Giới đầu tư thận trọng trở lại sau chuỗi tăng mạnh của thị trường trước đó - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư thận trọng trở lại sau chuỗi tăng mạnh của thị trường trước đó - Ảnh: Reuters

Nhận nhiều tin tốt, chứng khoán vẫn giảm

(ĐTCK) Dù nhận được nhiều thông tin kinh tế tích cực, nhưng chứng khoán không thể tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần khi giới đầu tư thận trọng, do thị trường đã có chuỗi tăng mạnh trước đó.
Doanh số bán nhà ở sẵn có trong tháng 5 của Mỹ có tốc độ tăng trưởng gấp lần dự kiến, trong khi dữ liệu sơ bộ về tình hình sản xuất trong tháng 6 cũng leo lên mức kỷ lục kể từ tháng 5/2010.

Một thông tin tích cực khác cũng được công bố là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 6 tăng lên mức cao nhất 4 năm 57,5.

Dù nhận được các thông tin kinh tế tích cực, nhưng Phố Wall không thể tăng điểm trong phiên đầu tuần do nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc mua vào khi thị trường đã có 6 phiên tăng liên tiếp trước đó và S&P 500, cũng như Dow Jones liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Sự thận trọng của giới đầu tư khiến Phố Wall đóng cửa phiên cuối tuần gần như không đổi, trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm nhẹ, thì Nasdaq cũng chỉ có được mức xanh nhạt.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones giảm 9,82 điểm (-0,06%), xuống 16.937,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,26 điểm (-0,01%), xuống 1.962,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,64 điểm (+0,01%), lên 4.368,68 điểm.

Trong khi dữ liệu kinh tế của Mỹ và châu Á khả quan, thì dữ liệu kinh tế khu vực đồng euro lại khá u ám. Chỉ số PMI trong tháng 6 của khu vực giảm xuống 52,8 từ mức 53,5 của tháng 5. Thông tin này khiến các chỉ số chứng khoán chính của khu vực châu Âu đều giảm điểm khá mạnh trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 24,6 điểm (-0,35%), xuống 6.800,6 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 66,32 điểm (-0,66%), xuống 9.920,92 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 25,77 điểm (-0,57%), xuống 4.515,57 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính sách cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cải cách lương hưu… để thúc đầy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới lấy lại đà tăng trưởng sau thấp kỷ lạm phát. Tuy nhiên, dường như thông tin này đã bị rò rỉ từ trước sau những lời phát biểu và bóng gió của các quan chức chính phủ, nên không còn mấy ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Chứng khoán Nhật Bản chỉ có được mức tăng nhẹ trong phiên đầu tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc giảm điểm, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh, bất chấp dữ liệu kinh tế khả quan. Chỉ số PMI của Trung Quốc do HSBC vừa công bố đã tăng lên mức 50,8 trong tháng 6 so với 49,4 trong tháng 5 và là lần đầu tiên chỉ số PMI của Trung Quốc lên trên mức 50, cho thấy sự phát triển trong sản xuất.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 19,86 điểm (+0,13%), lên 15.369,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 389,25 điểm (-1,68%), xuống 22.804,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,31 điểm (-0,11%), xuống 2.024,37 điểm.

Cuộc xung đột ở Iraq tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này lấy lại đà tăng sau 1 phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Tuy nhiên, do giá vàng đã có phiên tăng mạnh tuần trước, vượt qua cả ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.300 USD/ounce, thậm chí là leo lên trên cả 1.310 USD/ounce, nên trong 2 phiên gần đây, giá kim loại quý chỉ lình xình đi ngang trong biên độ hẹp, khoảng 6 USD/ounce trong phiên.

Kết thúc phiên 23/6, giá vàng giao ngay tăng 3,6 USD (+0,27%), lên 1.318,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,7 USD (+0,13%), lên 1.318,4 USD/ounce.

Giá dầu hạ nhiệt trở lại sau khi leo lên mức cao nhất 9 tháng trong tuần trước do lo ngại cuộc xung đột ở Iraq, ảnh hưởng đến nguồn cung.

Kết thúc phiên 23/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD (-0,62%), xuống 106,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-0,60%), xuống 114,12 USD/thùng.

Tin bài liên quan