Nghị trường ngày 26/10: Biển xe ô tô thế nào là đẹp? Cưỡng ép vợ, chồng đóng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo vệ đề xuất GDP năm 2023 tăng 6,5%; Quốc hội thảo luận tại tổ bàn về đấu giá biển xe ô tô, thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột; Chính phủ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự; Uỷ ban Các vấn đề xã hội báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình... là những nội dung chính của hoạt động Quốc hội ngày hôm nay.
Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Hôm nay (26/10), Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ bảy, bàn về hai dự thảo luật là Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và hai dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đây là lần đầu tiên vấn đề này được thể chế hoá, có liên quan đến nguồn thu, đáp ứng nhu cầu sử dụng biển số ô tô đẹp của một bộ phận người dân nên đã thu hút sự quan tâm của dư luận ngay từ khi Dự thảo được Chính phủ trình Quốc hội hôm 21/10.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Bàn về vấn đề này, đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận với tinh thần của dự thảo của Nghị quyết song còn băn khoăn biển ô tô thế nào là đẹp? Với một số người, số tứ quý, ngũ quý là đẹp, nhưng với người khác, số dễ nhớ hoắc trùng với ngày sinh, ngày kỷ niệm là đẹp. Ai sẽ quyết định tiêu chí "đẹp" này? Có nên bổ sung phụ lục danh mục số đẹp hay không? Mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng đề xuất hiện nay đã hợp lý chưa?...

Chi tiết được phản ánh trong bài "Băn khoăn giá khởi điểm đấu giá biển xe ô tô"

Đặc biệt, đại biểu Trần Sỹ Thanh, đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất dự thảo Nghị quyết nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ đã ấn nút ngẫu nhiên trước đây để sau này "dễ thực hiện". Ông Thanh cũng gây chú ý khi đề xuất nâng mức giá khởi điểm đấu giá biển số ô tô lên 100 triệu đồng áp dụng ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và mức 50 triệu đồng với các địa phương khác.

Khi thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đăk Lăk, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đề xuất của Chính phủ là còn quá thận trọng.

Cụ thể, theo ông Ngân, chính sách đặc thù đưa ra cho Buôn Ma Thuột còn quá khiêm tốn, cần có ưu đãi mạnh hơn để hút hút các nhà đầu tư, tăng giá trị hàng, nhất là nông sản.

Cũng nhận xét chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột "có vẻ thận trọng", Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nói: các chính sách đang đề xuất nói là đặc thù, nhưng chỉ vừa tầm với các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Còn những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột thì chưa nhiều, chưa có những đột phá về văn hóa, đất đai...

Chi tiết xem tại bài "Đề xuất ưu đãi cho Thành phố Buôn Ma Thuột "còn quá thận trọng".

Buổi chiều, phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đầu giờ chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Một số nội dung cơ bản được phản ánh trong bài "Áp dụng cách ly tập trung, giãn cách xã hội trong phòng thủ dân sự cấp độ 3".

Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Dự thảo Luật đưa ra 16 hành vi bạo lực gia đình trong đó có hành vi cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; cô lập, giam cầm thành viên gia đình tại chỗ ở hợp pháp; cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thuý Anh: Cưỡng ép vợ, chồng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình.
Đại biểu Nguyễn Thuý Anh: Cưỡng ép vợ, chồng góp tài chính quá khả năng là bạo lực gia đình.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; chính sách của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình; nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình; Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình; quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình...

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 26/10 đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Theo đó, về kế hoạch năm 2023 Bộ trưởng cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc xây dựng kịch bản năm 2023, nên có kịch bản tăng trưởng 6,2% đến 6,5% cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung

Tuy nhiên, Bộ trưởng giải thích, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga – Ucraina hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới, theo đó IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7/2022.

Nguyên nhân là lãi suất tăng đã làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Trong nước, bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022, thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Đó là, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào thị trường nước ngoài, nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.

"Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn như vậy, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng tốt như: chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá hiệu quả và chủ động, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát vẫn trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt...", Bộ trưởng nhận định.

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung, theo Bộ trưởng.

Ngày mai (27/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về:

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tin bài liên quan