Ảnh hưởng của gói kích cầu thứ hai với TTCK sẽ không mạnh như gói kích cầu thứ nhất. Ảnh: ĐTCK.

Ảnh hưởng của gói kích cầu thứ hai với TTCK sẽ không mạnh như gói kích cầu thứ nhất. Ảnh: ĐTCK.

Nhận diện gói kích cầu thứ hai

(ĐTCK-online) Gói kích cầu thứ hai với một nội dung được bàn luận sôi nổi là chương trình bù lãi suất tín dụng đã được Chính phủ công bố trong phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua. Theo công bố, gói kích cầu thứ hai là giải pháp căn bản để Chính phủ thực hiện định hướng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010.

Gói kích cầu thứ hai bao gồm những nội dung cơ bản về tài khóa và tiền tệ. Về tài khóa, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển dựa vào củng cố nguồn thu; giãn nộp thuế thu nhập DN cho các thành phần kinh tế đến hết quý I/2010. Về tiền tệ, sẽ tiếp tục bù lãi suất tín dụng cho vốn vay trung và dài hạn phục vụ đầu tư máy móc thiết bị cho nền kinh tế nói chung và cho khu vực nông nghiệp nói riêng với các khoản vay giải ngân đến hết năm 2010; bù lãi suất cho vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực trong nền kinh tế đến hết quý I/2010 (sau đó tùy tình hình thực tế sẽ tiếp tục quyết định duy trì bù lãi suất hay không). Mức bù lãi suất tín dụng giảm xuống 2%/năm so với mức 4%/năm hiện tại với hầu hết các đối tượng và đối tượng bù lãi suất sẽ chọn lọc và bó gọn trong các ngành sử dụng nhiều lao động và hướng đến xuất khẩu.

Ngoài các nguồn vốn tiếp tục huy động trong năm 2010 cho gói kích cầu thứ hai, một số nguồn vốn trong gói kích cầu thứ nhất chưa sử dụng hết trong năm 2009 (ước tính mới nhất sau khi loại trừ các khoản chi ngân sách thường xuyên, tổng giá trị gói kích cầu thứ nhất là 122.000 tỷ VND (6,9 tỷ USD) và hết năm 2009 dự kiến thực hiện được khoảng 100.000 tỷ VND (5,7 tỷ USD). Với gói bù lãi suất tín dụng, ước tính trong năm 2009 sử dụng hết 10.000 tỷ VND và còn 8.000 tỷ VND có thể sử dụng cho hoạt động bù lãi suất trong năm 2010.

 

Đặc trưng của gói kích cầu thứ hai…

Thứ nhất, đây là gói kích thích kinh tế mang tính chuyển tiếp giữa thời kỳ suy giảm kinh tế và thời kỳ hồi phục với nhiều thách thức. Tính chuyển tiếp thể hiện ở khung thời gian áp dụng cho việc bù lãi suất được điều chỉnh linh hoạt và có tính chất tùy thuộc cao.

Thứ hai, mức độ hỗ trợ và kích thích kinh tế đã được điều chỉnh một cách phù hợp. So với gói kích cầu thứ nhất được công bố và triển khai từ tháng 2/2009, khi mà kinh tế thế giới chìm sâu trong suy thoái và kinh tế Việt Nam có những biểu hiện suy giảm trầm trọng với mức tăng trưởng 3,1% trong quý I, thì gói kích cầu thứ hai công bố vào cuối năm 2009 với quy mô được thu hẹp lại để thực hiện từ năm 2010 trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã thoát khỏi đáy suy thoái (như Mỹ, Nhật, EU), hoặc đã tăng trưởng ấn tượng trở lại (như Trung quốc, Úc) và kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan hơn với mức tăng trưởng quý III/2009 đạt 5,7% và quý IV/2009 ước khoảng 6,8%. Thu hẹp quy mô gói kích cầu thứ hai là bước đi hợp lý để DN dần dần tự phát huy nội lực trên con đường hồi phục. Rõ ràng, gói kích cầu thứ nhất đã tiếp sức đáng kể cho DN ổn định sức khỏe trong thời kỳ khó khăn nhất và gói kích cầu thứ hai chỉ làm chất xúc tác tập trung, giúp cho DN ở vị thế dễ tổn thương nhất của nền kinh tế có thể hồi phục vững chắc. Quan trọng hơn, việc điều chỉnh lại quy mô gói kích cầu, trong đó có gói bù lãi suất tín dụng, sẽ góp phần phòng tránh rủi ro lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán trong một môi trường nới lỏng về tiền tệ và tài khóa quá mức, tránh bóp méo thị trường tiền tệ, tín dụng trong thời gian quá dài và hướng nỗ lực của DN và Chính phủ vào tái cấu trúc hoạt động để tạo ra nền tảng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Thứ ba, gói kích cầu thứ hai cũng mang tính chất chính trị, xã hội cao trong bối cảnh hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2011, nên các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được ưu tiên ở mức cao.

 

…và tác động đến TTCK

Một cách tổng quan nhất, gói kích cầu thứ hai sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2010, đồng thời có tính đến việc hạn chế các mặt trái có thể phát sinh để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Điều này chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực đến thực tế cũng như kỳ vọng trong hoạt động của các DN niêm yết và TTCK.

Sự hỗ trợ hợp lý trong ngắn hạn và kích thích phát huy nội lực trong dài hạn sẽ được các DN xác định trong chiến lược kinh doanh trong năm 2010. Kỳ vọng được ổn định một cách tích cực là điểm nhấn quan trọng trong tác động của gói kích cầu thứ hai với hoạt động của các công ty niêm yết và TTCK. Song mức độ ảnh hưởng của gói kích cầu thứ hai chắc chắn sẽ có những điểm khác biệt so với gói kích cầu thứ nhất.

Xét một cách riêng rẽ, ảnh hưởng của nó với TTCK sẽ không mạnh như khi gói kích cầu thứ nhất được công bố và triển khai đúng vào vùng đáy của thị trường. Song nếu nhìn một cách toàn diện thì gói kích cầu thứ hai sẽ khiến các DN đẩy mạnh phát huy nội lực khi mà chiếc phao cứu sinh đã được thu lại phần nào, qua đó nỗ lực hơn để có thể đạt được các mục tiêu trung và dài hạn. DN và ngành nghề nào trong thời gian qua có sự chuẩn bị tốt nhất về tái cấu trúc hoạt động, huy động nội lực cho thời kỳ hậu suy giảm kinh tế và tận dụng được những hỗ trợ của Chính phủ một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, sẽ có sức bật tốt nhất trong thời gian tới.