Nhà báo, doanh nghiệp, doanh nhân - Những người lính xung kích

0:00 / 0:00
0:00
Trong các bức thư gửi Báo Đầu tư nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2021), nhiều lời tri ân đặc biệt được gửi tới những nhà báo - chiến sỹ cầm bút.
Chưa bao giờ, doanh nghiệp, doanh nhân hay những nhà báo tự nhận mình là những người lính đi đầu.

Chưa bao giờ, doanh nghiệp, doanh nhân hay những nhà báo tự nhận mình là những người lính đi đầu.

Không thể ngờ, Covid-19 khiến nhiều người vốn chỉ biết đến chiến tranh qua sách sử, qua phim ảnh lại dùng đến những thuật ngữ của thời chiến, về tiền tuyến, về hậu phương, về những chiến dịch và cả sự hy sinh.

Một doanh nghiệp viết: “Khi nhiều doanh nghiệp gần như bị bủa vây bởi dịch bệnh cũng là lúc nhiều phóng viên lăn xả tác nghiệp trên mọi mặt trận, xông pha ở vùng tâm dịch, đối mặt với rủi ro… bất kể ngày đêm. Họ muốn có được những thông tin chính xác nhất về dịch bệnh, về sự dấn thân của các lực lượng y tế, về những ảnh hưởng mà người dân, doanh nghiệp đang gánh chịu… để kịp thời chia sẻ với cộng đồng, phản ánh tới các cơ quan chính quyền các cấp nhằm nhanh chóng tìm ra những giải pháp phù hợp”.

Một doanh nghiệp khác viết: “Khi chia sẻ với Báo Đầu tư, tôi đã thực sự dốc hết gan ruột và tâm huyết. Tôi không ngại nói lên những khó khăn, vất vả của một CEO phải xoay thêm lĩnh vực khác, phải bươn chải, thậm chí đích thân đi đưa bia giữa trưa nắng gay gắt tháng Sáu. Tôi tin các bài viết thẳng thắn sẽ khiến xã hội thấu hiểu chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để không nhân viên nào phải nghỉ việc, để cùng chia sẻ”.

Nhiều doanh nghiệp đã gửi lời cảm ơn vì đã cùng với họ tìm kiếm các cơ sở, kiến nghị cơ chế đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn cung, để nhanh chóng có vắc-xin cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp tri ân vì cơ quan báo chí đã dũng cảm bảo vệ những ý tưởng kinh doanh mới, thúc đẩy tư duy “thời chiến”, yêu cầu “dám nghĩ, dám làm” với các cơ quan quản lý nhà nước để mở đường cho nhiều quyết sách “phi truyền thống”…

Nhưng tác giả những bức thư trên có thể không biết rằng, rất trùng lặp, cũng trong dịp này, nhiều phóng viên Báo Đầu tư đã dùng từ “người lính xung kích” để gọi những doanh nghiệp, doanh nhân đang chung tay cùng Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất trong các bài viết của mình.

Những người lính này đang cùng nhau giữ vững trận địa sản xuất - kinh doanh, giữ uy tín của doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, bạn hàng thế giới, với người lao động bằng những nỗ lực không giới hạn về sức lực, sức sáng tạo.

Cảm giác như chưa bao giờ, doanh nghiệp Việt Nam lại xoay chuyển nhanh như vậy. Chỉ cần thông tin có thể thiếu vật tư y tế phòng chống dịch, thì doanh nghiệp may ngay lập tức dọn chỗ cho máy sản xuất khẩu trang; doanh nghiệp cơ khí liên hệ với các viện nghiên cứu, nhập máy móc, công nghệ để đảm bảo có máy trợ thở, có kít xét nghiệm… Khi du lịch gặp khó, thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển đã lập tức liên kết, tạo các gói sản phẩm đặc biệt…

Ngay lúc này, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, điện tử, công nghệ… đã đi tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, điều mà chỉ vài tháng trước, họ chưa từng nghĩ đến.

Trong các khu công nghiệp, các phương án, kịch bản chuyển dịch dây chuyền, tổ chức lại sản xuất, lao động để đảm bảo dù có F0 thì vẫn không dừng sản xuất, đã được doanh nghiệp cập nhật liên tục, phù hợp với từng khu vực, địa bàn…

Đặc biệt, ngay cả khi Covid-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, sản phẩm mới. Nhiều doanh nghiệp đang nói về cơ hội khi các thị trường lớn như Mỹ, EU trở lại với những nhu cầu tiêu dùng bung ra sau hơn 1 năm bị kìm nén. Rất nhiều người lính xung kích đã sẵn sàng nguồn lực để chiếm lĩnh trận địa mới…

Tuy nhiên, có một điểm chung là chưa bao giờ, doanh nghiệp, doanh nhân hay những nhà báo tự nhận mình là những người lính đi đầu.

Đã có nhiều doanh nhân từ chối chia sẻ về những con số đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 dù con số thống kê là không nhỏ, vì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, của người dân Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động cộng đồng một cách thầm lặng, chỉ mong góp một viên gạch cho một Việt Nam hùng thịnh…

Có lẽ, phải nhắc đến chia sẻ của một doanh nhân từng trải qua chiến tranh, từng đối diện với vô vàn khó khăn của hành trình đổi mới kinh tế hơn 35 năm qua rằng, người Việt có tố chất đặc biệt: mỗi khi Tổ quốc cần, ai cũng sẵn sàng đi lên phía trước. Tố chất này đang phát huy trong mỗi con người, đang tạo nên sức mạnh cộng đồng.

Với trách nhiệm của mình, báo chí đang nỗ lực hết sức để lan tỏa sức mạnh ấy.

Tin bài liên quan