Ngành thép: Đã đến lúc quay trở lại

Ngành thép: Đã đến lúc quay trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số tăng điểm, thanh khoản tăng cao, dòng tiền lan tỏa… là các dấu hiệu cho thấy thị trường có thể tiếp tục diễn biến tích cực.

Lực cung được hấp thụ

Chỉ số VN-Index tuần qua tăng 1,5%, thanh khoản ghi nhận mức tăng 70% so với trung bình 20 tuần và là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2023, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đang dần trở lại mạnh mẽ hơn.

Diễn biến kỹ thuật của chỉ số trên biểu đồ tuần thể hiện sự “chạm mặt” mang tính giằng co của 2 bên mua và bán khi tạo ra cây nến biên hẹp có bóng nến bên trên, đi kèm với cột khối lượng kỷ lục từ đầu năm, sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.120 điểm được tạo ra từ đỉnh ngắn hạn phía trước ngày 8/6 và quay đầu giảm điểm. Tuy nhiên, chỉ số đã tăng điểm trong phiên cuối tuần, tạo nến xanh rút chân biên hẹp và mở ra dư địa tăng trở lại. Ở kịch bản tích cực,

VN-Index sẽ tích lũy quanh ngưỡng 1.100 điểm để hấp thụ lực cung, dù xen lẫn các nhịp rung lắc trong phiên.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Dòng tiền đã lan tỏa đều trên thị trường khi không còn bỏ quên nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng hay VN30, nhưng vẫn duy trì tích cực tại nhóm vốn hóa nhỏ và vừa. Dòng tiền “điểm mặt” hầu hết các nhóm cổ phiếu trên thị trường, nhưng nổi bật trong 3 phiên gần đây là nhóm vật liệu xây dựng như thép, đá…

Thanh khoản ghi nhận kỷ lục trong năm 2023 không chỉ đến từ dòng tiền hưng phấn mua vào, mà còn đến từ lực chốt lời với những cổ phiếu có đà tăng tốt vừa qua. Lực cung này dự báo sẽ tiếp diễn trong tuần giao dịch mới. DSC khuyến nghị, hành động phù hợp cho nhà đầu tư là hạ tỷ trọng giao dịch ký quỹ (margin), ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ giải ngân trong những nhịp rung lắc của thị trường với những doanh nghiệp có câu chuyện kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023.

Ngành thép: Đã đến lúc quay trở lại

Các cổ phiếu tiêu biểu ngành thép như HPG, HSG và NKG ghi nhận đà tăng giá ấn tượng trong 1 - 2 tuần qua, nhờ thông tin tích cực của ngành thép thế giới.

Giá các loại thép như thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), thép thanh ghi nhận mức tăng 6 - 7%, sau khi giảm 27 - 30%, riêng giá HRC giảm 50% kể từ giữa tháng 3/2023. Mặc dù vậy, sự hồi phục này không đến từ nhu cầu sử dụng, mà đến từ mức tăng tương ứng của giá vật liệu đầu vào như than cốc, quặng sắt và thép phế thành phẩm.

Theo VSA, các nhà máy trong nước đã tăng giá để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Thị trường bất động sản trì trệ cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên nhu cầu sử dụng thép xây dựng ở mức thấp.

Về mặt sản lượng, hầu hết công ty thép đều có sự gia tăng trong tháng 5 so với quý I và tháng 4. Nổi bật nhất tháng 5, Hòa Phát đã tiêu thụ được 530.000 tấn thép xây dựng, HRC và phôi thép, tăng 33% so với tháng 4. Tiêu thụ HRC đạt 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm 2023 và tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đóng góp 55%, nhờ nhu cầu gia tăng từ cả châu Âu và châu Á.

Thị trường nội địa cũng ghi nhận sự hồi phục nhẹ về nhu cầu khi các dự án xây dựng được đẩy nhanh tiến độ. Dự báo, các doanh nghiệp thép sẽ sớm hoạt động hết công suất, nhằm đón đầu xu hướng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Một yếu tố khác giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp là lượng hàng tồn kho giá cao đã được xử lý gần hết và các khoản trích lập dự phòng được hoàn nhập.

Bức tranh của ngành thép sẽ trở nên sáng hơn vào quý III và IV/2023, nhu cầu thép xây dựng quay trở lại nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản từ cuối tháng 3 của Chính phủ khi tập trung gỡ 2 nút thắt lớn nhất là pháp lý và nguồn vốn tín dụng. Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt cũng sẽ giúp cho các dự án xây dựng được tái khởi động, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng thép.

DSC đánh giá cao HPG, HSG và NKG khi chiếm ưu thế về thị phần trong thị trường nội địa và hưởng lợi chung từ nhu cầu nhập khẩu thép trên thế giới. Nhà đầu tư có thể mở vị thế trung và dài hạn đối với 3 cổ phiếu này trong các nhịp rung lắc của thị trường.

Tin bài liên quan