài liên quan