Nhóm cổ phiếu chứng khoán "lạc nhịp"

Nhóm cổ phiếu chứng khoán "lạc nhịp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhóm cổ phiếu đua nhau khởi sắc giúp thị trường có pha "quay xe" ngoạn mục, chỉ số VN-Index phục hồi 16 điểm, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán lại "lạc nhịp" khi không tìm được tiếng nói chung.

Sự “trở mặt” của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán khiến thị trường giao dịch dần đuối sức sau nửa đầu phiên sáng giằng co. Áp lực bán đã gia tăng và dần lan rộng hơn trên thị trường kéo hàng loạt mã lớn bé đua nhau giảm điểm, đã đẩy các chỉ số chính về vùng giá thấp nhất khi tạm dừng phiên sáng.

Tâm lý tiêu cực tiếp tục lan sang phiên chiều khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm và dễ dàng lui về sát mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên, vùng giá này đã đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường, kích hoạt dòng tiền nhập cuộc sôi động trở lại giúp chỉ số chung dần hồi phục.

Sau hơn 1 giờ mở cửa phiên chiều, thị trường dần tìm lại sắc xanh và bật mạnh hơn trong đợt khớp lệnh ATC. Chỉ số VN-Index đã có phiên giao dịch chiều biến động khá mạnh, từ mức giá thấp nhất 1.110 điểm, hồi phục mạnh lên mức cao nhất ngày 1.116 điểm, tương ứng bật tăng 16 điểm.

Tuy nhiên, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn “lạc nhịp” với thị trường chung. Trong khi hầu hết các nhóm ngành đều tìm lại được sắc xanh thì nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Kết phiên, các mã VND, VCI, VDS, HCM, FTS, VIX, BSI, AGR đều đứng dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ VND, TVS may mắn có được sắc xanh nhưng mức tăng chưa đến 0,5%. Trong đó, VND, SSI và VIX vẫn là các mã giao dịch tốt nhất ngành, lần lượt đạt hơn 24 triệu đơn vị khớp lệnh, hơn 17,3 triệu đơn vị và 14,62 triệu đơn vị.

Trái lại, sắc xanh chiếm áp đảo trên thị trường, đặc biệt là nhiều mã lớn và bé đã tìm lại vùng giá cao nhất, là động lực tiếp sức cho VN-Index tiếp bước trên chặng đường hướng tới ngưỡng kháng cự 1.120 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 216 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 8,49 điểm (+0,77%), lên 1.107,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 902,2 triệu đơn vị, giá trị 16.526,78 tỷ đồng, cùng giảm hơn 30% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,48 triệu đơn vị, giá trị 1.445,75 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 đã đóng góp tích cực cho thị trường như MWG tăng 3,9%, VNM tăng 3,2%, BCM tăng 2,5%, MSN và SAB cùng tăng 2,5%, VIC tăng 2,1%.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh chứng khoán, 2 nhóm nhỏ khác là dịch vụ tư vấn và khai khoảng điều chỉnh nhẹ, còn lại đều khởi sắc.

Nhóm cổ phiếu vua đã tìm lại sắc xanh dù biên độ tăng khá hẹp, trong đó các mã khởi sắc như TCB, CTG, VCB, MBB… chủ yếu chỉ tăng trên dưới 0,5%, đáng kể EIB tăng tốt nhất 3,14%; ngoại trừ TPB, ACB, HDB đang mất điểm.

Ở nhóm bất động sản, với sự dẫn dắt khá tốt từ anh cả VIC, nhiều mã cũng đã lấy lại đà tăng tốt trên 2% như VCG, DPG, FCN, HDG, TCD, ITA, HBC, DRH… Trong đó, bộ đôi NVL và PDR có thanh khoản vượt trội trên thị trường, với NVL khớp 29,16 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 14.600 đồng/CP; PDR tăng vọt 4,7% lên mức giá cao nhất ngày và cũng là mức cao nhất từ đầu năm với thanh khoản 20,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đặc biệt, QCG vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đóng cửa, QCG tăng kịch trần lên mức 11.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 0,42 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 0,71 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ tính trong khoảng nửa tháng gần đây, cổ phiếu QCG đã tăng tới gần 130%, từ mức giá đóng cửa phiên 19/5 tại 4.950 đồng/CP.

Tuy nhiên, tăng tốt nhất thị trường phải kể đến nhóm bán lẻ. Ngoài MWG, các mã khác tăng tốt như FRT và DGW cùng tăng kịch trần, PET tăng 4,66%...

Trên sàn HNX, sau khoảng 2/3 thời gian của phiên chiều rung lắc nhẹ, thị trường đã bật cao và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 130 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 1,77 điểm (+0,78%) lên 229,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 104,84 triệu đơn vị, giá trị 1.742,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 32,33 triệu đơn vị, giá trị 399,74 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận gần 21,8 triệu đơn vị, giá trị 250,66 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu HNX30 đua nhau khởi sắc, trong đó NTP kéo trần thành công, các mã tăng tốt khác như DTD tăng 8,6%, IDC tăng 5,2%..

Ngoài đà tăng mạnh về giá, IDC cũng có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản thuộc top 5, đạt gần 6,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm vừa và nhỏ, nhiều mã cũng tăng vọt như AMV tăng 5,9%, AAV tăng kịch trần, DST tăng 6%, VC7 tăng 4,6%...

Xét về nhóm ngành, trái ngược các cổ phiếu chứng khoán trên HOSE, các mã trong nhóm này trên HNX diễn biến khá tích cực với SHS tăng 2,4% lên mức cao nhất ngày 13.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 23,7 triệu đơn vị; MBS tăng nhẹ 0,5%, HBS tăng kịch trần.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều khởi sắc trở lại.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,4%) lên 84,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,74 triệu đơn vị, giá trị 612,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,94 triệu đơn vị, giá trị 77,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã lấy lại mốc tham chiếu 17.200 đồng/CP với thanh khoản trở lại vị trí dẫn đầu thị trường, đạt hơn 7 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, điểm sáng thị trường vẫn là nhóm vừa và nhỏ, với VHG đóng cửa giữ mức tăng 8,8% và khớp lệnh đạt 4,6 triệu đơn vị, SBS tăng 2,7%, KVC và CEN đều tăng trần, thanh khoản đều đạt một đến vài triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu điện cũng được thắp sáng, trong đó NED tăng sát trần với biên độ 12,1% lên 7.400 đồng/CP và QTP tăng 2,4% lên 17.200 đồng/CP, đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2306 tăng 13 điểm, tương đương +1,2% lên 1.108,3 điểm, khớp lệnh đạt 157.940 đơn vị, khối lượng mở gần 47.210 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch khá phân hóa, trong đó, CMWG2302 là mã có thanh khoản cao nhất, đạt 3,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 18,5% lên 320 đồng/cq. Tiếp theo là CVNM2212 khớp hơn 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 22,2% lên 220 đồng/cq.

Tin bài liên quan