Ảnh: ĐTCK

Ảnh: ĐTCK

"Người dân nên bình tĩnh để tránh những thiệt hại về kinh tế không đáng có"

Diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do mấy ngày gân đây có biến động rất lớn, nhiều người dân đổ xô đi mua USD để dự trữ, trong khi nguồn cung USD khan hiếm đã kiến cho tỷ giá USD/VND lại càng biến động mạnh hơn và đã vượt qua 17.000 đồng/USD. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do mấy ngày gần đây có biến động lớn, tỷ giá USD/VND lên đến 17.500 đ/USD, xin ông cho biết nguyên nhân?

 

Đúng là diễn biến tỷ giá VND so với USD trên thị trường tự do tăng mạnh trong ngày 27/5/2008. Nguyên nhân chính đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh là do nhu cầu mua USD từ một bộ phận dân cư. Tâm lý này bắt nguồn từ những thông tin không thuận lợi như: tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao trong tháng 5 vừa được công bố và chắc chắn có yếu tố đầu cơ.

 

Vậy về bản chất những biến động tỷ giá trên thị trường tự do có thực sự đáng quan ngại?

 

Việc tỷ giá VND so với USD trên thị trường tự do tăng mạnh cũng có những ảnh hưởng đến tâm lý của dân cư và doanh nghiệp, gây xáo trộn phần nào đến các hoạt động huy động vốn ngoại tệ và nội tệ. Tuy nhiên, quy mô của thị trường tự do so với thị trường chính thức là rất nhỏ, không thể gây nên những xáo trộn đối với hoạt động tài chính, tiền tệ và sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Biến động do tâm lý trên thị trường tự do như hiện nay không thực sự đáng lo ngại. Điều đáng lo ngại là ở chỗ, nguy cơ rủi ro thua thiệt của nhiều người dân lúc thì đổ xô đi bán USD khi tỷ giá thấp lúc thì đổ xô đi mua đẩy giá USD lên cao, cũng như những rủi ro mua phải ngoại tệ giả trên thị trường tự do không được Nhà nước kiểm soát.

 

Hiện tượng này phải chăng cũng đang phản ánh tương đối sát thực quan hệ về cung - cầu ngoại tệ ( đồng USD) của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

 

Thực tế, tỷ lệ lạm phát 5 tháng đầu năm 2008 vẫn ở mức cao và Chính phủ đang tập trung chỉ đạo gia tăng xuất khẩu, cắt giảm nhập khẩu một số loại hàng hóa chưa cần thiết. Tuy nhiên, có thể thấy chênh lệch cung - cầu về đồng ngoại tệ này không đến mức quá lớn và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước: mức thâm hụt cán cân thương mại sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm do các chính sách kiểm soát nhập khẩu, cắt giảm đầu tư công, dãn tiến độ các công trình xây dựng, các dự án chưa cần thiết..., đồng thời nhiều hàng hóa đã nhập “dự phòng” quá lớn trong những tháng đầu năm nên mức tăng nhập khẩu trong những tháng tiếp theo là không lớn; luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục chuyển vào Việt Nam, cũng như hoạt động đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán của khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục theo hướng tích cực (mua ròng trong suốt thời gian qua) cho thấy lượng vốn thu hút từ nước ngoài vẫn tăng lên là một nguồn bù đắp lớn cho thâm hụt cán cân thương mại, chưa kể lượng kiều hối tiếp tục chuyển về Việt Nam; nguồn thu từ du lịch, dịch vụ vẫn tiếp tục tăng mạnh.

 

Vậy chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới đi theo hướng nào?

 

Trước hết, tỷ giá hối đoái tiếp tục được điều hành theo hướng duy trì ổn định, mức biến động tỷ giá trong năm 2008 ở mức tăng, giảm 2% đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ để đảm bảo duy trì tỷ giá ở mức ổn định hợp lý, theo sát cung – cầu thực tế trên thị trường này, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng can thiệp để tỷ giá không có biến động lớn, gây xáo trộn hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp.

 

Ông có lời khuyên gì với những người dân đang đi mua ngoại tệ trên thị trường?

 

Theo tôi, mỗi người đều có những kỳ vọng riêng của mình, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi người là phải hết sức bình tĩnh tránh bị ảnh hưởng từ những thông tin không sát thực, dẫn đến những thiệt hại về kinh tế không đáng có.