Những “biến tướng” hậu cổ phần hóa

Sau 16 năm (từ năm 1992) thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM, có thể thấy rằng CPH đã mang lại cho doanh nghiệp cơ chế quản lý năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc sử dụng những tài sản là đất, nhà, xưởng của nhà nước hậu CPH như thế nào, có đúng mục đích đã đăng ký doanh và nhà nước lợi hay thiệt?

Đất thuê đem... cho thuê lại

 

Qua công tác kiểm tra của UBND TPHCM về tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp sau CPH đến cuối năm 2007 cho thấy, có 34 doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, mang cho thuê lại với tổng diện tích gần 11 ha. Hầu hết những doanh nghiệp này, khi xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp CPH, đều chọn hình thức thuê đất, vì đơn giá thuê thấp.

 

Điều đáng nói là khoản tiền chênh lệch khi thuê theo giá của nhà nước rồi mang cho thuê lại không rõ hạch toán vào đâu? Trong 263 doanh nghiệp nhà nước đã CPH chỉ có 3 doanh nghiệp đề nghị tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để CPH.

 

Chưa hết, các doanh nghiệp CPH, trước khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì giá trị quyền sử dụng đất không được xác định để đưa vào giá trị của doanh nghiệp hoặc tiền thuê đất chưa được tính theo giá thị trường. Thế nhưng khi liên doanh, liên kết thì giá trị quyền sử dụng đất lúc này lại được tính theo giá thị trường!

 

Lý do để một số công ty cổ phần, mang nhà xưởng cho thuê lại là vì theo Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có toàn quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình (trong đó có nhà xưởng). Thế nhưng, theo UBND TP, hợp đồng thuê đất của nhà xưởng này đã quy định “không được phép cho thuê lại”.

 

Đó là chưa kể chủ trương của TP về vấn đề này “nhà xưởng đã giao cho công ty cổ phần, nghiêm cấm cho thuê lại”. Ngay từ năm 1998, khi thực hiện mở rộng việc CPH các doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP đã có chủ trương kiểm tra mục đích sử dụng nhà xưởng của các doanh nghiệp nhà nước theo 3 yêu cầu: không cho thuê, không bỏ trống và phải sử dụng đúng mục đích kinh doanh đã đăng ký. Các nhà xưởng nào không đảm bảo 3 yêu cầu này thì thu hồi.

 

Như vậy, từ khá lâu TP đã có chủ trương chống thất thoát lãng phí trong việc sử dụng đất của các doanh nghiệp hậu CPH. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào vi phạm 1 trong 3 yêu cầu trên bị thu hồi(?).

 

Vốn nhà nước và người lao động “teo” dần!

 

Theo đánh giá của UBND TP, vai trò đại diện trực tiếp chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cổ phần của HĐQT các tổng công ty và các công ty hoạt động theo mô hình “mẹ – con” chưa thực sự thể hiện và phát huy đầy đủ như quy định của UBND TP.

 

Cụ thể là không chấp hành quy định về báo cáo, xin ý kiến UBND TP về việc mua hoặc bán cổ phần Nhà nước. Rồi cũng không xin ý kiến xử lý đối với trường hợp không thực hiện quyền mua cổ phần được phân phối cho cổ đông nhà nước, dẫn đến giảm tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tại công ty cổ phần.

 

Song song đó là không báo cáo định kỳ tình hình tăng giảm vốn nhà nước tại các công ty cổ phần theo quy định. Trong quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp CPH, chưa xác định được cơ quan nào là đầu mối tổng hợp và giải quyết những vướng mắc.

 

Qua kiểm tra của UBND TP cho thấy, sau CPH cơ cấu vốn nhà nước giảm 3%, vốn cán bộ công nhân viên giảm 8,32%. Trong khi đó, vốn của các cổ đông ngoài doanh nghiệp tăng 11,32%. Điển hình như vốn của CBCNV Công ty CP Bông Bạch Tuyết chỉ còn 1,4% (ban đầu 57%); Công ty CP Tie chỉ còn 0,93% (ban đầu là 21%).

 

Đặc biệt, cổ phần của cán bộ công nhân viên Công ty CP Cơ khí điện Lữ Gia, ban đầu là 23,36%, nay chỉ còn 0,03%. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp sau CPH có tỷ lệ cơ cấu vốn của người lao động trong doanh nghiệp nhỏ hơn 1%, hiện nay chiếm 1,36%.

 

Vốn nhà nước giảm tốc độ nhanh nhất là khi các công ty cổ phần có phương án bán cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá công khai ra bên ngoài. Trong khi đó, vai trò đại diện vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, tổng công ty, công ty nhà nước chưa thực sự thể hiện và phát huy đầy đủ vai trò và chức năng quản lý phần vốn nhà nước.

 

Thậm chí, một số trường hợp, người đại diện phần vốn nhà nước không xin ý kiến UBND TP khi mua, bán cổ phần nhà nước đồng thời cũng không thực hiện quyền mua cổ phần được phân phối cho cổ đông nhà nước.

 

Trước thực trạng trên, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, khi tiến hành CPH doanh nghiệp: không tính giá trị lợi thế vị trí sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp mà chỉ cần điều chỉnh giá cho thuê đất sát với giá thị trường, áp dụng cho mọi thành phần kinh tế, có thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

 

Chính phủ chỉ đạo thống nhất chọn hình thức giao đất (chứ không cho thuê) và việc xác định giá trị quyền sử dụng đất phải tính theo giá thị trường chứ không tính theo khung giá do UBND TP ban hành hàng năm, tránh thất thu ngân sách.

 

Song song đó, cần ban hành quy định để chế tài thật nghiêm đối với thủ trưởng các đơn vị không ký hợp đồng thuê đất khi hết hạn, không thực hiện việc kê khai đất theo chủ trương… Ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp xử lý cụ thể đối với các đơn vị đã CPH nhưng sử dụng đất không đúng mục đích được giao, không phục vụ nhiệm vụ chính của đơn vị gây thất thoát, lãng phí. Sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hậu CPH phân định trách nhiệm, quyền lợi của người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần…