Ngành công nghiệp chế biến gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2019. Ảnh: Đức Thanh

Ngành công nghiệp chế biến gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2019. Ảnh: Đức Thanh

Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản: Hướng đến sử dụng gỗ rừng trồng

Thực hiện mục tiêu ngắn hạn đạt 11 tỷ USD xuất khẩu năm 2019 và mục tiêu dài hạn đưa Việt Nam trở thành công xưởng đồ gỗ và lâm sản thế giới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ hướng đến sử dụng gỗ rừng trồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Đảm bảo nguyên liệu đầu vào

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 14 năm phát triển, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm  25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Từ hiệu quả của chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, gỗ rừng trồng trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên. Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó, 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ giúp nâng cao giá trị gia tăng. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho trên 20 triệu người dân, mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang lại nhiều ngoại tệ…

Tại Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019” diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, giúp giải quyết nhiều lao động và là một trong không nhiều ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao.

Song, Thủ tướng cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu là còn rất khiêm tốn. Hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại, cùng xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới.

Tạo chính sách tích tụ tư bản đất rừng

Theo đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định), phát triển rừng trồng để dần làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước thì cốt lõi là phải đẩy mạnh trồng rừng.

“Để tạo đột phá về trồng rừng có nhiều giải pháp, nhưng con đường ngắn nhất là chúng ta cần sớm tái cấu trúc các công ty lâm nghiệp ở các tỉnh. Hiện nay, các công ty này đang quản lý diện tích đất rừng lớn nhất. Do vậy, để tạo bước đột phá trong nguồn nguyên liệu rừng trồng thì nên cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp và tạo chính sách để tích tụ tư bản đất rừng, tìm những nhà đầu tư tâm huyết có tiềm lực về kinh doanh rừng”, đại diện gỗ Tiến Đạt đề xuất.

Ngoài ra, cũng theo đại diện gỗ Tiến Đạt, nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước và xuất khẩu, giảm áp lực phá rừng và tạo tiền đề cho phát triển rừng gỗ lớn bền vững, chúng ta cần phải xây dựng chợ gỗ chuyên nghiệp, tạo nguồn cung dồi dào, ổn định.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Công ty cổ phần Kiến trúc và nội thất Nano, chuyên xuất khẩu gỗ nội thất sang các thị trường Mỹ, Canada chia sẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có hai nguồn nguyên liệu chính, đó là nguồn gỗ nhập từ các nước và nguyên liệu rừng trồng của Việt Nam. Chú trọng hướng tới sản xuất gỗ trong nước, Nano sử dụng 100% nguồn nguyên liệu từ rừng trồng Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo ông Quân, đối với gỗ rừng trồng Việt Nam, hiện nay bà con nông dân chỉ trồng 5-6 năm đã khai thác, mong muốn của doanh nghiệp là Nhà nước hỗ trợ để bà con nông dân giữ được nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ, các sản phẩm thành phẩm, nên cần có thời gian trồng lâu hơn để dảm bản chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, chúng ta trở thành một trung tâm đồ gỗ nội thất lớn của thế giới. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần chú trọng việc trồng rừng,  trong đó, cần nhiều hỗ trợ như về giống, về vốn ưu đãi, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân. Đây là những mấu chốt để ngành đồ gỗ phát triển lâu dài”, ông Quân góp ý.

Tỷ lệ phủ xanh đất trồng đồi trọc không chỉ 42%, mà phải cao hơn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần tiếp tục củng cố nguồn nguyên liệu, làm sao nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng, từ đó giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc không chỉ 42%, mà phải cao hơn. Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp, ứng dụng công nghệ cao, tự động hoá, đa dạng mẫu mã, thiết kế, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tin bài liên quan