Nhiều sản phẩm thép Việt sang EU chịu hạn ngạch thuế quan thêm một năm

0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm thép của Việt Nam, gồm: tấm thép cán nóng, tấm thép mạ, các loại ống thép lớn, tấm thép mạ phủ hữu cơ... chịu hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu sang EU đến hết 6/2024.
Việt Nam bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với 8 nhóm sản phẩm thép vào thị trường EU.

Việt Nam bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với 8 nhóm sản phẩm thép vào thị trường EU.

Ủy ban Tự vệ thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa thông báo về việc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 1 năm.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/06/2024.

Theo kết luận này, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp; các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, việc gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu là cần thiết.

Cụ thể, EC tiếp tục duy trì cách thức phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Lượng hạn ngạch không chịu thuế tiếp tục tăng 4% so với giai đoạn 01/7/2021 - 30/6/2023.

Cụ thể, Việt Nam bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với 8 nhóm sản phẩm bao gồm: nhóm 1 (tấm thép cán nóng); nhóm 3B (tấm thép kỹ thuật điện); nhóm 4A, 4B (tấm thép mạ), nhóm 5 (tấm thép mạ phủ hữu cơ), nhóm 9 (tấm thép cán nguội không gỉ), nhóm 25B (các loại ống thép lớn); nhóm 26 (các loại ống thép khác).

Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng không được áp dụng hạn ngạch riêng đối với nhóm nào.

Trước đó, ngày 26/03/2017, EC khởi xướng điều tra tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.

Đến ngày 18/7/2018, EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với việc nhập khẩu một số sản phẩm thép được phân loại theo 23 danh mục sản phẩm trong thời gian 200 ngày.

Ngày 02/02/2019, EC áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với 26/28 danh mục sản phẩm bị điều tra. Thuế suất ngoài hạn ngạch là 25%, hạn ngạch áp dụng khác nhau tùy thuộc loại sản phẩm và xuất xứ.

Ngày 01/7/2020, hạn ngạch không chịu thuế được tăng thêm 5%. Biện pháp này có hiệu lực cho đến ngày 30/6/2021. Sau thời hạn 3 năm, EU tiếp tục gia hạn lần đầu đối với biện pháp tự vệ này nhưng nới lỏng bằng cách tăng mức độ hạn ngạch thuế quan cho tất cả các nhóm lên 4% cho thời kỳ 01/7/2022 - 30/6/2023 và 01/7/2023 - 30/6/2024.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu thép theo dõi lượng nhập khẩu để đảm bảo các lô hàng xuất khẩu phù hợp với mức hạn ngạch còn lại khi xuất khẩu sang EU.

EU là thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành thép nước ta. Năm cao điểm 2021, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thép sang EU đạt 1,886 tỷ USD.

Tin bài liên quan