Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Nhà đầu tư phái sinh “oằn lưng” với các loại phí

(ĐTCK) Chia sẻ của một nhà đầu tư cho thấy, tài khoản phái sinh có số vốn đầu tư ban đầu 21,8 triệu đồng, tổng thuế và phí phải trả trong 1 năm qua là 7,63 triệu đồng, chiếm 35%, dù không thường xuyên giao dịch.

Tổng các loại thuế, phí đối với giao dịch chứng khoán phái sinh ở mức cao, cần được điều chỉnh giảm đã được nhiều thành viên “kêu” từ lâu.

Trong bối cảnh thị trường bị tác động mạnh bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn.

Chia sẻ trên trang cá nhân của giám đốc chi nhánh miền Bắc một công ty chứng khoán về tình hình tài khoản đầu tư phái sinh, với nguồn vốn 21,8 triệu đồng có nguồn gốc tiền mừng tuổi tích lũy của các con cho thấy, sau 1 năm đầu tư, tổng tiền phí mà công ty chứng khoán thu là 924.500 đồng (chiếm 4,24% vốn đầu tư).

Tổng tiền phí mà Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thu là 6 triệu đồng (chiếm 27,54% vốn đầu tư). Tổng tiền thuế và phí mà nhà đầu tư phải trả trong 1 năm là 7,63 triệu đồng, tương đương 35,6% vốn đầu tư,

May mắn là tài khoản này đầu tư có lãi, chứ như nhiều nhà đầu tư khác cho biết, chứng khoán phái sinh không dễ kiếm lời, nhiều khi đóng vị thế tại mức giá khi mở vị thế nhưng tổng kết lại vẫn thua lỗ không nhỏ vì thuế và phí ở mức cao.

Nhà đầu tư N.S.L cho biết, ngoài các loại phí giao dịch, nhà đầu tư còn phải nộp thuế 0,1%/giá trị giao dịch, một mức thuế cũng rất cao.

Nhà đầu tư này lấy ví dụ, tài khoản có 200 triệu đồng vốn, mỗi ngày "lướt sóng" 1 lần (mở vị thế 10 hợp đồng và đóng vị thế 10 hợp đồng), sau đó mở vị thế 10 hợp đồng và giữ vị thế qua đêm, lấy giá tham chiếu hợp đồng tương lai 836 điểm, thì các loại phí, thuế như sau:

Một là, phí giao dịch do công ty chứng khoán thu: 30 hợp đồng x 3.000 đồng = 90.000 đồng.

Hai là, phí giao dịch do HNX thu: 30 x 3.000 = 90.000 đồng.

Ba là, phí quản lý vị thế qua đêm do VSD thu: 10 x 3.000 = 30.000 đồng.

Bốn là, thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá trị giao dịch do Nhà nước thu: (30 x 836 x 100.000 x 13%/2 x 0,1%) = 188.100 đồng.

Năm là, phí quản lý tài sản do VSD thu hàng tháng: ít nhất 400.000 đồng/tháng.

Tổng tiền phí, thuế mà nhà đầu tư phải nộp mỗi tháng (22 phiên giao dịch) sẽ là: 400.000 + 22 x (90.000 + 90.000 + 30.000 + 188.100) = 9.158.200 đồng.

“Giả định mình trình độ trung bình, giá mua bán hòa nhau, nhưng mỗi tháng cũng mất 5% vốn”, nhà đầu tư trên nói và cho biết, thuế và phí giao dịch quá cao so với các nước.

Chẳng hạn, Hàn Quốc mở cửa thị trường phái sinh từ năm 1996, miễn thuế giao dịch cho tới năm 2016, sau đó mức thu chỉ là 0,001% trên giá trị giao dịch.

Hay tại Thái Lan, thuế giao dịch được miễn đối với nhà đầu tư cá nhân, riêng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chỉ bị đánh thuế trên thặng dư vốn.

Thị trường Đài Loan áp dụng thuế giao dịch, nhưng liên tục giảm dần, hiện mức thuế chỉ còn 0,002%. So sánh với các thị trường trên thì mức thu của Việt Nam đang gấp 50 - 100 lần.

Các loại phí, thuế đối với giao dịch chứng khoán phái sinh nên được điều chỉnh giảm để khuyến khích nhà đầu tư, nhất là khi so sánh mức “phí qua đêm” với đầu tư cổ phiếu.

Đặt giả định với số vốn 200 triệu đồng như trên, mua 1 mã cổ phiếu giá 20.000/cổ phiếu, số lượng mua được là 10.000 đơn vị, phí “lưu trữ qua đêm” cả tháng là: 0,3 đồng x 10.000  cổ phiếu = 3.000 đồng.

Trong khi đó, “phí qua đêm” trên thị trường phái sinh là 30.000 đồng x 30 ngày = 90.000 đồng. Như vậy, “phí qua đêm” trên thị trường phái sinh gấp 30 lần “phí qua đêm” tại thị trường cơ sở.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải trả cho VSD phí "giữ hộ tiền" (tiền ký quỹ để giao dịch) tối thiểu 400.000 đồng/tháng và tối đa 2.000.000 đồng/tháng.

Theo đó, nhà đầu tư đề xuất các mức thuế, phí giảm theo hướng: giao dịch hợp đồng tương lai VN30 là 500 đồng/hợp đồng/lượt giao dịch; phí qua đêm là 500 đồng/hợp đồng/tài khoản; miễn thuế, hoặc thu bằng khu vực là 0,001%; phí quản lý 0,001% giá trị lũy kế số dư tài khoản, tối thiểu 50.000 đồng/tháng, tối đa 200.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, cơ quan quản lý nên xem xét giảm các phí giao dịch phái sinh, đặc biệt là phí duy trì trạng thái tài sản.

Khi giao dịch phái sinh, nhà đầu tư đều phải ký quỹ tiền và gửi ở VSD, chi phí “lưu trữ” này không quá lớn, nhưng mức thu hiện tại quá cao, cần giảm để hỗ trợ nhà đầu tư.

Quan trọng hơn, đối với giao dịch phái sinh, hợp đồng tương lai là công cụ phòng ngừa rủi ro, tức nhà đầu tư nên duy trì trạng thái tài khoản, không nên khuyến khích nhà đầu tư mua bán liên tục và có tính chất đầu cơ.

Nhưng thực tế, nhà đầu tư thường không có xu hướng duy trì trạng thái tài khoản, mà tích cực giao dịch và rút tiền về để tránh bị thu phí nhiều.

Điều này vô hình trung không khuyến khích nhà đầu tư sử dụng công cụ hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro, một phần nào đó lại trở thành công cụ đầu cơ. Việc mua bán liên tục còn tiềm ẩn rủi ro cao hơn cho nhà đầu tư vì tỷ lệ đòn bẩy cao.

Tin bài liên quan