Ban tổ chức trao cúp và chứng nhận cho đại diện 10 doanh nghiệp lọt Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Ban tổ chức trao cúp và chứng nhận cho đại diện 10 doanh nghiệp lọt Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Nhân sự - Bài toán khó trong thời khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cạnh tranh thu hút và giữ chân người tài đang là bài toán khó của doanh nghiệp trong bối cảnh mất cân đối cung - cầu cũng như người lao động có những đòi hỏi mới sau đại dịch Covid.

Cạnh tranh thu hút nhân tài khốc liệt hơn

Thông tin cắt giảm lao động với số lượng lớn ở một số doanh nghiệp do thiếu đơn hàng xuất khẩu xuất hiện thời gian gần đây dấy lên nỗi lo về thị trường lao động, việc làm. Tuy vậy, kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500) và Top 10 nơi làm việc tốt nhất các ngành năm 2022 lại cho thấy, 32,8% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng thị trường lao động đã phục hồi toàn diện và 26,3% doanh nghiệp cho rằng thị trường lao động đã có chuyển biến rất tích cực về cơ cấu và nhu cầu việc làm.

Số liệu của Viet Research cho thấy, ba vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh. Trong quý III/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255.200 người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của UBND TP.HCM và các đơn vị, quận, huyện tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh mới đây cũng cho thấy biến động cắt giảm lao động tại thị trường lao động lớn nhất cả nước không quá lớn.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động TP.HCM ghi nhận có khoảng 110.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm, số lao động bị cắt giảm khoảng 6.300 người. Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng tới 12.000 lao động trong năm 2023.

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất. Trong quý III/2022, số lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đạt yêu cầu là khoảng 511.000 người. Trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ là 372.000 người, chiếm tỷ trọng 72,8%; còn lao động có tay nghề là 139.000 người, chiếm 27,2%.

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Tạo dựng nơi làm việc tốt - Chìa khóa cho phát triển bền vững”, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty Viet Research tổ chức giữa tuần qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, nếu như trước đại dịch Covid, các yếu tố như chế độ đãi ngộ, các phúc lợi đi kèm luôn là điều kiện căn bản để người lao động cân nhắc thì giờ đây, bên cạnh các yếu tố này đã xuất hiện thêm nhiều đòi hỏi khác như nhà tuyển dụng có trách nhiệm xã hội, có triển vọng phát triển năng lực bản thân, môi trường làm việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc…

Bởi những lý do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút và giữ chân người lao động, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao đang tăng mạnh.

“Xu hướng cạnh tranh thu hút nhân tài đang diễn ra vô cùng khốc liệt ở cả tầm quốc gia và doanh nghiệp. Vài tháng gần đây, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia đã đưa ra những chính sách ưu đãi và thu hút người tài về nhà ở, thu nhập, thuế…”, ông Thành nhấn mạnh.

Chính sách nhân sự cần sự khác biệt

Tại tọa đàm “Tạo dựng nơi làm việc tốt - Chìa khóa cho phát triển bền vững”, lãnh đạo một số doanh nghiệp được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thú vị trong chính sách nhân sự.

Bà Nguyễn Trình Thùy Trang, Giám đốc Nội vụ Công ty cổ phần Xây dựng COTECCONS cho biết, Công ty đưa ra các tiêu chí tuyển dụng khắt khe, kỹ càng, vừa để đỡ tốn thời gian, công sức đào tạo lại người mới vừa để tỷ lệ đào thải lao động thấp, ổn định bộ máy. COTECCONS cũng sẵn sàng đào tạo thêm các ngành khác để nhân viên thử sức trên các lĩnh vực mới và để các kỹ sư xây dựng thấy rõ lộ trình thăng tiến trong công việc, từ đó tăng khả năng gắn bó với Công ty.

Bên cạnh đó, văn phòng được thiết kế theo hướng không gian mở, liên kết với nhau, để tăng tính gắn kết giữa các nhân viên ở văn phòng cũng như ở công trường với văn phòng. Ở COTECCONS, các nhân viên có cơ hội gặp và nói chuyện trực tiếp với Tổng giám đốc. Công ty hướng tới tạo ra được môi trường làm việc tự do, mọi người chia sẻ để cảm thấy mình là một phần trong đó.

Với quy mô nhân sự lớn, gồm hơn 20.000 công nhân và 2.400 nhân viên, COTECCONS đang tập trung chuyển đổi số, dựa vào dữ liệu để đánh giá chất lượng lao động. Điều này tạo ra sự công bằng hơn cho người lao động cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhân lực.

Ông Lê Bảo Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) chia sẻ kinh nghiệm khác về thu hút nhân tài. Theo đó, Công ty đã kết nối với các trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM để tuyển dụng kỹ sư, người làm công tác tài chính. Công ty cũng tài trợ học bổng cho những sinh viên tài năng đang học năm cuối tại Đại học Bách khoa và cam kết khi ra trường, những sinh viên này sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào Công ty.

Công tác nội bộ được quan tâm, các chính sách đãi ngộ, lương thưởng cũng khá tốt so với các đơn vị cùng ngành.

Theo ông Bảo Anh, dù sản lượng xây lắp năm 2022 không được như kỳ vọng, dự kiến đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch CC1 đặt ra ban đầu, nhưng đây là nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty trong một năm đầy khó khăn, do giá vật liệu xây dựng leo thang và thủ tục pháp lý của một số dự án kéo dài hơn dự kiến.

Với bề dày kinh nghiệm và nền tảng tài chính tốt, Công ty đang có cơ hội tốt để trúng được các gói thầu đầu tư công trong mảng giao thông, đặc biệt là các dự án đường cao tốc. Ông tiết lộ, CC1 đang có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động để phục vụ mục tiêu phát triển của Công ty.

“Mặc dù gần đây nhiều công ty cắt giảm nhân sự, nhưng CC1 vừa không cắt giảm nhân sự, mà còn đảm bảo chi trả các khoản lương thưởng đầy đủ và đúng hạn", ông Bảo Anh khẳng định.

Các doanh nghiệp Top đầu thường xây dựng nơi làm việc là các văn phòng tích hợp ba yếu tố giải trí, lao động và nghỉ ngơi cho nhân viên của mình.

Viet Research dự báo nhu cầu lao động tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2022 từ 800.000 - 900.000 người, trong đó tập trung vào khu vực lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, với khoảng 74%.

Các doanh nghiệp trong VBE500 cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh khi có đến 42% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2022. Những ngành như công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, ngân hàng là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong VBE500. Hơn 35% doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục giữ ổn định số lượng nhân viên thông qua việc gia tăng chính sách và phúc lợi cho người lao động. Thậm chí, có đến 24% doanh nghiệp cho biết đã gia tăng đáng kể các chính sách phúc lợi cho người lao động.

Công tác nhân sự, cụ thể hơn là thu hút, giữ chân người tài đang là bài toán khó với doanh nghiệp.

Tin bài liên quan