Nghỉ ngơi khi thị trường “giông bão”

Nghỉ ngơi khi thị trường “giông bão”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong giai đoạn thị trường còn nhiều yếu tố khó đoán, VN-Index chưa cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực, nhà đầu tư đang trăn trở giữa hai luồng suy nghĩ: Đứng ngoài quan sát đợi “sóng yên biển lặng” hay tranh thủ gom hàng giá rẻ.

Tại Talkshow Chọn danh mục chủ đề “Tồn tại qua giông bão” chiều ngày 12/5 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Maybank Investment Bank đánh giá, trong giai đoạn thị trường giảm điểm, cũng có những nhóm ngành đi ngược xu hướng như hàng hóa thiết yếu, dầu khí. Nhưng rõ ràng, số lượng mã giảm vẫn áp đảo mã tăng. Nên việc chọn được cổ phiếu với tỷ lệ mã tăng ngược xu hướng sẽ khó hơn bình thường.

Chỉ những nhà đầu tư có kỹ năng phân tích tốt, bắt đáy tốt, kiểm soát rủi ro và kiểm soát lòng tham mới có khả năng tìm được cơ hội trong đó. Nếu nhà đầu tư chưa tích lũy vốn kinh nghiệm đủ dày dặn, ông Khánh khuyên rằng không nên bắt đáy trong xu hướng hiện tại mà nên nghỉ ngơi tránh bão.

“Với nhà đầu tư cá nhân đã quen tay bấm chuột giao dịch hàng ngày, việc mua bán theo ngày có thể giúp họ kiếm ít xu lẻ trong thời gian thị trường giảm, nhưng họ cũng có thể phải trả một cái giá rất đắt”, ông Khánh nhận định.

Thực tế, vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008, các tỷ phú lão làng trên thế giới như Bill Gates, Warren Buffett đều không tránh được việc mất tiền. Tuy nhiên, tỷ phú đầu tư John Paulson lại có tỷ lệ kiếm lời khủng, danh mục quản lý quỹ của ông đã tăng từ 7 tỷ USD lên 21 tỷ USD và ông được hưởng mức lương 3,7 tỷ USD vào giai đoạn đó.

Tỷ phú này cho biết, khi cơn bão ập đến, những nhà đầu tư khác giống như được trang bị vũ khí, áo giáp nên tự tin đưa đầu ra đỡ, còn ông chỉ đơn giản là bước sang một bên để tránh bão. Khi cơn bão qua đi và lực yếu lại, ông bắt đầu bước ra và gom cổ phiếu. Vậy nên, khi lực quét quá mạnh như hiện nay, nhà đầu tư nên tạm thời dừng thói quen bắt đáy, đợi cơn bão yếu dần rồi hành động.

Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, CFA Charter Holder cũng có quan điểm rằng, rất khó kiếm tiền trong lúc này. Ngay cả Passion Investment cũng lựa chọn chiến lược đứng ngoài thị trường, hoặc nếu tham gia cũng chỉ mua rất ít để tránh rủi ro.

Trong quá khứ, năm 2018, khi thị trường giảm 30%, Passion Investment cũng rơi vào trạng thái “full” cổ phiếu. Đến năm 2020, khi Covid-19 xảy ra, với kinh nghiệm từ trước, Công ty dự cảm rủi ro sẽ xảy ra nên đã bán toàn bộ danh mục và trở về trạng thái 100% tiền mặt. Thời điểm đó, Passion Investment lỗ khoảng 9%.

Căn cứ vào thực tế, ông Trung cho biết, từ năm 2020, Passion Investment đã xây dựng hệ thống cảnh báo dựa trên kinh nghiệm và các yếu tố phân tích thị trường. Đầu năm 2022, lần duy nhất hệ thống cảnh báo cần đi ra khỏi thị trường, nên vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022, Passion Investment lựa chọn đứng ngoài quan sát.

Với kinh nghiệm hơn 22 năm, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ, ông đã phải "lên bờ xuống ruộng" rất nhiều, mà chủ yếu là xuống ruộng. Nguyên tắc của nhà đầu tư kỳ cựu này là phân tích dòng tiền. Sản phẩm tài chính cũng như thuyền và biển, có cơn sóng đỡ thuyền mới lên được và thuyền sẽ xuống khi sóng xuống. Ông Khánh không quan tâm cổ phiếu là nhóm cơ bản tốt, bluechip, penny hay đầu cơ, nhưng nó phải đi theo nguyên tắc có dòng tiền vào thì giá mới lên.

Với phương pháp này, ông Khánh cho rằng, nhiều khi chúng ta không thể bán được đúng đỉnh nhưng sẽ nhìn thấy dấu hiệu dòng tiền rút ra. Muốn kiếm được tiền trên thị trường tài chính, chúng ta phải đi theo thị trường thay vì chống lại nó. Vậy nên, ông Khánh đã đứng ngoài thị trường 4 tháng nay và tỷ lệ cổ phiếu dưới 5% danh mục.

“Tôi không yêu một ngành nghề hay cổ phiếu nào cả, tôi chỉ đơn giản là yêu tiền. Cổ phiếu nào có dấu hiệu dòng tiền đi vào lên giá thì tôi mua, còn cổ phiếu nào dòng tiền có dấu hiệu rút ra thì tôi sẽ bán. Mỗi người sẽ có một phương pháp, nhưng miễn là trên một bàn, người ta dùng thành quả để nói chuyện với nhau”, ông Khánh khẳng định.

Tin bài liên quan