Nhiều đại gia công nghệ có kế hoạch thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tên tuổi lớn về thiết bị di động, điện tử thế giới đã, đang hoặc có kế hoạch thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho công nghiệp điện tử phát triển.
Nhà máy của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Nhà máy của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

“Anh tài” tụ hội

Trong khi thông tin Xiaomi sẽ xây dựng nhà máy ở Hải Phòng chưa được xác nhận, bởi thực tế hãng điện tử nổi tiếng Trung Quốc này phần lớn thực hiện việc sản xuất sản phẩm của mình thông qua đối tác Foxconn, thì nhiều khả năng, Oppo mới là “anh hào” mới nhất dự kiến xây dựng nhà máy của mình tại Việt Nam.

Một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư đã xác nhận thông tin trên, song cũng cho biết, hiện tại, kế hoạch xây dựng nhà máy của Oppo ở Bắc Ninh còn vướng một số vấn đề về mặt bằng.

Trên thực tế, việc Oppo dự kiến xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh đã được nhắc đến vào cuối năm ngoái, khi tập đoàn công nghệ đến từ Trung Quốc này ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tổng công ty Đô thị Kinh Bắc về việc thuê đất ở Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh để xây dựng nhà máy. Lúc ấy, thông tin còn cho biết, nhà máy sẽ được khởi công vào đầu năm 2021, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Tuy hiện tại, các kế hoạch đó chưa được triển khai, song việc Oppo muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam là có thật. Hiện tại, Oppo mới có nhà máy ở Thâm Quyến (Trung Quốc) và New Dehli (Ấn Độ). Việc xây dựng thêm nhà máy ở Việt Nam có thể là một bước đi quan trọng giúp Oppo mở rộng sản xuất và gia tăng năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường thiết bị di động toàn cầu.

Công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm qua.

Như vậy, ngoại trừ Huawei, thì hầu hết tên tuổi lớn trên thị trường thiết bị di động, thiết bị điện tử toàn cầu đều đã, đang hoặc có kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam, từ Samsung, LG, đến Apple, Lenovo, Sony, Nokia…

Trong số này, ngoài Samsung và LG quá đình đám với các tổ hợp công nghệ cao hàng tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và Hải Phòng, thì Sony, Nokia cũng đều đã từng có nhà máy ở Việt Nam. Trong khi đó, Lenovo đã liên tục tới Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm kiếm cơ hội xây dựng nhà máy tại đây. Còn Apple, tuy chưa có kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam, song một loạt đối tác sản xuất lớn của họ, như Wistron, Pegatron, Luxshare, Foxconn… đều đang gia tăng sản xuất các thiết bị, linh phụ kiện tại Việt Nam.

Foxconn, cách đây 2 tháng, đã chính thức đầu tư dự án sản xuất iPad và MacBook, 270 triệu USD tại Bắc Giang. Thậm chí, thông tin được ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Foxconn Việt Nam cho biết, Foxconn có kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm sau, sau khi đã đầu tư 1,5 tỷ USD tại đây.

Ít ngày trước, Hãng tin Taiwan News đã một lần nữa nhắc đến thông tin trên và cho biết, Foxconn dự kiến đạt doanh thu 10 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, con số sẽ không dừng ở đó, bởi Foxconn dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 40 tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.

Cơ hội cho ngành điện tử Việt Nam

Sự xuất hiện của các đại gia công nghệ thế giới đã khiến công nghiệp điện tử Việt Nam khởi sắc. Sách Trắng công nghệ thông tin Việt Nam 2019 cho biết, công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm qua.

Năm 2018, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt trên 102 tỷ USD (tăng 12,43% so với năm 2017), trong đó, riêng công nghiệp phần cứng điện tử đạt 91,5 tỷ USD; xuất khẩu trên 89 tỷ USD, đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Sách Trắng 2020 chưa được công bố, nhưng nhiều thông tin cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu đồ điện tử. Các con số của năm 2020, theo Tổng cục Hải quan, cũng rất khả quan. Theo đó, xuất khẩu điện thoại di động đạt 51,18 tỷ USD, còn xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,58 tỷ USD. Chỉ tính hai mặt hàng này, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020, năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, đã đạt 95,76 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là một đóng góp không nhỏ.

Rõ ràng, sự có mặt của các đại gia công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, trước tiên trên khía cạnh đóng góp cho xuất khẩu. Con số chắc chắn sẽ tăng nhanh, nếu các kế hoạch mở rộng đầu tư của Foxconn, Pegatron, Luxshare, LG… được thực hiện đúng dự kiến.

Tuy nhiên, một thực tế không quá khó để nhận ra, đó là ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang “nằm trong tay” các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết phần đóng góp cho xuất khẩu thiết bị di động, đồ điện tử đều thuộc về các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Foxconn, Goertek…

Có một điểm tích cực là, khi các “đại gia” này xuất hiện, các doanh nghiệp vệ tinh cũng theo chân vào Việt Nam đầu tư. Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… là những địa phương được hưởng lợi nhất về điều này. Đã có giai đoạn, khi Samsung mới vào Việt Nam, gần như tháng nào, các tỉnh này cũng đón nhận thêm các dự án vệ tinh trong lĩnh vực điện tử. Hàng tỷ USD đã được các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường này.

Tuy nhiên, điều mà Việt Nam mong chờ là sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu của các đại gia công nghệ. Muốn làm được như vậy, một mặt, cần doanh nghiệp ngoại “lôi kéo” các doanh nghiệp Việt Nam “đi cùng”, nhưng mặt khác, bản thân doanh nghiệp Việt phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với “đại gia” ngoại.

Tin bài liên quan