Cột khói của Nhà máy giấy Giấy Xuân Đức ảnh hưởng lớn tới cư dân sinh sống tại Dự án Him Lam Phú An

Cột khói của Nhà máy giấy Giấy Xuân Đức ảnh hưởng lớn tới cư dân sinh sống tại Dự án Him Lam Phú An

Nhiều chủ đầu tư “chịu tiếng oan” vì các cơ sở ô nhiễm

(ĐTCK) Từ năm 2014 đến nay, UBND TP.HCM liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ. Tuy nhiên tới nay, hầu như chương trình này bị “đóng băng”, trong khi dân cư chịu khổ vì ô nhiễm thì nhiều chủ đầu tư cũng mang tiếng oan.

Mòn mỏi chờ di dời cơ sở ô nhiễm

Từ năm 2002, TP.HCM đã có kế hoạch đến năm 2005 phải di dời hơn 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận. Tuy nhiên, kế hoạch này triển khai quá chậm, chưa hiệu quả và không phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố cũng như không hợp lý với các doanh nghiệp.

Cụ thể, đến năm 2005, Thành phố vẫn chưa di dời hết, sau đó gia hạn đến 2006, đến năm 2007 vẫn chưa xong, còn lại 141 cơ sở. Từ năm 2007 đến nay tiếp tục di dời và cho đến thời điểm hiện tại, con số còn lại chưa di dời theo chương trình (không kể lượng lớn cơ sở ô nhiễm phát sinh) là 6 cơ sở (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước).

Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, UBND TP.HCM tiếp tục có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến năm 2015, trên địa bàn  Thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm Củ Chi (hơn 180 cơ sở), quận 9 (hơn 80 cơ sở), Bình Chánh (hơn 70 cơ sở)…

Trước sự chậm chễ này, UBND TP.HCM tiếp tục yêu cầu các bên liên quan thực hiện ngay các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường và phòng chống cháy nổ; không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chủ trì rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; trình UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật quản lý đồng bộ, chặt chẽ về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Trong tháng 10/2015, hoàn thiện dự thảo kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

Trong quý IV/2015, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hỗ trợ các cơ sở di dời, rà soát quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn; điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch quỹ đất đáp ứng yêu cầu di dời; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tới ngày 26/12/2016, UBND TP.HCM lại có Quyết định số 6762/QĐ-UBND về kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, kiên quyết thực hiện chủ trương di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, chính quyền TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động mới, đặt mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư. Theo kế hoạch này, việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ được chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: Bắt đầu từ năm 2016 sẽ xác định đối tượng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng, lập danh mục và hình thức xử lý.

Giai đoạn 2: Đến năm 2017, thực hiện hình thức xử lý hành chính, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ ưu đãi đối với các cơ sở di dời. Sau đó, tổ chức vận động, tuyên truyền, kết hợp giám sát tiến độ di dời của các doanh nghiệp sản xuất này đúng với chủ trương của Thành phố.

Giai đoạn 3: Sau năm 2017, phân loại doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm thành hai mức độ để xử lý. Với những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu đầu tư cải tạo lại công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp tái phạm thì áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng và buộc doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả…

Song song với việc triển khai kế hoạch mới, TP.HCM đang tiếp tục thực hiện, hoàn thành các kế hoạch đã đề ra trước đó.

Mới đây nhất, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo xử lý 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa di dời từ chương trình di dời năm 2003. Theo đó, đối với Công ty TNHH Sản xuất giấy và bao bì giấy Thăng Long (khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND quận 9 giám sát việc ngưng hoạt động, khẩn trương di dời ngay trong năm 2015; đối với Công ty TNHH một thành viên Dệt Sài Gòn (số 40 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú), UBND quận Tân Phú phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố giám sát việc thực hiện ngưng hoàn toàn công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường, buộc công ty này phải tháo dỡ các thiết bị nhuộm vải gây ô nhiễm môi trường, rà soát quy hoạch và yêu cầu công ty xây dựng phương án và tiến hành di dời về Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3…

Tuy nhiên, tới nay đã gần kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch trên, nhưng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong Thành phố vẫn chưa được bao nhiêu.

Lý do bởi các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa chủ động di dời theo đúng nội dung, tiến độ đề ra và thường xin gia hạn thời gian di dời để hoàn tất các hợp đồng giao dịch với khách hàng, giải quyết các khoản nợ tài chính, ngân hàng, lương công nhân. Thậm chí, có cơ sở còn đối phó bằng cách đóng cửa nhà xưởng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc hoàn thành di dời hay chưa.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án mới, một số cơ sở trong số này đã lợi dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư, giá thuê đất và dịch vụ hạ tầng khi chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác cùng các đối tác khác nhưng tỷ lệ góp vốn rất nhỏ, có khả năng sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án cho đối tác…

Cư dân và chủ đầu tư dự án bất động sản khổ vì ô nhiễm

Cũng vì tình trạng chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã gây ảnh hưởng khá lớn tới đời sống người dân, đặc biệt là các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố. Trong đó, có những dự án khi bàn giao nhà, vì cơ sở gây ô nhiễm mà người dân không thể về ở, kết quả chủ đầu tư phải tính bài toán thu hồi lại những căn hộ đã bán cho khách hàng vì ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như tại dự án Him Lam Phú An tại đường Thủy Lợi, quận 9, TP.HCM. Dự án được bàn giao nhà từ tháng 12/2018, nhưng trong thời gian bàn giao nhà, nhiều hộ dân tại 2 Block C và D không thể về ở vì ống khói Nhà máy giấy Xuân Đức ngay tại đó xả thải theo gió bay thẳng vào cửa sổ nhà dân.

Được biết, nhà máy giấy này đã hết thời gian thuê đất hoạt động, cũng vừa bị phạt hơn 200 triệu đồng vì sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tới ngày 23/1/2019 doanh nghiệp này có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9 xin tiếp tục được hoạt động.

Cũng trong tình trạng liên tục bị khói bụi từ nhà máy sản xuất gần đó làm ô nhiễm môi trường, hàng ngàn cư dân Dự án Ehome 3 quận Bình Tân liên tục phải kiến nghị lên UBND quận về vấn đề này.

Cụ thể, theo các hộ dân tại dự án này, thì nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ Công ty TNHH Top Royal Flash Việt Nam xả bụi vải bay thẳng vào các căn hộ tại dự án.

Sau khi nhận phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thành phố tổ chức thu mẫu bụi tại các căn hộ của chung cư Ehome 3, mẫu bụi tại khu vực đóng gói sản xuất của Công ty Top Royal Flash Việt Nam và mẫu bông cỏ tại khu đất trống đối diện chung cư Ehome 3.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, mẫu bụi tại khu vực đóng gói sản xuất của Công ty Top Royal Flash Việt Nam được định danh thành phần chính là Polyester, trong khi mẫu bụi được lấy từ các căn hộ chung cư tại Block A, Block B và mẫu bông cỏ tại khu đất trống đối diện chung cư Ehome 3 được định danh mục thành phần chính là Cenlulose.

Ngoài ra, nhiều năm qua, tại khu Nam TP.HCM, người dân liên tục sống trong cảnh ô nhiễm môi trường bởi mùi hôi, thối bốc lên từ nhà máy xử lý rác Đa Phước tại huyện Bình Chánh. Cũng chính vì ô nhiễm mà theo giới phân tích và lãnh đạo các doanh nghiệp, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng lớn. Người dân cũng ngại về đây sinh sống bởi bị mùi hôi thối bao vây, đặc biệt những căn hộ chung cư bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại TP.HCM hiện nay đã vỡ kế hoạch.

“Nếu tình trạng này còn kéo dài thì thị trường bất động sản cũng như kế hoạch thực hiện đô thị thông minh, sáng tạo của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn”, ông Phúc nhận định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan