TKV đang nỗ lực tái cấu trúc Tập đoàn, nâng cao năng lực quản trị để nguồn vàng đen của đất nước thêm lấp lánh

TKV đang nỗ lực tái cấu trúc Tập đoàn, nâng cao năng lực quản trị để nguồn vàng đen của đất nước thêm lấp lánh

Ngành than tìm hướng bật sáng

(ĐTCK) Năm 2016 được Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đánh giá là một năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh kéo theo giá giảm sâu, tồn kho tăng cao, ngành than đang nỗ lực tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm hướng đi mới để ngành bật sáng phát triển trong năm 2017.

Nỗ lực vượt khó

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,21%, nhưng ngành khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn do sản lượng giảm và giá bán thấp. Đặc biệt, TKV đối mặt với những thách thức lớn về thị trường khi than nhập khẩu ngoài TKV trong 3 quý đầu năm tăng rất cao.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, với nhiều nỗ lực lớn của ngành than và được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, ngành than vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Doanh thu toàn ngành ước đạt 101.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 800 tỷ đồng, toàn Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước 14.310 tỷ đồng, mặc dù doanh thu toàn ngành giảm 5% trong năm 2016, song đóng góp vào ngân sách nhà nước vẫn tăng 1.500 tỷ đồng.

Bình quân lao động đạt mức thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng, riêng đối với công nhân hầm lò và những người trực tiếp khai thác, TKV đã nỗ lực duy trì ổn định ở mức 11,5 triệu đồng/người/tháng.  

Trong bối cảnh khó khăn, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt tất cả các đơn vị tìm cách tiết giảm đối đa chi phí, đồng thời giảm sản lượng để duy trì mức tồn kho hợp lý. Ban lãnh đạo Tập đoàn đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiết giảm các chi phí đầu vào cho sản xuất.

“Đặc biệt, năm 2016, toàn Tập đoàn thực hiện tiết giảm 6% chi phí giao khoán, tăng thêm 1% so với các năm trước đây để có lợi nhuận, vượt qua khó khăn; đồng thời, rà soát tiết giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường công tác quản lý đầu tư duy trì sản xuất”, Chủ tịch TKV chia sẻ.

TKV giảm đầu tư các công trình chưa cần thiết, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, phát triển các dự án mỏ than, đẩy mạnh hoàn thiện công tác thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong thời gian khó khăn, ngành than đã tận dụng thời gian tiết giảm sản xuất để đẩy mạnh hoàn thiện công tác thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản trị tài chính doanh nghiệp, tập trung công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân để phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu dài hạn. 

Về đích cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp

Một điểm sáng nổi bật trong bức  tranh năm 2016 của TKV là Tập đoàn đã về đích sớm trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt tại Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 11/11 đơn vị. Tại thời điểm cuối năm 2015, TKV đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 11 đơn vị và hoàn thành IPO 10 đơn vị, 1 đơn vị còn lại được TKV hoàn tất IPO vào đầu năm 2016 với tổng số tiền thu về sau cổ phần hóa đạt trên 360 tỷ đồng.

Về thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết, TKV đã hoàn thành thoái vốn tại 7 công ty con, 6 công ty liên kết và 9 công ty cháu. Tổng giá trị thu về sau thoái vốn được là 2.363 tỷ đồng, cao hơn so với vốn góp 421,8 tỷ đồng; trong đó, TKV đã hoàn thành sớm việc thoái vốn tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Trong công tác sắp xếp doanh nghiệp, TKV đã hoàn thành chuyển đổi 10 công ty con sản xuất than thành chi nhánh của TKV để nâng cao năng lực sản xuất của công ty mẹ - Tập đoàn; hoàn thành giải thể 2 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo đúng Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn.

Bên cạnh đó, TKV đã thực hiện thành công việc tăng tỷ lệ nắm giữ tại 3 đơn vị sản xuất than, trong đó có 2 đơn vị đã tăng được tỷ lệ nắm giữ lên trên 65% vốn điều lệ nhằm đảm bảo quyền chi phối tối đa của TKV trong chỉ đạo điều hành đơn vị để đảm bảo sản lượng than theo Quy hoạch phát triển ngành than.

“Nhìn chung, sau quá trình sắp xếp, các đơn vị đều duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; trong đó, có một số đơn vị bước đầu đã có sự tăng trưởng so với trước”, ông Biên nói. 

Tìm hướng bật sáng 

Sang năm 2017, đã xuất hiện tín hiệu vui với ngành than khoáng sản. Theo đánh giá của TKV, sau 10 năm giá than liên tục đi xuống, từ quý IV/2016, giá khoáng sản trên thị trường thế giới có xu hướng phục hồi giúp ngành than, khoáng sản trong nước có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế mà đặc biệt là than cho điện tăng cao. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Chuẩn, mức độ phục hồi vẫn còn hạn chế.

“Giá than đã có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2016 và dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi trong năm 2017. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, giá than có thể chỉ ngang bằng với mức giá của quý IV/2016”, ông Chuẩn dự báo.

Chính vì vậy, công việc khắc phục khó khăn còn rất bộn bề, trong đó đặc biệt việc làm thế nào để giảm lượng tồn kho và tiếp tục đảm bảo duy trì ổn định sản xuất, cung cấp đủ nguồn than sạch cho các hộ tiêu thụ lớn như điện, xi măng... đồng thời, đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động ngành than là thách thức rất lớn đang đặt ra cho toàn ngành.

Trước thách thức lớn, TKV đặt mục tiêu kế hoạch năm 2017 theo hướng tập trung điều hành sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư hợp lý phát triển bền vững các ngành nghề than, khoáng sản, điện lực và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phù hợp; tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, trọng tâm là tái cơ cấu kỹ thuật - đổi mới công nghệ, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, tinh giản lao động để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đảm bảo tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, bền vững. Cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò. Mục tiêu chung là an toàn, đổi mới, phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tập đoàn nỗ lực phấn đấu tăng sản lượng than khai thác và than tiêu thụ, giảm tồn kho, tập trung hoàn thành kết thúc đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các dự án xây dựng công trình khai thác mỏ than, dự án đầu tư khai thác hầm lò, các dự án khai thác khoáng sản.

Đồng thời, tăng sản lượng phát điện thương mại, sản xuất cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp, vật liệu xây dựng và các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư phát triển, áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác hầm lò, sàng tuyển, vận chuyển than và khoáng sản, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị, quản lý...

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Biên, để tăng khả năng tiêu thụ, các đơn vị thành viên TKV rất sáng tạo trong việc áp dụng chính sách phối hợp sử dụng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn theo hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau để cùng phát triển, mở rộng thị trường trên tinh thần đảm bảo tuân thủ cơ chế thị trường về giá cả và chất lượng.

Cũng theo ông Biên, công tác quản trị tài chính được Tập đoàn chú trọng, trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, giải pháp tiết kiệm chi phí, kiểm soát chặt chẽ chi phí từ đầu vào đến đầu ra ở tất cả các công đoạn sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, năm 2017, TKV sẽ triển khai việc nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động, giải ngân vốn giữa công ty mẹ và công ty con với mục tiêu thúc đẩy tổ hợp cùng phát triển và phù hợp với quy định hiện hành, đặc biệt là thu xếp vốn cho các dự án xây dựng mỏ nâng cao sản lượng than.

Triển khai xây dựng mô hình tài chính dài hạn, huy động và sử dụng vốn cho các dự án theo kế hoạch, đúng mục đích, bám sát mô hình tài chính điều hành đảm bảo an toàn tài chính.

Tin bài liên quan