Ngày 29/9, Quỹ ETF nội đầu tiên mô phỏng VNMIDCAP chào sàn HOSE

Ngày 29/9, Quỹ ETF nội đầu tiên mô phỏng VNMIDCAP chào sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 6 triệu chứng chỉ quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP (mã chứng khoán FUEDCMID) chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch TP.Hồ Chí Minh (HOSE) sáng nay (29/9).

Đây là quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu đầu tư mô phỏng gần nhất biến động (performance) bộ chỉ số tham chiếu VNMIDCAP.

Được biết, ETF DCVFMVNMIDCAP đã huy động được 60 tỷ đồng trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng. Do khoản đầu tư tối thiểu để tham gia IPO còn khá lớn nên nhiều nhà đầu tư chờ chứng chỉ quỹ được niêm yết sẽ tham gia đầu tư trực tiếp trên sàn với khối lượng đầu tư tối thiểu là 100 chứng chỉ quỹ.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á cũng có sự quan tâm tới midcap ETF và nghiên cứu bổ sung midcap ETF vào danh mục đầu tư tại Việt Nam.

Sau thành công của các quỹ ETF DCVFMVN30, ETF DCVFM VNDIAMOND, quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP được xem là cơ hội đầu tư tiềm năng vào các doanh nghiệp tầm trung. Đây là chỉ số xây dựng từ 70 cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết trên HOSE – là nhóm ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây nhờ thanh khoản tốt và có mức biến động giá khá lớn.

Top 10 cổ phiếu tỷ trọng lớn nhất tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản, bao gồm SSB (9,82%NAV), SHB 6,08% NAV, MSB 4,94% NAV, PNJ, DGC, LPB, VND, GMD, KBC, OCB.

Ông Beat Schurch, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, quỹ ETF mới ra đời nằm trong chiến lược đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Lấy hình tượng “cá chép hoá rồng” tượng trưng cho sự bền bỉ, can đảm, cầu tiến để vượt Vũ Môn đi tới thành công – là cảm hứng mà tôi dùng để khắc hoạ nhóm công ty có nhiều tiềm năng trên thị trường đang sẵn sàng vượt sóng chuyển mình để trở thành các doanh nghiệp hàng đầu.

“Chúng tôi kỳ vọng, ETF DCVFMVNMIDCAP sẽ trở thành công cụ hữu hiệu nhất để nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư và vượt sóng chuyển mình cùng doanh nghiệp”, ông Beat Schurch chia sẻ trong buổi lễ.

Thống kê của DCVFM cho thấy, chỉ số VNMIDCAP ghi nhận mức tăng trưởng 71% trong năm 2021 (trong khi VN30 là 43%), 35% năm 2020 (trong khi VN30 là 22%). Nhóm các doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc VNMIDCAP index cũng có tiềm năng tăng trưởng EPS tốt, đạt 34% năm 2021 (nhóm VN30 đạt 8%).

Tại thời điểm tháng 4/2022, nhóm midcap chiếm 18% vốn hoá thị trường, 20% lợi nhuận và 20% doanh thu, nhưng lại chiếm đến 42% thanh khoản giao dịch trên thị trường và là nhóm cổ phiếu được quan tâm nhất trên HOSE.

Điều này thể hiện nhu cầu tham gia đầu tư vào nhóm midcap là lớn, nhưng thiếu công cụ để nhà đầu tư sử dụng để xây dựng danh mục, chủ yếu là đầu tư trực tiếp nên cũng chịu rủi ro từ sự rung lắc của thị trường và quản trị rủi ro danh mục gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch DCVFM cho biết, khi xây dựng 1 quỹ ETF, thì DCVFM cùng các đối tác, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh đã phải chuẩn bị cả năm, và sản phẩm xây dựng không dựa trên xu hướng thị trường lên hay xuống, mà tập trung nhu cầu của nhà đầu tư.

Phần lớn các sản phẩm ETF chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đầu tư vào Việt Nam (chiếm tỷ trọng 90 - 95%), như các sản phẩm hiện nay do DCVFM đang quản lý dựa trên chỉ số VN30, VNDiamond. Sau khi nghiên cứu kỹ để đưa ra sản phẩm ETF dành cho thị trường nội địa, DCVFM kỳ vọng tỷ lệ thay đổi.

Trên thực tế, quỹ ETF midcap mô phỏng rổ cổ phiếu midcap gồm 70 cổ phiếu quy mô tầm trung nhưng rất tốt, là những “cá chép hoá rồng” trong tương lai. Nếu nhà đầu tư không chuyên, muốn tham gia và đi lâu dài cùng thị trường, nên bắt đầu bằng những cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai, theo ông Tân.

Thị trường chứng khoán đang khá bi quan và điều chỉnh mạnh, với kinh nghiệm làm việc trên thị trường tài chính 30 năm, trên thị trường chứng khoán 20 năm, thì ông Tân cảm thấy đã khá quen thuộc, cái gì lên thì xuống và ngược lại.

Nhìn lại các cuộc khủng hoảng từ khi thị trường chứng khoán ra đời tới nay, như khủng hoảng 1929 tại Mỹ, khủng hoảng 1970, khủng hoảng tại châu Á bắt đầu từ Thái Lan 1997, hay cuộc khủng hoảng 2007 tại Mỹ…, mỗi cuộc khủng hoảng đều từ các nguyên nhân khác nhau, dịch bệnh, cung cầu, chiến tranh…, còn vấn đề hiện nay là đang chịu tác động của tất cả các nguyên nhân này: đại dịch Covid, xung đột Nga – Ukraine, các ngân hàng trung ương bơm tiền, lạm phát…, nhưng đây như là đợt tái cấu trúc lại thị trường.

“Ta phải nhìn nhận đây là thời kì khó khăn, nhưng cũng sẽ có cơ hội phía trước, bình tĩnh để chọn lựa trên thị trường, nếu không có khả năng chọn lựa thì có thể chọn 1 rổ cổ phiếu thông qua ETF. Mất tiền thì ai cũng buồn, nhưng đừng quá bi quan”, ông Tân chia sẻ.

Fed tăng lãi suất, nên dòng tiền nước ngoài trên toàn thế giới (gồm cả Việt Nam) có xu hướng rút về Mỹ là có, những thị trường đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Việt Nam đang nổi lên như là điểm sáng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn. Dòng tiền nào cũng luôn muốn tìm kiếm cơ hội để tiền đẻ ra tiền, nên thị trường nào thực sự tốt, tiềm năng thì cũng khó mà rút đi.

Tin bài liên quan