Nguồn lực Việt nhìn từ con số doanh nghiệp hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
Kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới trong 1 tháng vừa được xác lập vào tháng 4/2022, với hơn 15.000 doanh nghiệp.
Nguồn lực Việt nhìn từ con số doanh nghiệp hồi sinh

Số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm cũng ở mức cao chưa từng có, gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

Cùng với các kỷ lục này là số vốn lớn được bổ sung vào nền kinh tế, số lớn lao động có việc làm, có thu nhập. Đặc biệt, hàng loạt doanh nghiệp du lịch, dịch vụ bắt đầu hoạt động trở lại, tìm kiếm cơ hội mới. Các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp diễn ra trong suốt tháng 4 khởi sắc với những kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới đầy tham vọng...

Sẽ không có gì để nói nhiều về kỷ lục này nếu như không có 2 năm dịch bệnh kéo dài, tác động tiêu cực hoặc hoàn toàn tiêu cực tới 92% trong hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2021 vừa công bố, khiến chỉ còn khoảng 34% doanh nghiệp dám nghĩ đến kế hoạch tăng quy mô kinh doanh (là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây).

Rõ ràng, năng lượng của khu vực doanh nghiệp, của người dân đang kích hoạt sự năng động của đời sống kinh tế, là động lực quan trọng để nền kinh tế tận dụng đà phục hồi nhanh và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Nhưng phải thẳng thắn, đây chỉ là những động thái tích cực đầu tiên và khá mong manh. Những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp nhắc tới không chỉ là xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; không chỉ là giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, giá vận tải thế giới tăng; chuỗi cung ứng lao động, giao thông vận tải bị đứt gãy ở một số nước. Đó còn là một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế, những vấn đề an ninh phi truyền thống và những diễn biến phức tạp mà các nhà hoạch định chính sách, giới phân tích kinh tế vĩ mô đề cập.

Các doanh nghiệp thì nói đến những gánh nặng tuân thủ khi thực hiện các giấy phép kinh doanh có điều kiện khiến khoảng 27% doanh nghiệp buộc phải từ bỏ kế hoạch đã định. Có tới 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí là bỏ qua dự định làm ăn chỉ vì phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai... Đặc biệt, dù có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chưa đến 8% doanh nghiệp được thụ hưởng...

Hiện khu vực doanh nghiệp nhà nước - được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu dẫn hướng phát triển của nền kinh tế, vẫn đang trong giai đoạn gỡ bỏ rào cản, tìm cơ chế hoạt động phù hợp. Có thể thấy, nguồn lực của nền kinh tế, cả vốn liếng, lẫn trí tuệ, nguồn nhân lực còn bị kìm hãm nhiều.

Sau thời gian chống chọi với Covid-19, Việt Nam và thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều khác biệt. Sự khác biệt căn bản này có thể hình dung bằng những thuật ngữ mang tính thời đại như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, là đổi mới, sáng tạo và hội nhập trình độ cao. Cũng có nghĩa, trình độ, cấu trúc và logic phát triển đang thay đổi rất nhiều so với với giai đoạn trước, mang đến cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, đang có những câu hỏi được giới chuyên gia kinh tế đặt ra vào thời điểm này.

Rằng, Việt Nam muốn ở đâu trong nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ? Rằng, Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình tăng trưởng nào? Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao kéo dài nhiều thập niên như Nhật Bản, Hàn Quốc nhiều năm trước hay như Trung Quốc gần đây? Và rằng, Việt Nam sẽ tận dụng những năm cuối của cơ cấu dân số vàng ra sao? Chúng ta cần làm gì để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025? Làm gì để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao?

Thực ra, đây không phải là những câu hỏi mới, nhưng bối cảnh thay đổi khiến nhiều câu trả lời trong quá khứ có thể không còn phù hợp. Để trả lời những câu hỏi trên, có lẽ đây là lúc, Nhà nước cần làm tròn hơn nữa vai trò kiến tạo, đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo lập hệ thống chính sách dẫn dắt định hướng phát triển, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tạo không gian cho từng thành phần trong nền kinh tế.

Khi thị trường tự do được vận hành đúng quy luật; khi quản lý nhà nước hiệu quả, hiệu lực, minh bạch và rõ trách nhiệm giải trình; khi những cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự được tuân thủ nghiêm, khi môi trường kinh doanh thực sự là bệ đỡ cho các kế hoạch đầu tư - kinh doanh, thì nguồn lực Việt sẽ bung nở.

Tin bài liên quan