Ngành logistic loay hoay tìm hướng đi tích cực

Ngành logistic loay hoay tìm hướng đi tích cực

(ĐTCK) Tiềm năng lớn, nhưng ngành logistics chưa được phát triển bài bản, chi phí logistic cao đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. 

Giá thành 1 USD, đến tay người mua 2,7 USD

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực. Riêng tại Hà Nội, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động logistics.

Đánh giá về thực trạng phát triển của ngành logistics trong nước, TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực logistics, nhưng tới nay, hình hài một trung tâm logistic vẫn chưa được hình thành rõ ràng.

Chi phí logistics tại Việt Nam đang nằm trong nhóm cao nhất thế giới khi chiếm khoảng 20% GDP. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước phần nào bị suy giảm bởi gánh nặng chi phí này.

Ông Thành đưa ra ví dụ, giá một sản phẩm tại nhà máy là 1 USD, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì đội lên tới 2,7 USD. Khoản 1,7 USD chênh lệch đó bao gồm chi phí vận tải (chiếm 21%), thuế quan, chuyển hàng…

“Để hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao, cần giảm chi phí logistic. Muốn làm được điều đó, cần sớm có trung tâm logistics”, ông nhấn mạnh.

Báo cáo từ Bộ Công thương cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, bờ biển dài hơn 3.000 km là lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp logsitics nội địa do quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế mới dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL, cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL), vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm.

Để gia tăng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, theo ông Phạm Mạnh Tân, Tổng giám đốc CTCP Vận tải ASM, các doanh nghiệp logistic cần phải chuyên nghiệp hơn, giữ chân khách hàng bằng các giải pháp vận chuyển tối ưu và giá thành hợp lý. 

Xây dựng trung tâm logistics, câu chuyện dài

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng, có nhiều yếu tố đang cản trở sự phát triển của ngành logistics, đẩy chi phí logistics tăng cao.

Đó là hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ chưa tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ; quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa; vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ; là sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics. Ngoài ra, còn là việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau.

Ông Linh cho rằng, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quản lý mang tính vĩ mô; trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh phát triển các trung tâm logistic.

Trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Tại Mỹ, ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải như dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ.

TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, Việt Nam học tập các nước phát triển trong việc chọn các đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm thương mại lớn khi xây dựng trung tâm logistics.

Ngoài ra, với đặc thù vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao nên đối với lĩnh vực logistics, cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu để thu hút đầu tư... Trung tâm logistics phải được quản lý như một cơ quan pháp lý duy nhất và trung lập, cần phải đảm bảo sự hợp tác đồng bộ và hợp tác thương mại.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, nhất là các khâu kiểm tra chuyên ngành.

Xây dựng trung tâm logistics chắc chắn không thể là câu chuyện của riêng các doanh nghiệp trong ngành, mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, của Chính phủ. 

Trên sàn chứng khoán, các công ty kinh doanh lĩnh vực logistics được chia thành các nhóm: nhóm khai thác cảng (DXP, DMD, TMS, VGP); nhóm vận tải hàng hóa (vận tải container: GMD, MHC, SHC, VFC, VFR; vận tải hàng lỏng: PJC, PJT, PSC, PTS, VIP, VSP; vận tải hàng rời: HTV, VTV; đại lý giao nhận: GMD, SFI, TMS). GMD hoạt động trong cả ba nhóm trên, còn các công ty khác chỉ chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó.

Tin bài liên quan