Ngành khoáng sản sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cho dù nền kinh tế có phát triển chậm lại

Ngành khoáng sản sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cho dù nền kinh tế có phát triển chậm lại

Ngành khoáng sản còn nhiều tiềm năng đầu tư

(ĐTCK-online) Ngành khoáng sản xét theo thành phần hoá học được chia làm 03 loại: khoáng sản kim loại (kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý hiếm…), khoáng sản phi kim (vật liệu khoáng, đá quý, vật liệu xây dựng), khoáng sản cháy (than, dầu, khí đốt, đá cháy).

Qua thăm dò khai thác những năm qua, Việt Nam đã phát hiện ra nhiều mỏ quặng kim loại có giá trị và phân bố rải rác ở nhiều nơi. Quặng sắt được phát hiện và khoanh định trên 200 vị trí, tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc. Các loại khác như quặng chì kẽm, quặng đồng, quặng thiếc, quặng nhôm tập trung nhiều ở Tây Ninh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lâm Đồng, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Riêng quặng kim loại quý như vàng đã được điều tra phát hiện ở nhiều vùng trên lãnh thổ, trong đó một vài mỏ đã được đưa vào khai thác. Như vậy, trữ lượng và các loại khoáng sản kim loại của Việt Nam là khá phong phú.

 

Về tình hình khai thác và chế biến

Những năm gần đây, sản lượng khai thác, chế biến và xuất khẩu một số loại khoáng sản tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, cả nước có hàng trăm nghìn cơ sở khai thác, chế biến các sản phẩm khoáng sản, trong đó chỉ có khoảng 2.000 điểm khai thác khoáng sản có đăng ký hợp pháp. Khai thác khoáng sản kim loại luôn đem lại cho doanh nghiệp những nguồn lợi đáng kể. Vì vậy, hiện rất nhiều doanh nghiệp khai thác đang tập trung vào việc xin cấp phép thăm dò và khai thác loại khoáng sản kim loại này như CTCP Khoáng sản Quảng Nam, CTCP Khoáng sản Hà Nam, CTCP Khoáng sản Hoà Bình, CTCP Khoáng sản Yên Bái… Trên cơ sở nắm chắc tài nguyên và kết quả thăm dò trong giai đoạn 2008 - 2010, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư khai thác và tuyển các mỏ kẽm - chì Nông Tiến - Tràng Đà, Thượng Ấn, Cúc Đường, Ba Bồ… với quy mô công suất tuyển từ 40.000 - 60.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Như vậy, nếu tài nguyên cho phép sau khi đã thăm dò nâng cấp trữ lượng, thì dự kiến đến năm 2010, sản lượng kẽm thỏi sẽ đạt 20.000 - 30.000 tấn/năm và khoảng 10.000 tấn chì thỏi/năm, mang lại thu nhập lên đến 35 triệu USD/năm.

Các công ty kinh doanh khai thác khoáng sản nói chung và khoáng sản kim loại nói riêng, hiện nay đang ngày càng mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, do công nghệ luyện kim và chế biến sâu chưa phát triển, thiết bị lạc hậu đã ảnh hưởng đến năng suất và hệ số thu hồi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Phần lớn sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở mức trung bình, trừ thiếc điện phân đạt loại I thế giới (99,95% Sn). 

 

Về thị trường sản phẩm

Hiện tại, thị trường sản phẩm khoáng sản, cụ thể là thị trường xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập. Ngành luyện kim đen và luyện kim màu chậm phát triển nên khoáng sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác chủ yếu là các sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế. Vì vậy, luôn phải bán với giá rẻ trong khi lại nhập khẩu các thành phẩm đã qua tinh chế với giá cao. Tình trạng này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nhanh chóng.

Khoáng sản kim loại luôn được đánh giá là nguồn tài nguyên quý hiếm và có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế thế giới đều nhận định rằng, ngành khoáng sản sẽ tiếp tục tăng trưởng cho dù nền kinh tế có phát triển chậm lại. Cụ thể là, từ đầu tháng 4/2008, giá xuất khẩu các loại quặng sang thị trường Trung Quốc đã tăng cao. Các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc luôn mở rộng và thúc đẩy lưu lượng lên tới gấp 3 lần so với đầu năm với mục đích hút hàng từ Việt Nam . Nhiều mặt hàng như đồng ô xít hiện đã tăng giá khoảng 200% so với đầu năm 2008.

Trên thị trường thế giới, giá một số mặt hàng khoáng sản giao ngay ngày 23/4/2008 so với ngày 22/4/2008 như sau: đồng là 8.795 USD/tấn, tăng 26 USD/tấn; nhôm là 3.040 USD/tấn, tăng 28,5 USD/tấn; chì là 2.755 USD/tấn, giảm 45 USD/tấn; kẽm là 2.184,5 USD/tấn, giảm 49,5 USD/tấn; nikel là 28.330 USD/tấn, giảm 145 USD/tấn; thiếc là 23.480 USD/tấn tăng 1.330 USD/tấn.

Trên thị trường niêm yết, các đại diện ngành khoáng sản như BMC, MIC, DHA, LBM, MCV đang được các nhà đầu tư quan tâm. Theo báo cáo tài chính, chỉ số tài chính năm 2007 của các công ty này tốt hơn so với năm 2006 như: khả năng thanh toán được cải thiện, cơ cấu vốn theo hướng giảm nợ, tăng vốn chủ sở hữu làm giảm thiểu rủi ro cho công ty; tỷ suất lợi nhuận đều tăng lên từ 1,86 lên 5,39 đối với lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản… các mã cổ phiếu DHA, LBM, MCV trong phiên giao dịch ngày 25/4/2008 đều tăng trên nền đỏ của các cổ phiếu khác.

Có thể nói, ngành khai thác và chế biến khoáng sản kim loại trong nhiều thập kỷ qua chưa phát triển đúng với tiềm năng, với vị trí, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế  đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa và giao lưu quốc tế, việc khai thác và chế biến khoáng sản cần liên doanh, liên kết với nước ngoài trong những dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp và thị trường tiêu thụ. Nếu giải quyết được tốt những điều này, ngành khai thác khoáng sản kim loại sẽ luôn giữ được tốc độ phát triển cao.