Cát Bà được chuyên trang du lịch của Microsoft xếp thứ hai trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á.

Cát Bà được chuyên trang du lịch của Microsoft xếp thứ hai trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á.

Nhiều “đòn bẩy” hút khách quốc tế đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, xung đột chính trị, nhu cầu và thị hiếu của du khách thay đổi hậu Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang nỗ lực tạo “đòn bẩy” để thu hút du khách đến Việt Nam.

Những tín hiệu vui

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố cho biết, 5 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam phục vụ gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 57,5% mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế cả năm 2023. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 1,3 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm đạt 268.300 tỷ đồng, tăng 22,1%; du lịch lữ hành đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với những con số vượt mục tiêu đón khách quốc tế, ngành du lịch còn đón nhiều tín hiệu vui khác. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với báo chí, truyền thông nước ngoài, góp phần tăng sức hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Trong đó, Cát Bà (Hải Phòng) đứng thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á, vừa được chuyên trang về du lịch của Microsoft đề xuất. Ninh Bình được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2023; chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đề xuất là một trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.

Chuyên trang du lịch quốc tế Lonely Planet cũng vừa gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc - Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới. Khởi hành từ Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM với quãng đường khoảng 1.730 km, trong 2 ngày hành trình, du khách sẽ có cơ hội nhìn ngắm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp từ Bắc vào Nam, với những dãy núi cao ngất ẩn hiện trong sương và những bờ cát trắng mịn tiếp nối biển xanh trải dài. Qua khung cửa sổ tàu, du khách sẽ được chứng kiến cuộc sống nhộn nhịp và sôi động nơi đô thị và nông thôn bình yên, tĩnh lặng.

Còn chuyên trang ẩm thực TasteAtlas liên tục tôn vinh nhiều món ăn Việt Nam trong các danh sách món ngon của thế giới.

Đặc biệt, mới đây, sự kiện Michelin Guide công bố danh sách 103 nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM đạt chuẩn, trong đó có 4 nhà hàng được chứng nhận 1 sao Michelin, được xem là “bước nhảy” nâng tầm ẩm thực Việt Nam mang tính đẳng cấp hơn. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến “đất nước hình chữ S”, cũng là chất liệu tuyệt vời để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Tạo nhiều “đòn bẩy” hút khách quốc tế

Nhiều chuyên trang du lịch của nước ngoài đánh giá cao điểm đến Việt Nam, cùng sự kiện mới đây 4 nhà hàng Việt được gắn sao Michelin, sẽ là “đòn bẩy” thu hút du khách quốc tế.

Tận dụng cơ hội này, Tổng cục Du lịch và Hà Nội, TP.HCM đã lập tức đưa những nhà hàng đạt chuẩn Michelin vào kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian tới.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, việc Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin sẽ tạo động lực để các nhà hàng, quán ăn chuẩn chỉnh lại phong cách phục vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sáng tạo trong cách chế biến và tạo được không gian đặc trưng để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Theo định hướng phát triển du lịch TP. Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực... bên cạnh hệ thống các nhà hàng phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.

“Để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của ngành kinh tế xanh Thủ đô, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin, bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Hà Nội trong các chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch trên sóng của các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội, cũng như tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng bản đồ Food Tour Hà Nội để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương”, bà Giang cho biết.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế mới chỉ phục hồi chưa bằng 50% so với trước Covid-19, để tạo “đòn bẩy” thu hút du khách quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”....

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự kiến Luật sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối Kỳ họp, tạo điều kiện tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Tin bài liên quan