Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình

(ĐTCK) Cuối ngày xét xử thứ 2, các luật sư đã tham gia vào phần tranh luận, và trước đó là 2 án tử hình được đề nghị.

Vào giữa buổi chiều nay (13/12), Viện Kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo, trong đó có 2 án tử hình dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. 16h chiều, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm chuyển sang phần tranh luận, các luật sư đưa thêm chứng cứ và lập luận để đề nghị Hội đồng xét xử làm nhẹ tội danh Cố ý làm trái và bỏ tội danh Tham ô tài sản của Dương Chí Dũng .

Về tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, luật sư Trần Đình Triển đã đưa ra hai văn bản, và cho rằng Tổng công ty Hàng hải được xem xét quyết định mua ụ nổi và áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu cho các hạng mục như thiết kế bản vẽ, thi công, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng… đối với nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines.

Các luật sư đã tập trung các căn cứ xác định xem ụ nổi là cái gì? là tàu biển hay là một phương tiện của nhà máy?

Luật sư Trần Đình Triển chỉ ra từ lời khai của cơ quan chức năng, chuyên gia (ông Trần Văn Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) và luật hàng hải, luật quốc tế, công ước quốc tế đều khẳng định tàu biển là phải di chuyển.

Trong khi ụ nổi không thể tự di chuyển mà phải lai dắt mà là phương tiện của nhà máy đó theo đúng pháp lệnh đo lường và tiêu chuẩn. Trong khi đó, cáo trạng nhận định ụ nổi là tàu rồi cho rằng bị cáo Dũng cố tình làm trái.

Luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng: việc này có sai sót nhưng không phải Cố ý làm trái mà là Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dương Chí Dũng thiếu kiểm tra kiểm soát dẫn đến hậu quả. Có ý kiến chỉ đạo, xin phép cấp trên nhưng do không xem xét kỹ dẫn đến mua phải hàng cũ, hàng hỏng.

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 1

Dương Chí Dũng tại tòa

Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng cơ quan điều tra đã không phân định rạch ròi trách nhiệm giữa Chủ tịch và HĐQT và các thành viên HĐQT cũng như trách nhiệm giữa Tổng giám đốc và các thành viên khác trong công ty dẫn đến việc quy trách nhiệm không khách quan.

Về tội tham ô 10 tỷ đồng như xác định của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nêu, các luật sư bảo vệ cho bị cáo Dũng cũng tập trung phân tích những yếu tố cho thấy lời khai của Trần Hải Sơn ‘có vấn đề’ . Sơn khai Ông Goh có thỏa thuận với Dũng, Phúc việc ăn chia nhưng bằng chứng thỏa thuận đâu ? Chuyển tiền mục đích gì?

Trong phần thẩm vấn ông Sơn khẳng định không bao giờ giao dịch với ông Goh, khi tiếp nhận ụ nổi thì mới có giao dịch theo chỉ đạo của bị cáo Dũng nhưng có 2 văn bản cho thấy ông Sơn có giao dịch với ông Goh. "Vậy lời khai của Sơn có đáng tin?", luật sư Triển đặt câu hỏi.

Về phía mình, luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố không đủ căn cứ buộc tội Tham ô với Dương Chí Dũng và đề nghị xem xét khoan hồng với tội Cố ý làm trái.

Ngày mai 14/12 phiên tòa xét xử sẽ tiếp tục

>> Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

>> Sắp xét xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng

Đề nghị mức án tử hình với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Trước đó vào 15h chiều nay (13/12), đại điện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội thực hiện quyền công tố và kiểm sát phiên tòa đã đọc lời buộc tội với các bị cáo và đề nghị mức án cụ thể.

Các mức án được Viện Kiểm sát đề nghị cụ thể như sau:

1. Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải) 20 năm tù giam tội Cố ý làm trái vai trò cầm đầu và Tử hình cho tội Tham ô vai trò cầm đầu.

2. Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) 20 năm tội Cố ý làm trái tội vai trò cầm đầu và Tử hình tội Tham ô.

3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) 9 – 10 năm tội Cố ý làm trái vai trò đồng phạm giúp sức và 19 - 20 năm tù tội Tham ô, tổng hợp hình phạt là 28 – 30 năm tù.

4. Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines) 9 - 10 năm tội Cố ý làm trái vai trò đồng phạm, giúp sức và 13 – 14 năm tội Tham ô, tổng hợp là 22 - 24 năm tù.

5. Bùi Thị Bích Loan (nguyên Kế toán trưởng Vinalines) 6 - 8 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức.

6. Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinalines) 8 – 10 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức

7. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6 - Cục đăng kiểm Việt Nam) 6 - 8 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan) 6 – 8 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức

9. Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 6 – 8 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức

10. Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ chi cục hải quan Vân Phong) 6 – 8 năm tù tội Cố ý làm trái, vai trò đồng phạm, giúp sức

 Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 2

Các bị cáo sẽ phải nhận một bản án nghiêm khắc

Theo đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội mặc dù trong quá trình diễn ra phiên tòa các bị cáo chỉ thừa nhận một phần các hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ tài liệu trong vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.

Vinalines thành lập theo Quyết định 250/1995/QĐ-TTg có điều lệ được Chính phủ phê duyệt, có vốn điều lệ 8.087 tỷ đồng, HĐQT là cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu sự quản lý cơ quan quản lý và các cấp theo pháp luật, kinh doanh vận tải đường biển, sửa chữa tàu biển…

Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT từ tháng 1/2007, Mai Văn Phúc làm Tổng giám đốc từ 4/2007. Trong quá trình quản lý điều hành hoạt động, hai bị cáo đã có hành vi phạm vào tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.

Cụ thể, khi việc mua ụ nổi 83M chưa bổ sung vào quy hoạch chưa được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn phê duyệt dự án.

Trong quá trình mua ụ nổi 83M, Dũng đã chỉ đạo cấp dưới nâng giá ụ nổi từ 5 triệu USD lên 9 triệu USD và mua qua Công ty AP thay vì mua trực tiếp từ chủ sở hữu (bán với giá 2,3 triệu USD) để tham ô 1,666 tỷ USD. Dũng đã được nhận 10 tỷ đồng, Phúc nhận 10 tỷ đồng, Chiều nhận 340 triệu đồng, phần còn lại Sơn lấy.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng.

 

Bộ Giao thông chỉ quản lý chuyên ngành đối với Vinalines!

Trong phần trả lời thẩm vấn, Phó Chánh thanh tra Trịnh Viết Lộc, đại diện Bộ Giao thông Vận tải tham dự phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng cho biết Bộ Giao thông Vận tải chỉ trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành, Vinalines giai đoạn đó là Tổng công ty 91 nằm trong danh mục do Chính phủ trực tiếp quản lý, theo quy định pháp luật.

“Vai trò thanh kiểm tra tập đoàn này thuộc về Thanh tra Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải không được vào thanh tra vì không có thẩm quyền”, ông Trịnh Viết Lộc nói.

Hội đồng xét xử: Thế có được quyền quản lý giám sát không?

Ông Trịnh Viết Lộc: Về quản lý giám sát thì có các vụ chức năng chuyên ngành. Giám sát theo luật định chứ không phải trực tiếp.

Hội đồng xét xử: Theo luật định là thế nào?

Ông Trịnh Viết Lộc: Luật định là quản lý Nhà nước thôi. Ví dụ quy định ụ nổi chẳng hạn, không thuộc thẩm quyền xét duyệt của Bộ.

Hội đồng xét xử: Vì sao không thuộc thẩm quyền của Bộ?

Ông Trịnh Viết Lộc: Vì theo luật định, theo điều lệ, quy định về Tổng công ty 91 thì ụ nổi Bộ không có thẩm quyền gì hoàn toàn do HĐQT quyết định, hoàn toàn người ta quyết định.

Hội đồng xét xử: Điều 17 Điều lệ Vinalines có quy định là Bộ GTVT thực hiện một số quyền của chủ sở hữu Nhà nước tại Vinalines như tham gia kiểm tra giám sát…?

Ông Trịnh Viết Lộc: Nhưng giám sát theo quy định cụ thể, ụ nổi này thẩm quyền của HĐQT

Cụ thể hơn, ông Trịnh Viết Lộc chỉ ra với tàu biển dưới 1.000 tỷ đồng thì thẩm quyền quyết định không thuộc Bộ. Dự án này khoảng 500 tỷ đồng nên không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lưu ý vị đại diện của Bộ Giao thông Vận tải: “Trong điều lệ của Vinalines đã nói rõ rồi, người ta xây dựng điều lệ là để thực hiện và đã được phê duyệt trên cơ sở quy định pháp luật. Chưa nói đến văn bản quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải, không đổ cho cái gì cả”

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 3

Bộ Giao thông Vận tải từ chối trách nhiệm quản lý Vinalines?

Hội đồng xét xử: Qua sự việc này, Bộ có rút ra gì không?

Ông Trịnh Viết Lộc: Bộ Giao thông Vận tải có kiểm điểm sau kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Vinalines trong đó có ụ nổi.

Hội đồng xét xử: Kiểm điểm ai và về cái gì?

Ông Trịnh Viết Lộc: Trước hết là về các vụ chức năng ví dụ Vụ Kế hoạch chậm cập nhật quy hoạch 3 nhà máy sửa chữa tàu biển của Vinalines, đã kiểm điểm và xử lý. Vụ Vận tải, Vụ Tài chính… đều có kiểm điểm về nội dung quản lý Nhà nước ở Vinalines.

>> Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

>> Sắp xét xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng

Các bà vợ đề nghị về nguồn tiền, tài sản

Trước đó vào sáng nay, khi bắt đầu phiên Tòa, các phóng viên đã chuẩn bị tinh thần cho một ngày tác nghiệp đầy vất vả chỉ với sổ tay và bút. Nhưng khi đến bàn an ninh để gửi đồ, thì các phóng viên đầy ngạc nhiên và sau đó thở phào nhẹ nhõm khi các thiết bị thân quen như máy tính xách tay, điện thoại, ghi âm…đã được sử dụng, không như ngày thứ nhất phiên tòa. Bộ phận nan ninh đã cho phép phóng viên mang các thiết bị này vào.

Phiên tòa sáng nay dành phần lớn thời gian cho phần thẩm vấn các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bao gồm Vinalines, Citibank, Bộ Tài chính, Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải.

Một số cá nhân khác cũng được Tòa thẩm vấn như ông Trần Văn Thọ, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bà Trần Thị Hải Hà, bà Trần Thị Hải Huyền, các em gái bị cáo Sơn; bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) và bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc)…

Phần trình bày của vợ các cựu quan chức chủ yếu liên quan tới tài sản và nguồn gốc số tiền không nhỏ của gia đình.

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 4

Về ngôi nhà bị kê biên ở Nguyên Hồng, vợ bị cáo Dương Chí Dũng, bà Phạm Thị Mai Phương cho biết, ngôi nhà mua từ năm 2002, có tiền của mẹ đẻ, mẹ chồng cho mượn và tiền của hai vợ chồng bà.

“Về việc kê biên, cơ quan công an bảo làm như thế nào thì tôi làm thế, tôi chỉ là người dân thôi”, bà Phương nói.

Hội đồng xét xử: Có trình bày gì không?

Bà Phạm Thị Mai Phương: Chồng tôi đối diện án tử hình, anh Sơn nói là mang tiền đến nhà mẹ đẻ tôi là không đúng, không có, vì khi đó, con gái tôi sinh, ở nhà mẹ đẻ tôi, nhà có 24 m2, phòng khách vừa là chỗ mẹ tôi ngủ, có cả người giúp việc, cả con gái tôi ở đó, khi đó lại là giờ ăn cơm buổi tối thì không có lý gì bảo là không có ai. Khẳng định là không có đưa tiền.

Hội đồng xét xử: Còn gì nữa không?  

Bà Phạm Thị Mai Phương: Số tiền chồng tôi nói là mua 2 nhà cho cô Thảo là tiền của tôi. Tôi cầm tiền của anh Vũ Tiến Sơn để đầu tư bất động sản cuối 2010, đầu 2011. Chưa làm thủ tục được mà cứ đưa cho tôi nên tôi cầm. Chồng tôi bảo anh có việc đưa cho anh thì tôi đưa. Không nói để làm gì.

Hội đồng xét xử: Có đề nghị gì?

Bà Phạm Thị Mai Phương: Đề nghị Tòa xét xử đúng người đúng tội, tránh oan sai như anh Nguyễn Thanh Chấn

Bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Mai Văn Phúc khi được Tòa hỏi đến đã bật khóc và cho biết, ngôi nhà ở Hạ Long bị kê biên là ngôi nhà vợ chồng bà mua từ năm 1983.

“Tiền là vợ chồng tôi đổi cái tủ lạnh, đây là công sức của tôi. Tôi ở cho đến ngày chuyển lên Hà Nội. Đây là ngôi nhà duy nhất để thờ tổ tiên”, bà Vân ngậm ngùi.

Hội đồng xét xử: Có đề nghị gì không?

Bà Ngô Thị Vân: Tôi đề nghị Tòa làm đúng theo pháp luật, tôi muốn giữ lại để thờ tổ nghiệp. Anh Sơn khai mang tiền lên nhà tôi, nhưng là người vợ thì tôi chẳng nhìn thấy đồng tiền nào đâu. Thưa tòa khoản tiền 5 tỷ đồng là số tiền quá lớn mà anh Sơn bảo là mang đến nhà tôi. Đề nghị minh oan cho chồng tôi.

Hội đồng xét xử: Bà không nhìn thấy không có nghĩa là không có chuyện đưa tiền.

Bà Đặng Ánh Hồng, vợ bị cáo Trần Hải Sơn khai, đã khắc phục 500 triệu đồng và nộp thêm 1,5 tỷ đồng, lấy tiền của gia đình, tự nguyện. “Nghĩa vụ người vợ thì tôi tự nguyện, chứ anh Sơn chưa nhờ gì tôi và gia đình”, bà Hồng nói. 

 

Cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Văn Thọ:

 

Tôi chưa bao giờ coi ụ nổi là tàu biển, tàu là để đi lại trên biển, còn ụ nổi là để nâng hàng và khi di chuyển là phải kéo đi. Phải đào hố sâu, neo kỹ ở chỗ sâu, chỉ có hơm nước lên và hạ xuống ở vị trí đó, sử dụng trong sông còn phải đào hố, neo chặt.

Bà Đặng Thị Yến, vợ bị cáo Trần Hữu Chiều khai, đã nộp 340 triệu đồng khắc phục hậu quả. “Bố mẹ đẻ cho tôi vay, chồng tôi như thế thì tôi nộp để chồng tôi nhẹ đi tí nào hay tí đó thôi ạ”.

Bà Trần Thị Hải Hà, em gái bị cáo Trần Hải Sơn khai, khoảng 2009 anh trai cho 2 tỷ đồng, vì trong quan hệ anh em tôi cho nhau 2 - 3 tỷ đồng là chuyện bình thường, lúc cần thì cho nhau. Trước đây tôi cũng cho anh tôi như vậy, chuyện bình thường. Anh tôi cho tôi thì tôi nhận.

Bà Hà cũng khai, không biết khoản tiền này là tiền gì, Công ty Phú Hà và Công ty AP không có liên doanh, không liên quan đến dự án ụ nổi, có phiếu chi Phú Hà chuyển tiền cho Công ty AP là do anh tôi bảo ký giùm, tôi tin tưởng nên cứ ký, không biết là việc gì. Việc lập Công ty Phú Hà hoàn toàn tách biệt với việc mua ụ nổi của Vinalines.

Trong buổi sáng nay, đại diện Viện KSND TP Hà Nội và các luật sư cũng đã tham gia thẩm vấn các bị cáo và người liên quan.

Chiều nay, phiên xử tiếp tục với phần thẩm vấn của kiểm sát viên và luật sư.

>> Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

>> Sắp xét xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng

Đại diện Vinalines: không nhớ chính xác số liệu nào!

Trước đó, cũng trong phiên xử sáng nay, Hội đồng xét xử đã thẩm vấn các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện cho nguyên đơn dân sự Vinalines tham dự phiên tòa, ông Lê Triêu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines đã trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử.

Ông Thanh cho biết, hiện ụ nổi đang giữ ở khu vực cảng Gò Dầu, đang neo đậu, thuê địa điểm neo đậu và đã bàn giao cho Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Nhà máy thuộc công ty có 2 thành viên là Vinalines và một đơn vị khác thành lập, nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt chính thức.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề hội đồng xét xử đặt ra, ông Thanh đã không thể trả lời, hoặc trả lời rằng không nhớ rõ đối với một số câu hỏi, thậm chí, hội đồng xét xử phải giải thích cho vị đại diện này về nghĩa vụ trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước.

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 5

Hội đồng xét xử: Chi phí hàng tháng cho ụ nổi là bao nhiêu?

Ông Lê Triêu Thanh: Chi phí thì có nhiều chi phí như bảo vệ trông coi, bảo vệ an toàn… nhưng tôi chưa nắm cụ thể.

Hội đồng xét xử: Khoảng bao nhiêu?

Ông Lê Triêu Thanh: Khoảng 1 tỷ đồng/tháng.

Hội đồng xét xử: Từ thời điểm ụ về Việt Nam đến nay, tính lên là bao nhiêu rồi?

Ông Lê Triêu Thanh: Cụ thể không nhớ chính xác.

Hội đồng xét xử: Ngoài 9 triệu USD, còn chi phí khác như sửa chữa… vậy hết bao nhiêu rồi?

Ông Lê Triêu Thanh: Tôi không có số liệu ngay ở đây.

Hội đồng xét xử: Không nhớ hay không biết?

Ông Lê Triêu Thanh: Tôi không nhớ chính xác.

Hội đồng xét xử:Với thiệt hại đó, Tổng công ty có đề nghị gì không?

Ông Lê Triêu Thanh: Chúng tôi sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa.

Hội đồng xét xử: Tòa hỏi công ty có đề nghị gì không? Tòa giải thích, ông là đại diện cho Vinalines, là đơn vị sử dụng ngân sách. Ông đang đại diện để bảo vệ tài sản nhà nước và trong trường hợp này, ông và các bị cáo không được thỏa thuận gì hết, thiệt hại bao nhiêu bị cáo phải hoàn trả. Ông phải đề nghị bị cáo bồi thường để thu hồi tài sản nhà nước.

Ông Lê Triêu Thanh: Thì chúng tôi đang chờ kết quả xử.

Hội đồng xét xử: Tóm lại ông có đề nghị gì không? Trách nhiệm của Tổng công ty là phải bảo vệ tài sản nhà nước sao có thể phó mặc Tòa giải quyết phải có đề nghị chính thức chứ?

Ông Lê Triêu Thanh: Khi làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi đã có văn bản hết rồi.

Vị đại diện của Vinalines cũng cho biết, với ụ nổi, công ty thành viên đang quản lý đã báo cáo Tổng công ty và đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình trạng, phương án, nhưng phương án sửa chữa khai thác không còn khả thi.

Hiện Vinalines đang đề nghị được phép thanh lý, tuy nhiên do đây là tang vật của vụ án nên cơ quan điều tra chưa cho phép xử lý.

>> Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

>> Sắp xét xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng

Ngày thứ 2 xét xử: đề nghị mức án

Hôm nay (13/12), sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện cơ quan công tố sẽ đọc lời buộc tội và đề nghị mức án cụ thể cho các bị cáo.

Tiếp tục nội dụng thẩm vấn ngày hôm qua, hội đồng xét xử tiếp tục hỏi bị cáo Dũng và bị cáo Phúc, bị cáo Trần Hữu Chiều, bị cáo Trần Hải Sơn để làm rõ hành vi tham ô.

Cáo trạng buộc tội các bị cáo này đã làm sai các quy định quản lý về kinh tế của Nhà nước, gửi giá khi mua ụ nổi 83M để tư lợi 1,666 triệu USD chia nhau.

Bị cáo Sơn là người đứng ra nhận tiền lại quả, sau đó đưa cho bị cáo Dũng 10 tỷ đồng, bị cáo Phúc 10 tỷ đồng, bị cáo Chiều 340 triệu đồng và số còn lại bị cáo Sơn sử dụng chi tiêu cho cá nhân.

Khi bị thẩm vấn về hành vi tham ô, bị cáo Dũng đã phủ nhận không có việc nhận 10 tỷ đồng, cũng như việc chỉ đạo cấp dưới mua bán ụ nổi để hưởng lợi.

Ngày thứ 2 xét xử vụ Dương Chí Dũng: thêm tình tiết và 2 án tử hình ảnh 6

Dương Chí Dũng bị báo buộc chỉ đạo mua "đồng nát" ụ nổi 83M để tham ô 28 tỷ đồng

Các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều khi bị thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái các quy định quản lý của Nhà nước thừa nhận có phần trách nhiệm khi đã mua về một ụ nổi sản xuất từ năm 1965 và không hoạt động được. Nhưng các bị cáo khai rằng, do nhận thức hiểu biết hạn chế và làm theo quy trình, tin tưởng vào anh em cấp dưới… chứ không phải do cố tình làm trái.

Trước đó, trong cáo trạng cơ quan công tố đã truy tố bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Xuân Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội danh “tham ô tài sản” theo Khoản 4, Điều 278 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt tù 20 năm đến chung thân, tử hình và tội “Cố ý làm trái...” theo Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự khung hình phạt 10 - 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng 6 bị can còn lại.

Nhận thấy bị cáo Dũng, Phúc phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra không ăn năn hối cải, khai báo quanh co, chối tội, do vậy cơ quan công tố đề nghị hội đồng xét xử xem xét tăng nặng hình phạt. Các bị cáo còn lại đều được đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Xem các diễn biến liên quan tới phiên Tòa:

>> Ngày đầu xét xử Dương Chí Dũng: chối tội, chạy trốn, và xấu hổ

>> Hành trình ly kỳ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

>> Dương Chí Dũng "đổi" 113 tỷ đồng lấy 28 tỷ đồng

>> Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ nhà bồ Dương Chí Dũng

>> Cựu Chủ tịch Vinalines tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho "bồ nhí"

>> Sắp xét xử bầu Kiên, Dương Chí Dũng